📞

Đông Nam Á “đau đầu” vì tội phạm có tổ chức

Nguyệt Minh 16:11 | 19/07/2019
TGVN. Theo một báo cáo vừa được Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) công bố cho thấy, lợi nhuận mà các băng đảng tội phạm có tổ chức thu được ở Đông Nam Á đã đạt đến mức nguy hiểm, chưa từng có.    
Các băng nhóm tội phạm có tổ chức liên tục thay đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường tại Đông Nam Á. (Nguồn: FBI.gov)

“Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tại Đông Nam Á: Sự phát triển, lớn mạnh và tác động” là một nghiên cứu toàn diện nhất của Liên hợp quốc về tội phạm có tổ chức tại Đông Nam Á trong 5 năm trở lại đây.

Báo cáo cho thấy, các nỗ lực trấn áp tội phạm của lực lượng hành pháp ở một số nơi trong khu vực Đông Nam Á và các khu vực lân cận đã làm thay đổi mô-tip phạm tội, trong khi các băng nhóm tội phạm lớn đã mở rộng phạm vi và địa bàn hoạt động đến những nơi có nền quản lý kém, đặc biệt là các vùng biên giới.

Báo cáo nhấn mạnh, tham nhũng cũng như rửa tiền tại các sòng bạc là những thách thức quan trọng đối với khu vực này.

Trong các loại hình tội phạm, kinh doanh ma túy tổng hợp đã nhanh chóng trở thành ngành kinh doanh bất hợp pháp sinh lời nhiều nhất ở khu vực Đông Nam Á, khi các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã thay đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường. Ước tính, thị trường ma túy đá (methamphetamine) đạt giá trị 61,4 tỷ USD mỗi năm, thị trường heroin có giá trị 10,3 tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, các băng đảng buôn bán ma túy ở Myanmar đã và đang vận chuyển methamphetamine qua Lào đến Việt Nam nhằm vận chuyển đến các thị trường khác. Một lượng lớn methamphetamine bị thu giữ trong vòng 6 tháng đầu năm năm 2019 đã củng cố xu hướng này.

Báo cáo cho thấy, sự khác biệt về kinh tế trong khu vực đã làm tăng cả cầu và cung đối với lao động giá rẻ và là yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình buôn bán người và đưa người di cư trái phép khi dòng người muốn tìm kiếm cơ hội.

Thu nhập tầng lớp trung lưu tăng lên cũng khiến tình hình buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã và gỗ lậu gia tăng. Nhu cầu đối với các sản phẩm quý hiếm đang bị nguy cấp tăng nhanh do sức mua tăng.

Khu vực Đông Nam Á được nhận định là một trung tâm mua bán hàng giả lợi nhuận cao, nhưng ít rủi ro như thuốc, kể cả đối với một số loại gây ra những vấn đề lớn đối với sức khỏe và an toàn cho người sử dụng. Ước tính, thị trường hàng giả trong khu vực có giá trị khoảng 35,9 tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo cảnh báo, tình trạng thuốc giả tiếp tục nở rộ và gây ra những tác động xấu ngay lập tức đối với người sử dụng và thị trường này cũng có giá trị lên đến 2,9 tỷ USD mỗi năm.

“Các băng nhóm tội phạm có tổ chức đã thu về hàng tỷ USD ở khu vực Đông Nam Á từ các hành vi buôn lậu xuyên biên giới, buôn bán bất hợp pháp ma túy và tiền chất, buôn người, buôn động thực vật hoang dã, gỗ và hàng giả”, ông Jeremy Douglas, Trưởng Đại diện Khu vực của UNODC nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, dòng tiền bất hợp pháp được chuyển đến ngành công nghiêp casino và các cơ sở kinh doanh dựa nhiều vào tiền mặt. Đông Nam Á đang gặp phải vấn đề tội phạm có tổ chức và đã đến lúc cần liên kết, thống nhất các giải pháp nhằm giải quyết các điều kiện dẫn đến các cơ sở kinh doanh bất hợp pháp phát triển và cần đảm bảo hợp tác xuyên biên giới.

Ông Prajin Juntong, Thượng nghị sĩ, Nguyên Phó Thủ tướng Thái Lan cảnh báo: “Tình hình tội phạm có tổ chức trong khu vực là đáng lo ngại. Các băng đảng đang lợi dụng Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia đang phải vật lộn để ứng phó với chúng”.

Báo cáo trên được công bố ngay trước thềm Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN 2019 về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) tại Nay Pyi Taw, Myanmar.

Tại sự kiện này, UNODC sẽ trình bày ngắn gọn với Hội nghị, các Chính phủ và các đối tác quốc tế về các phát hiện của báo cáo và các giải pháp ứng phó. Cũng tại Hội nghị, UNODC và Chính phủ Thái Lan – với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2019, cũng sẽ trình bày kế hoạch quản lý biên giới khu vực.