Dự báo chính sách đối ngoại Trung Quốc không phải việc dễ dàng do có quá nhiều biến số. (Nguồn: Xinhua) |
Định hướng chính sách đối ngoại của Trung Quốc sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 được quan tâm đặc biệt do sẽ dẫn dắt Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển 100 năm lần thứ hai với dấu ấn đậm nét của Chủ tịch Tập Cận Bình, trong bối cảnh quan hệ giữa các nước lớn đang có nhiều diễn biến với các tác động xoay chuyển cục diện thế giới.
Tuy nhiên, dự báo chính sách đối ngoại Trung Quốc không phải việc dễ dàng do có quá nhiều biến số cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc tác động, do các khó khăn trong tiếp cận thông tin và nghiên cứu quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Vì vậy, cần tiếp cận Trung Quốc từ nhiều góc độ và phương pháp khác nhau để “giải mã” từng phần trong chính sách đối ngoại Trung Quốc. Mỗi cách tiếp cận đều có tính hữu ích riêng nhưng không có cách tiếp cận nào là toàn diện và hoàn hảo.
Sự “kéo dài” của chính sách đối nội
Với 1,4 tỷ dân, đối nội luôn là quan tâm hàng đầu của mọi tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc. Chính sách đối ngoại phải phục vụ chính sách đối nội.
Bước sang giai đoạn 100 năm phát triển lần hai, mục tiêu chiến lược của Trung Quốc là xây dựng xã hội “khá giả toàn diện” và “thịnh vương chung” vào năm 2035, giải quyết mâu thuẫn căn bản giữa nhu cầu có cuộc sống tốt hơn của người dân và tình trạng phát triển không cân bằng, không đầy đủ.
Để đạt mục tiêu đó, Trung Quốc cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động bằng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và vòng tuần hoàn trong nước, qua đó tạo động lực mới cho tăng trưởng; đồng thời tăng cường tự chủ để giảm lệ thuộc vào thị trường và công nghệ từ bên ngoài.
Trung Quốc cũng phải giải bài toán vùng miền để tạo phát triển đồng đều trong bối cảnh dân số bắt đầu giảm và già hoá, lao động Trung Quốc không còn sẵn và rẻ như 40 năm đổi mới vừa qua.
Do vậy, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh cạnh tranh về công nghệ với Mỹ và phương Tây, nhất là các công nghệ tương lai như viễn thông, điện tái tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ vũ trụ, sinh học, xe điện, trí tuệ nhân tạo… đẩy mạnh tìm kiếm thị trường cho hàng công nghệ để thay thế cho hàng giá rẻ thâm dụng lao động của 40 năm vừa qua.
Để hỗ trợ chiến lược đó đồng thời thực hiện “đại khai phá miền Tây”, Trung Quốc sẽ đưa chiến lược Vành đai và con đường (BRI) lên bước phát triển mới, không chỉ tạo hạ tầng kỹ thuật mà còn xác lập các tiêu chuẩn công nghiệp, tiến tới các chuẩn mực thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt đó.
Trung Quốc sẽ chủ động “phân tách” có chọn lọc trong một số lĩnh vực để giảm lệ thuộc vào công nghệ và thị trường Mỹ và phương Tây chứ không để rơi vào thế bị động phản ứng lại chính sách của Mỹ và phương Tây như một số dự báo.
Định hình bởi tư duy của Trung Quốc về thế giới
Trung Quốc nhìn nhận thế giới đang trong giai đoạn có những thay đổi “trăm năm có một”, đó là xu thế “Đông lên - Tây xuống” (châu Á trỗi dậy, vai trò của Mỹ và phương Tây suy giảm), tạo ra “cơ hội chiến lược” cho Trung Quốc phục hưng dân tộc và hiện thực hoá “Giấc mộng Trung Hoa”.
Theo đó, Trung Quốc xác định “lợi ích quốc gia” trong tương quan với thế giới theo thứ tự ưu tiên sau: (1) Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, trong đó có vai trò “lãnh đạo hạt nhân” của chủ tịch Tập Cận Bình; (2) Bảo đảm thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, trong đó Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong là lợi ích cốt lõi; (3) Cải cách thành công mô hình phát triển kinh tế; (4) Bảo vệ môi trường; (5) Hiện đại hoá quân đội; (6) duy trì môi trường hoà bình ổn định, nhất là khu vực “chu biên” (láng giềng); (7) Phát triển Trung Quốc thành cường quốc biển, gồm cả kinh tế biển và cường quốc quân sự trên biển; (8) Thúc đẩy chiến lược Vành đai con đường để chuyển hoá lục địa Á – Âu; (9) Phát triển quan hệ với các nước đang phát triển; (10) Từng bước tác động điều chỉnh trật tự thế giới theo hướng Trung Quốc mong muốn.
Các ưu tiên này sẽ định hướng ứng xử của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế, nhất là khi phải xử lý mâu thuẫn lợi ích giữa đối nội và đối ngoại, và trong quan hệ với các quốc gia khác.
Phản ánh dấu ấn của tư tưởng Tập Cận Bình
Chủ tịch Tập Cận Bình đã xác lập vai trò là lãnh đạo đưa Trung Quốc “cán đích” mục tiêu 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và có thể sẽ dẫn dắt Trung Quốc hướng tới mục tiêu 100 năm thứ hai để trở thành cường quốc trung tâm thế giới vào năm 2049.
Các tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình được coi là hệ tư tưởng đặc sắc riêng của Trung Quốc, giúp soi đường dẫn dắt Trung Quốc trong nhiều thập niên tới.
Về đối ngoại, tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình được khái quá hoá thành “1 tinh hoa, 2 mục tiêu, 3 cách tiếp cận, 4 tôn chỉ và 5 nguyên tắc”, Trung Quốc xác định lấy quan hệ với các nước lớn làm then chốt; quan hệ với các nước láng giềng đặt lên hàng đầu; quan hệ với các nước phát triển làm nền tảng và đa phương hóa là một mặt trận quan trọng.
Với quan niệm mới về an ninh quốc gia, được Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị CICA năm 2014, Trung Quốc đã và sẽ nội luật hoá nhiều khái niệm an ninh mới, như an ninh mạng, an ninh biển, an ninh con người… tạo ra cơ chế, bộ máy trong nước nhằm bảo đảm an ninh quốc gia theo quan điểm của Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác quốc tế để tạo lập trật tự an ninh quốc tế phù hợp với Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ sớm có các bước cụ thể hoá Sáng kiến An ninh toàn cầu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2022. Tuy nhiên, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chưa gỡ bỏ ngay chính sách “Zero Covid” sau Đại hội 20, do Trung Quốc tin rằng đây là phương cách hữu hiệu nhất với hoàn cảnh của mình hiện nay.
Chính sách đối ngoại được hoạch định bằng quy trình đặc thù của Trung Quốc. Có nhiều quan điểm và lợi ích cùng tác động vào quá trình ra các quyết sách đối ngoại của Trung Quốc, như quan điểm của Đảng, chính quyền Trung ương, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, giới tri thức, học giả, dư luận trong nước và quốc tế…
Sau khi nhậm chức tại Đại hội 18, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chú trọng phối hợp, hài hoà hoá các trường phái quan điểm, lợi ích trong nội bộ Trung Quốc bằng việc phát huy vai trò của các “Tiểu tổ” - cơ chế phối hợp liên ngành – dưới sự chủ trì của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, nhiều tiểu tổ do Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp chủ trì.
Đến Đại hội 19, Trung Quốc đã thể chế hoá đa số các Tiểu tổ đó thành các Ủy ban nhằm chính thức hoá, hành chính hoá và củng cố vị trí hạt nhân của Đảng trong các cơ chế này. Tiểu tổ về đối ngoại được nâng cấp thành Ủy ban trung tâm vào tháng 3/2018, giúp thống nhất quản lý đối ngoại dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các nhà quan sát quốc tế cho rằng việc thắt chặt quản lý đối ngoại là cần thiết với Trung Quốc trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, cạnh tranh đối đầu nước lớn gia tăng, song cũng có thể khiến thông tin đa chiều và các quan điểm đa dạng khó tiếp cận lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc, tạo khoảng cách giữa ý chí của lãnh đạo và các cấp thực thi, làm tăng nguy cơ khác biệt trong nhận thức giữa các cấp hoạch định chính sách.
Chịu tác động quan trọng bởi cạnh tranh nước lớn
Quan hệ với Mỹ luôn là một nhân tố chủ chốt tác động tới chính sách đối ngoại Trung Quốc. Trong 10-15 năm tới, dự báo kinh tế Trung Quốc có thể thu hẹp đáng kể khoảng cách với kinh tế Mỹ. Với tốc độ tăng cường tiềm lực quốc phòng hiện tại, nhất là bộ ba vũ khí chiến lược là tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom hạt nhân, Trung Quốc có thể sớm có năng lực răn đe hạt nhân đủ mạnh và không còn quá “lép vế” với Mỹ trong cạnh tranh chiến lược nước lớn.
Khi cả kinh tế và quân sự Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với với Mỹ, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tự tin hơn, cứng rắn hơn, nhất là trong các điểm “nóng”.
Mặt khác, sự “tự tin” cũng có thể khiến Trung Quốc điềm tĩnh thể hiện là một cường quốc đáng “được yêu mến” với tầm nhìn xa trông rộng ở tầm toàn cầu.
***
Chính sách đối ngoại thường không phải là nội dung chính được thảo luận tại các kỳ Đại hội Đảng Trung Quốc. Chính sách đối ngoại Trung Quốc thay đổi thế nào sau Đại hội 20 sẽ là kết quả gián tiếp của đường lối phát triển của Trung Quốc được quyết định tại Đại hội, của nhân sự được lựa chọn vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc, và việc sắp xếp tổ chức, bộ máy và cơ chế vận hành hệ thống chính trị của Trung Quốc.
| Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ: Washington phải thắng trong cuộc 'chạy đua vũ trang kinh tế' với Trung Quốc Ngày 12/10, Mỹ đã công bố chiến lược an ninh quốc gia mới, trong đó tái khẳng định tầm quan trọng của việc hợp tác ... |
| Kinh tế Đức sẽ không còn là 'đầu tàu' trong EU? Tác động từ xung đột Nga-Ukraine và quan hệ trắc trở với Trung Quốc có thể khiến kinh tế Đức sớm mất đi vị thế ... |
| Báo Trung Quốc: EU không nên quá phụ thuộc vào Mỹ Tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 10/10 đưa tin, chịu ảnh hưởng của Mỹ, EU đang theo đuổi một chính sách thiếu sót ... |
| Dự kiến các sự kiện quốc tế nổi bật tuần từ ngày 10/10-16/10 Đại hội đồng Liên hợp quốc họp khẩn về xung đột Nga-Ukraine, khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, Australia đón Thủ tướng ... |
| Đảng Cộng sản Trung Quốc họp Hội nghị Trung ương 7, chuẩn bị cho Đại hội XX Sáng 9/10, Hội nghị Trung ương 7 của Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XIX đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. |