Đối với không ít du học sinh Việt Nam tại nước ngoài, việc một mình nơi xứ người đã mang bao tủi thân. Nay đại dịch Covid-19 khiến mọi thứ bị đình trệ, cuộc sống của các em vốn khó khăn lại chồng chất thêm lo lắng, nhất là ở những nước có tình hình dịch diễn biến phức tạp.
Lê Trung Đức, du học sinh tại Đức đang tra cứu và cập nhật tình hình dịch bệnh. |
Không có nhiều lựa chọn
Dịch Covid-19 đã buộc nhiều trường đại học ở Mỹ phải đóng cửa từ tháng Ba. Trong khi sinh viên Mỹ có thể trở về nhà, khoảng hơn 1 triệu du học sinh lại rơi vào cảnh chông chênh về tài chính, pháp lý, chỗ ăn ở...
Nhìn suất ăn trong nhà ăn của trường đại học, Quỳnh Trâm nghẹn ngào nhớ bữa cơm của mẹ. Trâm là sinh viên năm hai tại Đại học Ohio. Khi đại dịch có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ, trường đại học 150 tuổi mà Trâm đang theo học đã quyết định đóng cửa và chuyển toàn bộ sinh viên sống trong ký túc xá trường về một tòa ký xá túc tập trung. Duy chỉ có nhà ăn vẫn hoạt động nhưng bị hạn chế giờ mở cửa.
“Trường chỉ mở cửa một nhà ăn cho toàn bộ sinh viên ở lại trong ký túc xá với các khung giờ nhất định, nên sinh hoạt của bọn em không mấy thuận tiện. Nhà hàng trong thành phố cũng đã đóng cửa hết nên cũng không có nhiều sự lựa chọn”, Trâm cho biết.
Chính phủ Mỹ cũng chưa đưa ra những sự hỗ trợ cần thiết cho sinh viên quốc tế giữa mùa dịch Covid-19, Trâm chia sẻ. Vì vậy, khi các lớp học trên giảng đường chuyển sang học trực tuyến, Trâm quyết định về nước.
Đặng Minh Hằng, sinh viên năm hai trường Cao đẳng Earlham quyết định lên đường về nước để tránh những rủi ro. Hằng khẳng định, mình khó trông đợi sự giúp đỡ từ Chính phủ Mỹ do ảnh hưởng của dịch.
Tại Mỹ, số an sinh xã hội (Social Security Number - SSN) được coi như bảo hiểm công việc của người dân. Người đi làm có SSN sẽ được hưởng trợ cấp từ chính phủ, hỗ trợ cho việc giảm thu nhập. Tuy nhiên, là một du học sinh, Hằng cho biết mình sẽ không được hưởng những quyền lợi tương tự dù được cấp SSN.
“Các gói cứu trợ cho sinh viên bị tổn thất thu nhập do dịch tại Mỹ trên thực tế chủ yếu phụ thuộc vào quyết định của mỗi tổ chức hoặc công ty mà cá nhân đó đang làm việc hơn là ở quyết định của chính phủ”, Minh Hằng tâm sự.
Trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng lan rộng ở Mỹ và trên toàn cầu, một lượng lớn dân quốc tế gồm du học sinh, những nguời đã đi làm và người đi xuất khẩu lao động đều mong muốn trở về quê hương, và Minh Hằng, Quỳnh Trâm cũng vậy.
Cuối tháng Ba, cả hai đều đã về nước và được cách ly tập trung theo đúng quy định của Nhà nước.
Ngô Thu Vân (phải) - du học sinh tại Canada vào tháng 9/2019, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát. (Ảnh: Cindy Nguyen) |
Khi may mắn không "gọi tên"
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, các yêu cầu cách ly xã hội và hạn chế bay trên thế giới được thắt chặt. Vì vậy, nhiều du học sinh lựa chọn ở lại nước sở tại.
Ngô Thu Vân là sinh viên năm cuối chuyên ngành Marketing tại Đại học Đảo Hoàng tử Edward, Canada. Theo dự tính, Vân sẽ tốt nghiệp vào tháng Năm này. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Covid-19 khiến lễ tốt nghiệp bị hoãn vô thời hạn. Vân cho biết, cô cảm thấy hụt hẫng vì lỡ cơ hội bước trên sân khấu và nhận bằng ngày tốt nghiệp.
Giữa những rối ren của dịch bệnh, Vân không biết nên làm gì và trông chờ vào điều gì nơi xứ người. Xa gia đình và phải sống giữa đại dịch là một trải nghiệm vô cùng khó khăn với Vân.
“Em cảm thấy mất định hướng với những quyết định của mình về tương lai. Nếu ở nhà, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, em vẫn sẽ cảm thấy an tâm hơn vì ít ra còn có gia đình và bố mẹ ở bên cạnh. Nếu có thể diễn tả những cảm xúc của em bằng một vài từ, đó chắc hẳn sẽ là thất vọng và chán nản”, Vân chia sẻ.
Tuy nhiên, Vân vẫn cảm thấy an toàn khi sinh sống và học tập tại Đảo Hoàng tử Edward, bởi những nỗ lực và sự phản hồi nhanh chóng của chính quyền bang nói riêng và chính phủ Canada nói chung trước các diễn biến của dịch, từ hỗ trợ kinh tế, y tế và các đảm bảo an toàn giãn cách xã hội.
Vân cũng cho biết trường đại học mà cô đang theo học đã có những chính sách hợp lý để hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên, đặc biệt là du học sinh.
“Em cảm thấy may mắn và biết ơn về những cố gắng của trường để đảm bảo cuộc sống ổn định cho sinh viên. Trường đã chuyển toàn bộ chương trình học thành trực tuyến, duy trì các dịch vụ trong ký túc xá và hỗ trợ để sinh viên năm cuối như bọn em có thể tốt nghiệp đúng thời hạn”.
Lê Trung Đức, sinh viên ngành kinh tế tại trường Đại học HTW Berlin, Đức, đồng cảm với những khó khăn của du học sinh tại nước ngoài.
Đức là một trong các quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Hàng loạt nhà hàng, hệ thống siêu thị và trung tâm mua sắm, bao gồm siêu thị mà Trung Đức đang làm việc phải đóng cửa.
“Em làm thu ngân bán thời gian tại một siêu thị nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch, siêu thị chỉ được mở trong một khung giờ nhất định, kéo theo hàng loạt nhân viên bị cho nghỉ việc. Mất việc làm, bọn em gặp rất nhiều khó khăn trong việc chi trả tiền nhà”. Nhưng may mắn là chính phủ Đức đã đưa ra gói hỗ trợ hoãn hạn tiền nhà trong ba tháng. Người thuê nhà được yêu cầu chi trả mọi chi phí vào đầu tháng Sáu năm nay.
Đức cũng cho rằng, giá vé máy bay để trở về nước hiện tại là quá cao trong khả năng chi trả của cậu và nhiều du học sinh nói chung. Bên cạnh đó là những lo ngại về lây nhiễm chéo khi di chuyển tại các sân bay và trên máy bay.
“Ở lại hiện là lựa chọn tốt nhất cho em, dù rất nhớ nhà và muốn được trở về. Em cảm thấy chính phủ Đức đang làm rất tốt trong việc hỗ trợ đời sống cho sinh viên quốc tế nên gia đình em cũng yên tâm phần nào”, Đức cho biết.
Nguyễn Quỳnh Trâm, du học sinh Mỹ tại Hà Nội sau 14 ngày cách ly. |
Niềm vui đơn giản mà thiêng liêng
Trong khi đó, tại Việt Nam, Quỳnh Trâm đã hoàn thành 14 ngày cách ly theo quy định của Nhà nước và trở về nhà. Trâm khẳng định Chính phủ và Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện rất tốt các chính sách và đường bước trong việc ứng phó với Covid-19, bao gồm cả quan tâm và hỗ trợ các công dân và du học sinh Việt trên khắp thế giới.
Trâm chia sẻ bạn bất ngờ khi biết Chính phủ Việt Nam, nhất là Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán các nước sở tại, cùng Vietnam Airlines liên tục cố gắng tổ chức các chuyến bay đón đồng bào ở nhiều nước đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 được về nước an toàn, nhất là trong bối cảnh hầu hết các sân bay quốc tế trên thế giới đều ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, trong quá trình 14 ngày cách ly, Trâm và mọi người trong khu cách ly đều đã nhận được những hỗ trợ tốt nhất từ Nhà nước.
Từ các bữa ăn đến đời sống sinh hoạt đều được chăm sóc cẩn thận và kỹ lưỡng, khác hẳn với cảm giác cô đơn, lo sợ mà Trâm phải chịu đựng trong thời gian ở nước ngoài.
“Sau tất cả, em tin rằng quyết định về nhà của em là đúng đắn. Em cảm thấy tuyệt đối an toàn khi ở trong nước. Không chỉ là ở gần vòng tay bố mẹ, gia đình, mà còn là vòng tay che chở và bảo vệ của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Và hơn hết, về nhà là được về với những bữa cơm của mẹ, để hiểu được ý nghĩa của hai tiếng “gia đình” tưởng giản đơn mà vô cùng thiêng liêng”, Quỳnh Trâm nghẹn ngào tâm sự.