📞

“Đông Nam Á khiến tôi mở lòng mình…”

09:00 | 03/01/2016
“Tôi đến từ Việt Nam”, tôi thường trả lời như vậy mỗi khi ai đó tò mò về nguồn gốc của mình. Bố gốc Việt, mẹ người Australia, song đây là lần đầu tiên tôi tới đất nước này. Tôi theo chân mẹ trong suốt thời gian nhiệm kỳ làm việc của bà tại Thủ đô Hà Nội. Bố mẹ đã ly dị từ lâu, song với mẹ, hay cả bản thân tôi, Việt Nam vẫn như quê hương thứ nhất. 
Tác giả bài viết - Amy Tram Cleary (thứ hai từ phải) cùng các bạn nhỏ Hà Nội.

Hà Nội: Mảnh ghép quê hương

Không muốn phụ thuộc vào tài chính của mẹ, tôi tự tìm một công việc bán thời gian để có thể “nuôi sống” những trải nghiệm của mình tại Hà Nội. Có lần ngồi quán cà phê Cộng trên đường Hoàng Diệu, tôi ngạc nhiên bởi một cậu bé đánh giày lại nói tiếng Anh trôi chảy. Hóa ra Tuyên – tên cậu bé được Tổ chức Trẻ em Rồng Xanh (Blue Dragon Children's Foundation) cưu mang từ khi mới 10 tuổi.

Tuyên kể: “Giờ em chỉ đi đánh giày thêm thôi. Ngày trước, khi nhìn thấy em bị ăn đòn tới tấp vì đi “nhầm” sang địa bàn hoạt động của tên “cai” khác, một chú người Australia đã bênh vực, rồi đưa em và cả đứa kia về Rồng Xanh dạy dỗ”.

Hóa ra, đây là tổ chức phi chính phủ thành lập tại Việt Nam của chính người đàn ông đó, với mục tiêu giúp đỡ trẻ em đường phố và giải cứu trẻ em là nạn nhân từ đường dây buôn người.

“Mà… chị muốn làm giáo viên tiếng Anh chỗ em không?”, tự dưng Tuyên ngập ngừng.

Lúc đó, tôi không nghĩ rằng cuộc gặp gỡ tình cờ này lại mang tới công việc, mà sau này trở thành một phần ý nghĩa trong cuộc sống của mình đến vậy.

Ở Rồng Xanh, tôi không có cảm giác mình là giáo viên, mà như người bạn gắn bó với những đứa trẻ. Tôi dạy các em thứ ngoại ngữ giản đơn còn chúng kể với tôi nhiều bài học cuộc sống.

Tôi nhận thấy những đứa trẻ bụi đời thật dũng cảm và tự lập. Chúng làm đủ mọi công việc từ đánh giày, rửa bát thuê, bán báo dạo… Dù nhỏ tuổi nhưng các em đã buộc phải gồng mình tự vệ, trở nên rắn rỏi để có thể học cách sống sót.

Các em có những cái tên rất đẹp: Tuyên, Minh, Lan... Không chỉ cần cù siêng năng, với tôi, các em còn rất đặc biệt. Tuyên ngoài việc học vẫn đi đánh giày thuê, vốn tiếng Anh khá nên nhận thêm công việc pha chế ở quán bar cho Tây. Minh nhanh nhẹn, sau thời gian đi học nghề đã có một cửa hàng sửa chữa điện thoại trên phố Xuân Thủy.

Còn Lan, sau khi được Rồng Xanh cưu mang và hoàn thành ước mơ đỗ đại học, em đã quay về tổ chức với mong muốn đóng góp sức mình giúp đỡ trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Lan kể với tôi rằng công việc hiện tại của em là tiếp cận trẻ đường phố. Mặc dù cũng xuất thân là trẻ bụi đời nhưng theo Lan, việc tiếp cận nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn nhất định – một trong số đó là sự thay đổi xã hội khiến nhiều em trở nên bạo lực và hoạt động theo băng nhóm nhiều hơn.

Tôi từng rất buồn về chuyện gia đình. Tôi e sợ khoảng thời gian ở Việt Nam có thể khiến mình tổn thương khi vô tình lắng nghe đoạn ký ức xưa nào đó. Nhưng những đứa trẻ này đã xuất hiện, sưởi ấm và khiến tôi thoát khỏi sự đơn độc. Giờ chúng trở thành mảnh ghép thực sự quan trọng khi ai đó hỏi về quê hương Việt Nam trong tôi thế nào…

Luang Prabang bình yên

Rồng Xanh kéo dài lịch nghỉ Tết Dương lịch hẳn năm ngày để những đứa trẻ có thể về thăm nhà lâu hơn. Jay Michael, người Pháp, rủ tôi và một vài giáo viên nữa tranh thủ đi cố đô Luang Prabang (Lào). Cậu kể vui rằng, ngày xưa hay du lịch tới đây, sau đó thầm yêu một cô gái nên giờ mọi con đường Jay thuộc như lòng bàn tay.

Cảnh đường phố ở Luang Prabang.

Chúng tôi rời Hà Nội đến Luang Prabang trên một chuyến bay vào sáng sớm, khi cố đô còn “ngủ quên” trong màn sương mờ ảo. Vì tới sớm nên chúng tôi may mắn không lỡ dịp trải nghiệm tục lệ quen thuộc nơi đây. Cố đô xinh đẹp bắt đầu buổi sáng bằng việc những vị sư đi khất thực. Những vị sư trong tà áo màu cam, trên tay cầm chiếc bát, bước đi chậm rãi và nhận món ăn sáng từ người dân. Hầu hết người dân, cả nam và nữ đều ngồi hai bên vỉa hè và quàng phạ biêng - lễ phục của người Lào. Phạ biêng nam giới thường đơn giản, một màu, còn của nữ giới nhiều màu sắc và hoa văn cầu kỳ.

Sau khi nhận lễ vật từ người dân, các vị sư đều đứng lại, dàn hàng ngang, đồng thanh đọc một bài kinh ngắn để cầu phúc cho các thí chủ. Người Lào quan niệm, việc ngồi đợi sư mỗi sáng là khoảnh khắc vọng về cõi vô thường, gạt đi những điều ác chốn phàm tục.

Không chỉ quyến rũ bởi sự yên ả trang nghiêm, Luang Prabang còn cuốn hút du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo.

Chiều tà, chúng tôi theo Jay leo núi Phousi gần Sisavangvong. Ngọn núi thấp, chỉ chừng 80m, với khoảng hơn 300 bậc thang xây gạch đỏ. Từ trên đỉnh Phousi là toàn cảnh Luang Prabang bình yên đến ngỡ ngàng, nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi dòng sông Mekong và dòng Nậm Khan hiền hòa, uốn lượn về phía dãy núi xanh mờ tận cuối chân trời.

Ngắm hoàng hôn trên đỉnh núi Phousi có lẽ là trải nghiệm đẹp nhất trong chuyến đi này. Ánh mặt trời nhuộm hồng cả những khuôn mặt rạng rỡ...

Mặt trời lặn rất nhanh, chỉ sau chừng nửa tiếng đã dần khuất sau những dãy núi. Mọi người lục tục xuống núi, để kịp dạo chơi chợ đêm đã lên đèn. Chúng tôi vẫn cố nán lại, cho đến khi mặt trời như quả cầu đỏ ối khuất hẳn sau những ngọn núi cao, hắt lên tia sáng cuối cùng qua ngọn cây giờ đã chuyển màu đen thẫm, để ghi lại mãi hình ảnh về một hoàng hôn thắm đỏ trên đỉnh Phousi…

Angkor hùng vĩ

Ở Luang Prabang hai ngày, Jay lại rủ chúng tôi du lịch bụi đến Siem Reap, Campuchia. Đặt vội vé máy bay, chúng tôi hào hứng lên đường ngay chiều hôm đó.

Nằm ở phía Bắc đất nước Campuchia, tỉnh Siem Reap là điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ chuỗi đền Angkor. Trong số đó, Angkor Wat là ngôi đền nổi bật nhất.

Angkor Wat còn có nghĩa là kinh đô chùa, do quốc vương Suryavarman II xây dựng khoảng giữa thế kỷ XII, dành để tôn thờ vị thần Vishnu của Hindu giáo. Đứng ở sân gạch ngước nhìn lên cao, có thể dễ dàng nhận ra khu đền chính chia thành ba tầng: địa ngục, trần gian và thiên đàng, bao gồm 398 gian phòng với nghệ thuật chạm khắc đá trên trần phòng, lan can.

 Angkor Wat có kiến trúc hình chữ nhật với hào nước xung quanh với năm cửa chính, tường đá cao bao quanh đền. Trên bức tường đá được chạm khắc các câu chuyện tôn giáo, các cuộc chiến tranh, hình thiếu nữ múa Apsara và những hình hoa văn đặc trưng của đất nước. Vật liệu chính của đền là đá ong, đá xanh và đá cát được gắn kết với nhau mà không có chất kết dính. Có lẽ đây là lý do khiến đền bị hư hỏng khá nhiều theo thời gian.

Một điều đặc biệt nhất của Angkor Wat so với các đền khác trong quần thể, ngoại trừ việc nó là ngôi đền to lớn nhất, được xây dựng kì công nhất và cũng là ngôi đền được bảo tồn tốt nhất, thì đó chính là hướng xây đền của Surjavarman II, làm cho hướng vào của Angkor Wat ngược lại với hướng mặt trời mọc. Jay chia sẻ, nếu đến Angkor Wat thì không nên đến vào buổi sáng, khi ánh sáng chiếu ngược sẽ gây cảm giác khó chịu khi đi vào. Đặc biệt,  ngắm hoàng hôn ở đây cũng tuyệt đẹp chẳng kém gì Luang Prabang…

***

Chuyến du lịch Đông Nam Á giúp tôi mở rộng lòng mình. Tôi đã có thời gian sống tự lập và đôi phần ích kỷ, dường như chẳng để ý tới xung quanh khi còn ở Australia. Song, những cảnh đẹp hoang sơ bình yên đến ngỡ ngàng, vẻ đẹp bình dị của con người tại đây đã khiến tôi bị mê hoặc và đổi thay từng ngày. Tôi nhất định sẽ làm một điều gì đó, như xuất bản một cuốn sách gây quỹ từ thiện, hay xây dựng một trung tâm tiếng Anh trẻ em miễn phí để cảm ơn những trải nghiệm tuyệt vời. Dù ở những đất nước xa lạ, nhưng chẳng điều gì là không thể, bởi tôi có những đứa trẻ Hà Nội, có Jay và những đồng nghiệp luôn sát cánh ủng hộ mình...