📞

Đọng lại gì sau cuộc chơi lớn?

10:06 | 16/07/2008
Cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ (HHHV) 2008 đã khép lại, nhưng vẫn đọng lại nhiều điều đáng suy ngẫm.

Ngay trong những ngày đầu chuẩn bị cuộc thi, Tổ chức Hoa hậu hoàn vũ (MUO) đã đưa ra những nguyên tắc làm việc riêng cùng hàng loạt yêu cầu rất cao về cơ sở vật chất, đảm bảo an ninh, lịch trình hoạt động, chất lượng các sự kiện, cách tác nghiệp của báo chí, sự xuất hiện của thí sinh...

Tuy nhiên, khi MUO đến VN, thực tế đã nảy sinh một sự lệch pha trong cách tổ chức giữa người Mỹ và người Việt. Sự lệch pha này là do những khác biệt về tư duy, thói quen, cách làm việc... tạo nên.

Phải công nhận một điều rằng người Mỹ rất chuyên nghiệp. Từng chi tiết nhỏ trong công việc được họ xem như một thanh domino quan trọng, nếu không làm tốt chi tiết ấy nó sẽ ngã xuống tạo nên một hiệu ứng dây chuyền tai hại. Để vận hành cuộc thi HHHV 2008, MUO cử đến 400 người sang VN trong các vai trò: sản xuất, điều phối, chuyên gia các lĩnh vực, bác sĩ, bảo vệ…

Những trang thiết bị tối tân nhất cũng được vận chuyển sang VN và được lắp ráp chính xác tuyệt đối. Thể hiện rõ nhất là trong đêm phúc khảo 13-7, một bản sao của lễ đăng quang, đã diễn ra vô cùng nghiêm túc khiến nhiều khán giả vẫn cứ tin rằng đó là kết quả thật. Phông nền, hiệu ứng sân khấu, những góc máy trong nhà hát, hậu trường được đánh giá là chuẩn mực đến từng centimet. Hay như trong cách tổ chức nhân sự, cứ bốn hoa hậu lại có một người giám sát chuyên nhắc nhở từ lịch làm việc cho đến chuyện ăn, ngủ của các người đẹp.

Và dường như đối chọi với nguyên tắc ấy, phía ban tổ chức VN lại đi theo cách "nói một đằng, làm một nẻo". Thể hiện rõ nhất là trong các sự kiện phụ của cuộc thi do phía VN tổ chức: từ chuyện "vỗ tay điện tử" trong đêm thi trang phục truyền thống, những vấp váp của MC trong đêm Hội An, những rùm beng chuyện áo dài cho hoa hậu Thùy Lâm...

Được biết, những chương trình này được ban tổ chức "bán dàn" cho nhiều công ty chia nhau thực hiện, vì thế đã tạo nên một sự chệch choạc, lộn xộn đáng tiếc; thậm chí có chương trình dường như được tổ chức chỉ để quảng cáo cho một tập đoàn nào đó.

Ngoài ra, sự căng thẳng giữa báo chí VN và ban tổ chức cũng để lại nhiều điều đáng nhớ về cuộc thi này. MUO có "luật chơi" riêng rất hà khắc về chuyện tác nghiệp của báo chí, các nhà báo VN lại có những "đòi hỏi chính đáng" về quyền được cung cấp thông tin. Thế là phía ban truyền thông VN vừa "lách luật"  với MUO vừa "làm khó” với báo chí VN, tạo nên những cuộc rượt đuổi, bưng bít, bao vây thông tin đầy bi hài.

Cái được lớn nhất, hào hứng nhất mà cuộc thi này mang lại - theo mong muốn tha thiết của hầu hết người Việt - là hai tiếng Việt Nam trở nên to hơn, rõ hơn, dễ nhớ hơn trong con mắt của bạn bè quốc tế.  Suốt một tháng diễn ra cuộc thi, VN trở thành điểm nóng của báo chí thế giới, 9 phút phim quí giá về thiên nhiên và con người của mảnh đất hình chữ S được truyền đi đến hơn 1 tỉ người, hai MC của lễ đăng quang phải học thuộc và nhắc lại nhiều lần câu: "Chào mừng các bạn đến với cuộc thi HHHV 2008 tại VN".

Những tinh túy của văn hóa Việt được đưa lên sân khấu lễ đăng quang một cách lộng lẫy, sang trọng: hoa sen, tre trúc, trống đồng… Cái được ấy cũng chưa thể đánh giá ngay trong một sớm một chiều mà biết đâu sẽ còn có những tác dụng về lâu dài trong du lịch, nâng cao vị thế đất nước.

Vẫn biết vạn sự khởi đầu nan, những ngỡ ngàng của lần đầu tiên sẽ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Vì thế, dù nhiều "dư âm" nhưng vẫn phải ghi nhận đây là một nỗ lực lớn của rất nhiều người. Hi vọng những bài học kinh nghiệm sẽ được rút ra nghiêm túc để chuẩn bị cho những sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao… tầm cỡ quốc tế khác tại VN trong thời gian tới.Theo Tuổi Trẻ