Nguồn khí đốt dồi dào với giá rẻ từ Nga đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của kinh tế Đức thời gian qua. (Nguồn: Sputnik) |
Kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái năm 2023. Đó là lời cảnh báo của Ifo, DIW, IFW, IWH và RWI, các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu tại Đức trong báo cáo chung hôm 29/9 vừa qua.
Theo báo cáo có tựa đề “Khủng hoảng năng lượng: lạm phát, suy thoái và thịnh vượng bị đánh mất”, GDP Đức năm 2023 sẽ suy giảm 0,4%. Nhóm tác giả cho rằng các tháng sắp tới đây sẽ là thời gian kiểm chứng khả năng chống chọi của kinh tế Đức trước khủng hoảng giá năng lượng. Bên cạnh đó, mối quan hệ trắc trở giữa Đức và Trung Quốc cũng ảnh hưởng đáng kể tới sự bền vững của đầu tàu kinh tế trong EU.
Năng lượng Nga
Một trong những yếu tố nền tảng đảm bảo cho sự ổn định kinh tế Đức thời gian gần đây là giá năng lượng rẻ, được đảm bảo bởi nguồn cung khí đốt ổn định từ Nga. Tuy nhiên, từ tháng 2/2022, khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, nền tảng này đã sụp đổ hoàn toàn. Tính đến tuần đầu tháng 9/2022, giá khí đốt tại châu Âu tăng 400% so với năm 2021.
Chính vì lý do này, 4 viện kinh tế tác giả của báo cáo công bố hôm 29/9 cho rằng tăng trưởng GDP của Đức năm 2022 chỉ đạt mức 1,4%, bằng một nửa so với dự báo từng được đưa ra hồi đầu năm. Torsten Schmidt, chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế Leibniz (RWI), một trong số đồng tác giả báo cáo cho răng “lạm phát bình quân trong năm nay tại Đức sẽ đạt mức 8,4%.
Năm sau, lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa, đặc biệt là vào đầu năm, khi giá khí đốt gây ra tác động mạnh. Dự báo lạm phát có thể lên đến 8,8% trong năm tới. Chỉ khi nào căng thẳng trên thị trường năng lượng lắng xuống, lạm phát mới có thể giảm về mức 2,2% trong năm 2024. Trong kịch bản tồi tệ nhất, mùa Đông giá lạnh, cạn kiệt khí đốt, sử dụng năng lượng kém hiệu quả, mức suy giảm GDP của Đức năm 2023 có thể sẽ ở mức 7,9% và năm 2024 là ở mức 4,2%.
Theo ông Stefan Kooths, kinh tế trưởng tại Viện Kinh tế Kiel (IfW), về cơ bản, Đức vẫn đang kín đơn đặt hàng, thị trường lao động vẫn ở mức bền vững. Tuy nhiên, lạm phát cao sẽ làm suy giảm tiêu dùng trong nước và tác động trực tiếp đến tăng trưởng. Theo Cơ quan thống kê liên bang (Destatis) chỉ số giá tháng 9 tại Đức tăng 10% và sẽ tăng khoảng 8,8% trong năm 2023.
Một yếu tố khác tạo nên sự đặc thù của mô hình kinh tế Đức là xuất khẩu. Từ nhiều thập kỷ, Đức là nước ghi nhận thặng dư thương mại cao. Mặc dù vậy, trong 5 năm trở lại đây, hạng mục này đã liên tục sụt giảm. Tháng 5/2022, lần đầu tiên sau ba thập kỷ, Đức ghi nhận thâm hụt thương mại 1 tỷ USD. Nhìn từ bên ngoài, con số này có thể được lý giải bởi xuất khẩu từ Berlin sang Moscow do xung đột Nga-Ukraine.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở việc các nhà sản xuất Đức không thể đáp ứng tất cả các đơn hàng xuất khẩu do phụ thuộc vào nguồn năng lượng, nguyên liệu giá rẻ nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc.
Quan hệ ngày càng trắc trở giữa Trung Quốc với châu Âu và Đức đã tác động đáng kể tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Berlin - Ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Olaf Scholz, khi đó còn là Phó Thủ tướng Đức, tại Thượng đỉnh G20 Hamburg năm 2017. (Nguồn: Getty Images) |
Thị trường Trung Quốc
Trong khi giao dịch với Nga bị đóng băng, việc duy trì liên kết giữa nền kinh tế Đức với Trung Quốc cũng ngày càng khó khăn. Không chỉ là đối tác xuất khẩu lớn nhất, Bắc Kinh còn là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng hàng đầu cho cỗ máy xuất khẩu của Berlin.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang thấp nhất sau nhiều thập kỷ. Từ năm 2019, EU xem Trung Quốc là “đối thủ hệ thống”. Tháng 5/2021, Nghị viện EU đã tạm dừng phê chuẩn Hiệp định Đầu tư toàn diện song phương. Xung đột Nga-Ukraine càng khiến EU lo ngại về Trung Quốc, qua đó khiến mối quan hệ giữa Đức và Trung Quốc trở nên trắc trở hơn.
Jean-Pierre Robin, nhà báo kinh tế của báo Le Figaro (Pháp) cho rằng “Đức đang là nạn nhân của chủ nghĩa trọng thương vốn đã tạo ra thành công của chính Berlin”. Ông Philippe Gudin, nhà kinh tế trưởng tại Barclays (Anh) nhận định: “Điều đã tạo ra sức mạnh cho Đức giờ lại trở thành điểm yếu của nó”.
Khi không còn khí đốt giá rẻ từ Nga và thị trường Trung Quốc trở nên bất định, nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Đức đang lộ ra những điểm yếu vốn có của nó.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng mô hình kinh tế Đức đã đến chặng cuối của chu kỳ thành công. Theo chuyên gia kinh tế Pháp Jean-Michel Quatrepoint, điều đó có nghĩa rằng vị trí “bá quyền” về kinh tế Đức trong EU, hoặc ít ra trong Eurozone, sẽ kết thúc nếu Berlin không sớm thay đổi.
Khi không còn khí đốt giá rẻ từ Nga và thị trường Trung Quốc trở nên bất định, nền kinh tế hướng tới xuất khẩu của Đức đang lộ ra những điểm yếu vốn có của nó. |
| Đức giúp Lithuania tăng cường phòng thủ miền Đông, EU sẽ đào tạo hàng nghìn binh sĩ Ukraine Đức và Litthuania tập trận chung mang tên 'Fast Griffin' ở sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong ... |
| Điện đàm về Ukraine, lãnh đạo Mỹ-Đức nói Nga 'sai lầm nghiêm trọng' Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định sự ủng hộ cho Ukraine và xúc tiến các hội nghị ... |
| Xe điện Trung Quốc tham vọng cạnh tranh với các thương hiệu của Đức Hãng sản xuất xe điện Nio của Trung Quốc ngày 7/10 đã ra mắt tại Đức, với hy vọng giá cả cạnh tranh và hệ ... |
| Nóng lòng củng cố tự chủ năng lượng, Đức và Tây Ban Nha tính xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới Đức và Tây Ban Nha đang theo đuổi kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt mới qua dãy núi Pyrenees, bất chấp ... |
| Đức ủng hộ 'sáng kiến táo bạo' của Hàn Quốc đối với Triều Tiên Sau cuộc họp song phương Hàn-Đức, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kwon Young Se cho biết, Berlin ủng hộ chính sách của Seoul đối ... |