Đại sứ Lê Dũng còn thêm, “khi nói chuyện với bà con, Thủ tướng đã ba lần cầm cuốn dự án và đánh giá cao sáng kiến này. Vì vậy, Anh tranh thủ xin gặp và báo cáo Thủ tướng để ta triển khai nhanh hơn Anh nhé!”. Tôi thực sự xúc động trước tấm lòng của những người con xa xứ và trước sự quan tâm, trân trọng của người đứng đầu Chính phủ đối với tấm lòng của đồng bào ta ở nước ngoài.
Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu
Ba năm trước, khi cùng Lãnh đạo Uỷ ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam tiếp Đoàn Đại biểu kiều bào về dự Đại hội thi đua toàn quốc (2015), tôi đã nghe chị Nguyễn Thị Bích Yến (sinh sống tại Áo) thay mặt cho một số kiều bào nêu ý kiến: hiện tại, các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại nhiều nước thường tổ chức Ngày Việt Nam tại mỗi địa bàn vào các thời điểm khác nhau, nhưng lại không có Ngày Việt Nam tổ chức cùng một ngày trên toàn thế giới. Từ đó, chị nêu ý tưởng lấy ngày Giỗ tổ Hùng Vương làm ngày lễ chung cho cộng đồng Người Việt Nam cả trong và ngoài nước. Chị đã nêu ý tưởng này trong nhiều cuộc gặp gỡ và hội thảo khác.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Hội liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 28/11/2018. (Nguồn: VGP) |
Nhận thấy ý tưởng trên sẽ góp phần giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, ngày càng gắn bó với đất nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, Hội liên lạc với NVNONN đã ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến trên và thành lập Ban vận động dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu với các thành viên ở trong và ngoài nước. Sau thời gian chuẩn bị Đề án và xác định một số địa bàn cho đợt “ra quân đầu tiên” vào Ngày Giỗ Tổ đầu năm 2018, Ban vận động đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTƯ MTTQVN).
Công việc chuẩn bị thật gấp rút. Điều khó nhất là làm sao tìm được nguồn tài trợ để đúc Tượng Quốc Tổ Hùng Vương và các bộ trang phục tế lễ mang đi các địa bàn. Trước khi lên đường, chúng tôi đã lên Đền Hùng thắp hương và mang theo những gói đất và chai nước vùng đất Tổ đến những địa bàn tổ chức sự kiện. Do bị hạn chế cả về kinh phí và thời gian, Ban vận động đã quyết định tổ chức Lễ và Hội ở Czech và Nga, là hai địa bàn có cộng đồng người Việt lớn. Tại Nga, Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Hoàng định cư tại Moscow, đã thay mặt Hội và Ban vận động, cùng Hội người Việt Nam (HNVN) và Đại sứ quán ta tại Nga tổ chức long trọng sự kiện này. Tại Czech, với sự tham dự của Đại sứ ta, Đoàn đại biểu UBTƯ MTTQVN, Đoàn của Hội liên lạc với NVNONN và Ban vận động dự án, Lễ dâng hương và Lễ Tế Quốc tổ Hùng Vương đã được HNNV và Hội đồng hương tỉnh Phú Thọ tại Czech tổ chức trọng thể trong khuôn viên Chợ Sapa, thủ đô Praha. Lãnh đạo Liên hiệp các HNVN tại châu Âu, hơn 1.000 đồng bào từ Czech và 20 nước châu Âu, đại diện các tổ chức hữu nghị với Việt Nam của Czech và một số nước châu Âu đã tham gia sự kiện. Các hoạt động thương mại, triển lãm, ẩm thực, biểu diễn cũng thu hút được hàng ngàn bà con người Việt và bạn bè sở tại tham dự.
Trực tiếp chứng kiến 37 đoàn đại diện cho cộng đồng người Việt ở các địa phương tại Czech và nhiều quốc gia châu Âu khác thành kính dâng hương cùng sản vật của địa phương trước bàn thờ Đức Quốc tổ Hùng vương, chứng kiến không khí trang trọng của buổi Lễ, chúng tôi cảm nhận được tình cảm máu thịt thiêng liêng của những người con xa xứ đối với đất nước và nguồn cội dân tộc. Bên cạnh buổi lễ chính thức, các hoạt động triển lãm hàng hoá, ẩm thực, xúc tiến du lịch, thời trang, văn nghệ... cũng diễn ra rất sôi nổi tại Czech, Nga. Hội thảo Cộng đồng NVNONN với Ngày Giỗ Tổ Hùng vương được tổ chức tại Hungary, Đêm thơ Về cùng nước Việt diễn ra tại Czech, Nga, Hungary, Đức, với sự tham gia của các học giả, nhà thơ, nghệ sỹ trong nước và các học giả, nghệ sỹ, nhà thơ Việt Nam cư trú tại các nước, thể hiện rõ sự tương đồng về ý thức dân tộc cũng như quan hệ hợp tác gắn bó. Các hoạt động mang tính chất thí điểm cho Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã thực sự gây được tiếng vang, được các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trong nước và ngoài nước rất quan tâm, với 112 tin bài trên báo viết, truyền hình và mạng thông tin điện tử. Dù còn một số hạn chế nhưng kết quả bước đầu đã tạo đà để hàng năm, sẽ tiếp tục triển khai hoạt động trên một số địa bàn khác.
Sau khi nhận Đề án do chị Bích Yến trao khi gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Áo, ngày 28/11/2019, Thủ tướng tiếp tôi và lãnh đạo Hội liên lạc với NVNONN để nghe chúng tôi báo cáo về một số công tác cụ thể. Thủ tướng đánh giá cao ý nghĩa sâu sắc của Đề án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu, gợi ý bổ sung, hoàn thiện thành đề tài cấp Nhà nước để thuận lợi hơn khi triển khai, yêu cầu Bộ Ngoại giao cho Đại sứ quán ta tại các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tổ chức tốt hoạt động này.
Cầu Long Biên. |
Bảo tồn cây cầu Pháp - Việt
Cũng trong buổi tiếp đó, chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng một số sáng kiến cụ thể của người Việt Nam tại các nước, trong đó, nổi lên là Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hoá cầu Long Biên do kiến trúc sư Nguyễn Nga, kiều bào tại Pháp dày công nghiên cứu, đề xuất từ nhiều năm nay.
Dự án có tính khả thi cao và có ý nghĩa sâu sắc vì không những bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử và văn hoá của di sản, làm đẹp cho Thủ đô, mà còn thực sự trở thành cầu nối hữu nghị vững chắc cho Việt Nam với Pháp và các nước khác, thu hút sự quan tâm của nhân dân trong nước, kiều bào ta và du khách quốc tế. Đáng chú ý, KTS Nguyễn Nga đã tranh thủ được sự hỗ trợ kỹ thuât và hợp tác với Tổng công ty Eiffage của Pháp (công ty xây dựng Tháp Eiffel và cầu Long Biên trước đây) trong các khâu phục chế, sửa chữa, bảo tồn và tôn tạo Cầu Long Biên. Vì thế, chúng tôi đề nghị Thủ tướng và Chính phủ xem xét và có ý kiến chỉ đạo đối với Dự án trên. Thủ tướng đã tán thành đề xuất của Hội liên lạc với NVNONN cho Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cùng kiến trúc sư Nguyễn Nga tìm nguồn vốn xã hội hoá để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cầu Long Biên như đề xuất trong Dự án; Chính phủ sẽ có cơ chế thông thoáng dành cho các nhà tài trợ. Thủ tướng hy vọng Dự án không những mang lại lợi ích cho người dân Thủ đô và nhân dân Việt Nam mà còn có ý nghĩa sâu sắc đối với quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Pháp.
Trân trọng tình cảm thiêng liêng và sự đóng góp của kiều bào ta ở nước ngoài đối với quê hương, đất nước, tranh thủ trí tuệ của trí thức và các nhà khoa học ta ở nước ngoài luôn là ưu tiên của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đối với những sáng kiến của kiều bào không chỉ đáp ứng nguyện vọng thiết tha đóng góp cho đất nước của đồng bào ta ở nước ngoài, tạo nên sự gắn bó máu thịt giữa đồng bào trong và ngoài nước, mà còn là sự động viên to lớn đối với các cơ quan, tổ chức làm công tác với NVNONN.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình
Chủ tịch Hội liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài