Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định năng lực, vị thế của mình trên đấu trường quốc tế. |
Giáo dục tiểu học đứng đầu các nước Đông Nam Á
Trong 6 nước tham gia Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipine, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học.
Cụ thể ở lĩnh vực Đọc hiểu, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 6 mức độ, thì học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình cao nhất là 6/6. Tỷ lệ học sinh Việt Nam đạt được mức năng lực thứ 6 là 82%. Malaysia đứng thứ hai với 58% học sinh đạt được mức năng lực thứ 6. Các nước còn lại tỷ lệ đều dưới 10%.
Ở lĩnh vực Viết, bài khảo sát của SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 8 mức độ. Học sinh Việt Nam đạt mức năng lực trung bình là 6/8. Tỷ lệ học sinh đạt mức năng lực thứ 8 là 20%. Tỷ lệ này ở các nước còn lại là 2-4%.
Ở lĩnh vực Toán học, SEA PLM đo lường năng lực học sinh ở 9 mức độ. Học sinh Việt Nam có mức năng lực trung bình là 8/9. Tỷ lệ các em đạt được mức năng lực cao nhất (mức 9) là 42%. Các nước còn lại, tỷ lệ này đều dưới 10%.
Nhận xét về kết quả của của Việt Nam trong Chương trình SEA PLM, Trưởng Chương trình Giáo dục của Unicef tại Việt Nam - bà Simone Vis cho biết "rất ấn tượng" với thành tích này. "Kết quả của Việt Nam vượt trội hơn hẳn các nước cùng tham gia kỳ đánh giá. Tôi rất ấn tượng và tự hào với thành tích đó... Nhìn chung chất lượng giáo dục Tiểu học của Việt Nam trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ, không chỉ trong khu vực mà cả trên quốc tế", bà Simone Vis nói.
khẳng định vị thế trên đấu trường Olympic
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hầu hết các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Điều này dẫn đến một số điều chỉnh trong cách thi, bài thi; nhưng công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ; đảm bảo tính công bằng, nghiêm túc, khách quan, độ chính xác về kết quả. Việt Nam sau những cân nhắc đã quyết định tiếp tục cử đội dự thi.
Tiếp nối những kết quả đạt được trong các năm trước, năm 2020 học sinh Việt Nam đã đạt nhiều thành tích đáng nể trên đấu trường trí tuệ thi Olympic khu vực và quốc tế. 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen.
Cụ thể, tại Olympic Hóa học quốc tế, đội Việt Nam có 4 thí sinh tham dự thì 4/4 em đoạt huy chương Vàng. Điểm thi của các thí sinh đoạt Huy chương đều xếp thứ hạng cao, như em Lý Hải Đăng đạt 97,0/100 điểm, đứng thứ 5/231 tổng số thí sinh các quốc gia tham dự kỳ thi. Kết quả xếp hạng toàn đoàn tại kỳ Olympic Hóa học quốc tế 2020 này, Việt Nam chỉ đứng thứ 2 sau Hoa Kỳ. Đây là thành tích cao nhất của Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay.
Đội Olympic Toán học quốc tế của Việt Nam giành 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 2 huy chương Đồng và 1 bằng khen. Olympic Tin học quốc tế, Việt Nam có 1 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng. Olympic Sinh học quốc tế, đoàn Việt Nam đạt được 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng, 1 giải Khuyến khích. Olympic Tin học châu Á, học sinh Việt Nam giành được 1 huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 1 huy chương Đồng.
Những kết quả trên tiếp tục khẳng định vị thế của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. Học sinh Việt Nam không chỉ đạt thành tích cao ở những nội dung lý thuyết mà kết quả phần thi thực hành cũng có nhiều cải thiện đáng kể.
Thành tích trên cho thấy hướng đi đúng của ngành Giáo dục, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GDĐT trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi; sự nỗ lực, cố gắng của các nhà trường, các học sinh, thầy cô giáo trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi trong thời gian qua.
Lọt vào bảng xếp hạng uy tín thế giới
Năm học 2019-2020, giáo dục đại học Việt Nam đã có sự chuyển mình rõ rệt trong nỗ lực vươn cao với tinh thần tự chủ, trách nhiệm và đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì số lượng và thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới như Quacquarelli Symonds World University Rankings (QS, Vương quốc Anh), World University Rankings của tạp chí Times Higher Education (THE), Việt Nam lần đầu tiên có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới, theo xếp hạng 2021 Best Global Universities Rankings của tạp chí US New & Word Report (Mỹ).
Các trường này gồm: Đại học Tôn Đức Thắng, xếp thứ 623; Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp thứ 949; Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, xếp thứ 1.271; Đại học Bách khoa Hà Nội, xếp thứ 1.356. Các tiêu chí của bảng xếp hạng gồm sự đa dạng trong các lĩnh vực học thuật của trường, danh tiếng học thuật trên thế giới và khu vực; số bài báo công bố quốc tế; chỉ số trích dẫn…
Hai ĐH Quốc gia của Việt Nam trong năm 2020 cũng được vào tốp 101-150 trường đại học trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức QS.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên và là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong top 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong "độ tuổi vàng" (THE Best 'Golden Age' universities). Trong Bảng xếp hạng những đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu - THE Impact Rankings, năm 2020, Việt Nam có thêm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cùng với Trường ĐH Tôn Đức Thắng có tên trong bảng xếp hạng này và 2 trường đại học của Việt Nam đều nằm trong top 301-400.
Nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo của Việt Nam được đứng trong tốp 500 thế giới. Số lượng báo cáo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín tăng đáng kể với 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới.
Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới. Đó là tạp chí Vật liệu và linh kiện tiên tiến (JSAMD) của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm những tạp chí khoa học uy tín nhất (nhóm Q1) về lĩnh vực vật liệu composite và vật liệu từ, điện tử, quang.
Thực hiện thành công mục tiêu kép
Đầu tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. 63 tỉnh/thành phố ngay sau đó ra thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng dịch. Gần 24 triệu học sinh, sinh viên của khoảng hơn 53.000 cơ sở GDĐT cả nước theo đó không thể đến trường.
Xác định chủ trương "tạm dừng đến trường, không ngừng việc học", Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học tăng cường các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Kết quả dạy học trực tuyến của Việt Nam được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá rất tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29/9/2020 nhận xét: "Việc học trực tuyến để phòng-chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác".
Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Dạy học trực tuyến đã giúp rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Hình thức dạy học này cũng giúp giáo viên, học sinh làm quen và tăng cường hơn các kỹ năng công nghệ thông tin, thích ứng với những hình thức học tập mới của giáo dục tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0.
Để hỗ trợ công tác giáo dục cho các nhà trường trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19; Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình học kỳ 2 năm học 2019-2020. Khi học sinh quay trở lại trường, ngành Giáo dục đã nghiêm túc, trách nhiệm, áp dụng đồng bộ nhiều biện để đảm an toàn phòng chống dịch cho trường học.
Năm học 2019-2020 khép lại với thành công kép của ngành GD&ĐT trong thực hiện mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên; đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học. Gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước; 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sau 02 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, đều an toàn trước dịch bệnh. Các nhà trường kết thúc chương trình giáo dục đáp ứng chuẩn yêu cầu đầu ra, đảm bảo tiến độ theo khung thời gian năm học đã quy định.
Kết quả của ngành GD&ĐT trong dạy học an toàn dịp Covid-19, được Quốc hội, Chính phủ đánh giá cao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục năm 2020 đã gọi đây là "kết quả nổi bật" của ngành.
Nhiều tổ chức quốc tế cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những nỗ lực và thành quả của giáo dục Việt Nam trong cuộc chiến với Covid 19.
Giáo sư Fernando Reimers - trường Đại học Havard (Mỹ) cũng cho biết, khi thực hiện nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch, nhóm đã chọn Việt Nam làm ví dụ điển hình để các nước khác học hỏi kinh nghiệm.
| Giải thưởng Loa Thành 2020: Hai đồ án kiến trúc cùng giành giải Nhất TGVN. Năm nay, có 57 đồ án tiêu biểu được trao các hạng mục Giải thưởng Loa Thành năm 2020. Trong đó, hai giải Nhất ... |
| Khởi nghiệp không phải là 'bánh vẽ' dành cho người có khiếu hội họa TGVN. Khởi nghiệp là chiếc bánh cần làm từ bột, đường và công phu chế tác, đó không phải là 'bánh vẽ' dành cho người ... |
| GS. Nguyễn Lân Dũng: Để không xa lạ với CMCN 4.0, người trẻ phải tiếp thu với đổi mới công nghệ TGVN. GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng nhận định, mọi thanh niên phải dễ tiếp thu với các đổi mới công nghệ, phấn đấu trong học ... |