📞

Dự án dầu khí Sakhalin-2: Nhật khó vượt ‘lằn ranh đỏ’ về vấn đề năng lượng với Nga

TIẾN THÀNH 08:00 | 23/07/2022
Bất chấp việc tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga, Nhật Bản vẫn quyết định duy trì lợi ích của mình trong dự án dầu và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Sakhalin-2 với Nga.
Dự án dầu khí Sakhalin-2. (Nguồn: Shell)

Cuối tháng trước, trong động thái trả đũa “các quốc gia không thân thiện”, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh tiếp quản dự án dầu khí Sakhalin-2. Theo đó, các cổ đông nước ngoài, trong đó có hai doanh nghiệp Nhật Bản là Mitsui (nắm 12,5% cổ phần) và Mitsubishi (10%), có nguy cơ bị gạt khỏi dự án.

Khác với công ty Shell của Anh bắt đầu tìm kiếm đối tác để bán lại 27,5% cổ phần của mình trong Sakhalin-2, chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio khẳng định “Sakhalin-2 vô cùng quan trọng”. Mitsui và Mitsubishi được chỉ đạo tìm mọi cách bám lại trong dự án.

Phụ thuộc tới 99% vào năng lượng nhập khẩu. Nhật Bản thật khó ngoảnh mặt với lợi ích khổng lồ mà Sakhalin-2 đem lại. Khoảng 9% lượng LNG nhập khẩu của Nhật Bản đến từ Nga, hầu hết là do Sakhalin-2 cung cấp, tương đương khoảng 6 triệu trên tổng sản lượng 10 triệu tấn hàng năm.

Không những thế, nguồn khí đốt này lại vừa có giá rẻ, vừa có khả năng đáp ứng trong dài hạn mà không bị tác động về giá. Khí đốt chuyển từ Sakhalin đến Nhật Bản chỉ mất vài ngày, trong khi từ Trung Đông phải mất hai tuần, từ Mỹ tới bốn tuần.

Trong bối cảnh thị trường LNG toàn cầu gần như đã hết hợp đồng dài hạn, nếu ký hợp đồng mới, Tokyo phải chờ tới năm 2026 mới nhận được lô hàng đầu tiên. Các chuyên gia tính rằng, cái giá mà Nhật Bản phải trả khi rút khỏi Sakhalin-2 lên tới 15 tỷ USD.

Chính vì thế, dù sẵn sàng phối hợp với phương Tây gây sức ép lên Moscow, từ ủng hộ loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT đến kiểm soát việc xuất khẩu thiết bị công nghệ cao nhưng năng lượng luôn là “ranh giới đỏ” mà Tokyo không thể vượt qua.

Có điều, mọi chuyện liên quan đến Sakhalin-2 lại phụ thuộc vào Nga.