Nằm bên bờ Địa Trung Hải xinh đẹp và thơ mộng, Ai Cập là kho tàng bí ẩn và đồ sộ về văn hoá và khảo cổ, một bảo tàng ngoài trời khổng lồ không nơi nào trên thế giới có thể sánh được.
Chẳng phải ngẫu nhiên, Ai Cập lại được người dân nơi đây trìu mến gọi là Um El-Dunya - nghĩa đen là “Mẹ của thế giới”. Quốc gia Bắc Phi sở hữu rất nhiều điểm tham quan lịch sử, với các kho tàng và kỳ quan khảo cổ học độc nhất vô nhị như Kim tự tháp, tượng Nhân sư, các tàn tích của nền văn minh Ai Cập cổ đại qua lăng kính vạn hoa mang màu sắc Hồi giáo, Coptic, La Mã, Hy Lạp và Pharaonic.
Đại Kim tự tháp Giza và tượng Nhân sư là một trong những 'đặc sản' văn hóa-lịch sử của Ai Cập. (Nguồn: Shutterstock) |
Bên cạnh đó, Ai Cập còn hấp dẫn du khách bằng hàng loạt khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Biển Đỏ với nhiều hoạt động hấp dẫn như lặn biển, lướt ván buồm... Dù các du khách có ngắm nhìn Ai Cập trên du thuyền dọc dòng sông Nile rộng lớn, từ lưng những chú lạc đà lơ đãng hay từ phía sau rạng san hô rực rỡ tại Biển Đỏ thì các địa điểm tham quan tại Ai Cập đều khiến họ không thể nào quên.
Tận dụng tốt lợi thế đó, trong nhiều năm liền, ngành du lịch của Ai Cập đã thu về nguồn ngoại tệ khổng lồ, ước tính 12-15% GDP. Năm 2010, Ai Cập đón tới 14,7 triệu khách quốc tế, khiến nước này nằm trong nhóm đầu những quốc gia thu hút nhiều du khách nhất châu Phi. Song từ năm 2011, bất ổn về an ninh khiến lượng du khách tới Ai Cập và doanh thu từ ngành này sụt giảm mạnh.
Những năm gần đây, ngành du lịch Ai Cập bắt đầu hồi phục do tình hình trong nước dần ổn định. Năm 2019, Ai Cập thu hút hơn 13 triệu du khách, đứng đầu châu Phi và đứng thứ 3 Trung Đông – Bắc Phi, với doanh thu thậm chí còn cao hơn năm 2010. Đồng thời, ngành công nghiệp không khói này đã tạo việc làm cho khoảng 2,4 triệu người Ai Cập và nuôi sống hàng triệu gia đình tại quốc gia này.
Tuy nhiên, sức chịu đựng của người Ai Cập một lần nữa bị thử thách khi đại dịch Covid-19 tràn tới, quét sạch kết quả tích cực nước này vừa nỗ lực đạt được. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch, doanh thu từ ngành công nghiệp không khói của quốc gia Bắc Phi chỉ đạt khoảng 4 tỷ USD, giảm 70% so với con số 13,03 tỷ USD năm 2019, Tháng 3/2020, Ai Cập buộc phải đóng cửa các khách sạn sau khi dịch bùng phát mạnh hơn.
Mặc dù Ai Cập đã mở cửa trở lại các khách sạn sau đó hai tháng, nhưng cũng chỉ hoạt động 25-50% công suất. Trong một năm, 850.000 lao động ngành du lịch tại Ai Cập mất việc, khiến lĩnh vực này tổn thất nặng nề.
Dù có nhiều lợi thế về danh lam thắng cảnh độc đáo, song ngành du lịch Ai Cập vẫn phải lao đao trước dịch Covid-19. Trong ảnh: Đàn cá rực rỡ sắc màu bên rặng san hô dưới biển Sinai. (Nguồn: Egyptian Streets) |
Sự trở lại mạnh mẽ
Với nỗ lực kiềm chế dịch hiệu quả, cùng chiến lược mở cửa thu hút khách quốc tế hợp lý, du lịch Ai Cập đã có cú “ngược dòng” ngoạn mục. Với lượng khách quốc tế không ngừng tăng, ngành du lịch đứng trước triển vọng phục hồi tích cực thời gian tới.
Từ tháng 7/2020, Ai Cập đã mạnh dạn từng bước nối lại các chuyến bay quốc tế để đón du khách đến nhiều khu nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng như Sharm El-Sheikh, Hurghada hay Marsa Matrouh, với ưu đãi như miễn thị thực, chỉ yêu cầu kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính khi nhập cảnh và bảo hiểm y tế hợp lệ, giảm giá mạnh cho hãng hàng không và khởi động một chiến dịch quảng cáo mới.
Đầu năm 2021, Ai Cập ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho nhân viên du lịch tại khu nghỉ dưỡng. Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập triển khai sử dụng tin nhắn văn bản để hỗ trợ, phục vụ du khách. Dịch vụ này sẽ tự động gửi tin nhắn chào đón du khách ngay khi họ đến Ai Cập, với đường dây nóng đa ngôn ngữ hoạt động 12 giờ/ngày trả lời câu hỏi, lắng nghe đề xuất, khiếu nại của du khách.
Một cơ chế mới cũng được đưa ra để các cơ quan đại diện ngoại giao của Ai Cập khắp thế giới cập nhật thông tin về du lịch và cổ vật, thúc đẩy chiến lược quảng bá. Các khu vực khảo cổ lớn dần mở lại với một số quy định hạn chế. Nhiều khách sạn và sân bay vừa hoạt động, vừa theo dõi sức khỏe của các du khách đến.
Bên cạnh đó, Ai Cập nỗ lực xây dựng nhiều cơ sở và dự án du lịch mới để hấp dẫn với du khách. Tháng 4/2021, nước này khai trương Bảo tàng văn minh quốc gia Ai Cập với diện tích 15 ha. Đây là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới, với phòng trưng bày xác ướp riêng biệt chiếm diện tích tới 850 m2.
Mới đây, ngày 25/11, Ai Cập tổ chức khánh thành Đại lộ Nhân sư bên bờ sông Nile ở thành phố Luxor (cách thủ đô Cairo 650 km). Dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm thu hút du khách quan trọng thời gian tới.
Ngoài ra, Ai Cập triển khai chiến dịch quốc tế quảng bá du lịch toàn cầu về các điểm đến hấp dẫn và đa dạng, đảm bảo rằng du khách, dù đến từ đâu, thuộc nhóm tuổi nào và có thị hiếu ra sao, đều sẽ có trải nghiệm tuyệt vời tại đây. |
Trái ngọt trong tầm tay
Nỗ lực vực dậy ngành du lịch của chính phủ Cairo bước đầu đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Lượng du khách đã tăng đáng kể, trung bình đạt khoảng 300.000 lượt khách/tháng. Riêng trong tháng 4/2021, con số này đã tăng lên hơn 500.000 lượt, đạt khoảng 50% lượng khách thời trước Covid-19.
Những tháng cuối năm, du lịch Ai Cập ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tỷ lệ đặt phòng tại khách sạn ở Nam Sinai và Biển Đỏ ngày càng tăng. Với dịch bệnh được kiểm soát, hạ tầng du lịch nâng cấp và các gói hỗ trợ về tài chính của chính phủ cho ngành du lịch, Ai Cập hiện là điểm đến an toàn cho du khách.
Lượng du khách nước ngoài trở lại Ai Cập ít hơn nhiều so với trước, nhất là cao điểm năm 2010 và 2019, song đã góp phần duy trì chuỗi liên kết lữ hành giữa Ai Cập với một số quốc gia khác, giảm thiểu tác động nghiêm trọng của dịch bệnh với một trong những ngành quan trọng của đất nước Bắc Phi.
Ai Cập kỳ vọng số lượng du khách quốc tế đạt 8 triệu lượt năm 2021. Đồng thời, Cairo đặt mục tiêu đưa doanh thu du lịch năm tài chính 2021-2022 lên 6 tỷ USD.
Dòng du khách quốc tế cũng được kỳ vọng sẽ phục hồi nửa cuối năm 2022 và đạt mức cao nhất vào 2023, 2024, khi nhiều du khách Mỹ, Canada, Brazil, Nga đến thăm Ai Cập. Nếu xu hướng này được duy trì, với sự trở lại của các hãng hàng không lớn trên thế giới, hai năm tới chắc chắn sẽ là thời gian để ngành du lịch đất nước Bắc Phi hái “trái ngọt” sau những ngày kiên cường trước đại dịch Covid-19.
| Ngắm nhìn những tuyệt tác thiên nhiên bên dòng sông Nho Quế Cuối năm ngoái, tôi có chuyến công tác đến Hà Giang và may mắn được tham gia một trải nghiệm vô cùng độc đáo là ... |
| Ai Cập: Truyền thuyết về cặp tượng đá khổng lồ 'biết hát' Có chiều cao lên tới 18 m, hai pho tượng đá khổng lồ còn gây ấn tượng bởi "tiếng hát" đầy bí ẩn. |