📞

Du lịch Ấn Độ: Một ngày trên đất Phật mênh mang

Minh Hoà 09:43 | 21/04/2019
Dù không theo đạo Phật, cũng không phải người mê tín nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc dâng trào khi kinh hành quanh đại tháp Ấn Độ - công trình kiến trúc bằng đá, giữa là bảo tháp dát vàng, xung quanh có bốn bảo tháp nhỏ, các bức tường được chạm khắc hàng trăm tượng Phật tinh xảo... Rảo bước trong không gian trong lành của chốn huyền không vòng tiếp vòng, bao mệt mỏi, bộn bề tan biến.

Tôi cùng Đoàn Y học cổ truyền và Văn hóa Tâm linh Việt Nam tới Ấn Độ tham dự Hội thảo về Y học cổ truyền và Giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ theo lời mời của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Trong chuyến đi này, Tôi có "duyên" đến thăm chùa Mahabodhi ở Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng) - thánh địa của Phật giáo.

Chùa Mahabodhi - chốn huyền không

Sau tiếng chuông trong trẻo ngân vang từ chùa Mahabodhi lúc 5 giờ sáng, khoảng 50 người trong đoàn Y học cổ truyền và Văn hóa Tâm linh Việt Nam vội vã theo chân sư thầy Thích Đạo Viễn và sư thầy Thích Đạo Quang thuộc Hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế tới chùa Mahabodhi ở Bodh Gaya.

Tiếng những người Ấn Độ mời chào mua hoa sen hay đổi tiền mới Ấn Độ bằng tiếng Hoa, tiếng Thái và cả tiếng Việt ríu rít. Chắc rằng họ đã quá quen thuộc với hàng trăm tăng ni, hàng nghìn Phật tử hành hương từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các khách hành hương người Việt.

Từ xa, tòa bảo tháp của chùa Mahabodhi ẩn hiện dưới tán cây bồ đề. Không rực rỡ muôn màu như chùa Wat Saket (Núi Vàng) ở Thái Lan, hay Shwedagon (Chùa Vàng) ở Myanmar, cũng không trầm mặc như thường thấy ở các chùa có niên đại hàng ngàn năm, chùa Mahabodhi có vẻ đẹp dung dị mà lung linh. Chùa được bao bọc bởi vầng hào quang tỏa lan từ đỉnh bảo tháp bằng vàng, hôm nay càng chan hòa trong một ngày sương trắng và nắng tràn.

Càng về trưa, những đoàn người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đổ về chùa Mahabodhi càng đông với đủ trang phục sắc màu. Dễ nhận thấy nhất có lẽ là sắc áo cà sa màu đỏ của các Phật tử thuộc tông phái Phật giáo Tây Tạng. Còn Phật tử đông nhất có lẽ là các tăng ni tông phái Phật giáo nguyên thủy với sắc màu vàng nhạt, tiếp đến là Phật tử của tông phái Đại thừa với sắc nâu trầm… Đoàn chúng tôi với hai sư thầy trong sắc áo cà sa màu vàng cùng hòa vào đoàn người tiến vào bảo tháp.

Năm 2013, ngôi chùa bị đánh bom, nên giờ đây khi vào chùa, hành lý tư trang đều phải đưa qua máy soi để kiểm tra và tất cả đồ dùng, máy ảnh, điện thoại đều phải gửi ở ngoài cửa. Tiếng trao đổi, chuyện trò bắt đầu ngưng, dép để ngoài, đoàn người chân trần lặng lẽ, trang nghiêm bước vào khu vực bảo tháp.

Tôi và những người hành hương say sưa chiêm ngưỡng bức tượng Đức Phật Thích-ca Mâu-ni bằng vàng tinh xảo với gương mặt đẹp, đôi mắt toát lên vẻ phúc hậu, bình an. Chúng tôi đi vào bên trái, vòng ra bên phải để các Phật tử và du khách hành hương đều được chiêm bái và làm lễ nhanh chóng vì dòng người xếp hàng dài. Đặc biệt, sau khi chiêm bái, đoàn bắt đầu kinh hành xung quanh Đại tháp Giác ngộ, dưới tán lá của cây bồ đề đã bước sang tuổi 138.

Với việc kinh hành quanh bảo tháp, Phật tử đi để tu tập, để giác ngộ, còn những người không theo đạo Phật thì được "kháo" rằng đi để lấy năng lượng. Con trai đi 7 vòng, con gái đi 9 vòng và nếu ai là người may mắn sẽ nhặn được chiếc lá bồ đề rơi.

Đoàn Y học cổ truyền và Văn hóa Tâm linh Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm tại chùa Mahabodhi. (Ảnh: MH)

Ta tìm thấy chính ta

Thật may mắn, sau bữa trưa, đoàn chúng tôi được Thượng tọa Manoj của chùa Mahabodhi thuyết giảng qua lời dịch của nhà văn hóa, thanh đồng Nguyễn Đức Hiển, Trưởng nhóm văn hóa tâm linh.

Thượng tọa Manoj bắt đầu bằng câu chuyện về sự hình thành chùa Đại Bồ Đề vào khoảng năm 250 trước Công nguyên, Hoàng đế Asoka của triều đại Maurya đã cho xây dựng một ngôi đền để ghi dấu nơi Đức Phật đạt giác ngộ ở Bodh Gaya. Tuy nhiên, ngôi đền hiện đang chiêm bái là một công trình kiến trúc khác, đã được dựng lại trên nền ngôi chùa cổ và qua nhiều lần trùng tu...

Vốn là người từng mê mẩn những thước phim kinh điển Tây Du ký với nhân vật Đường Tăng đến nơi này lấy kinh, khi được hiểu biết về thăng trầm của lịch sử Phật giáo ở Ấn Độ qua lời kể trầm ấm của Thượng tọa Manoj, tôi đã ngộ ra nhiều điều. Cây bồ đề đang hiện hữu, dù nhiều lần bị chặt đốt do thiên tai vô thường, hoặc do bàn tay kẻ nào đó muốn xóa vết tích của nó; dòng dõi hậu duệ của cây bồ đề vẫn không tuyệt diệt, vẫn đâm chồi nảy lộc, đời sau tiếp nối đời sau che bóng mát cho Phật ngồi khi thành đạo. Cây bồ đề tự bao giờ đã trở thành biểu tượng cao cả cho những tín đồ Phật giáo truyền đời bảo tồn chính pháp mà Phật Thích Ca truyền dạy.

Điều tôi tâm đắc chính là phần sau cuối khi Thượng tọa Manoj nói rằng: “Các Phật tử đừng trông chờ Phật hay đấng tối cao nào ban phát cho sự giàu có, may mắn, Phật chỉ cho ta con đường đi, Phật cho ta sự hiểu biết, đó chính là giác ngộ. Ta tìm lại chính ta. Chúng ta gieo 'nhân' nào thì gặt 'quả' đó”.

Những lời thông tuệ về nghiệp quả, luân hồi, vũ trụ quan, các tầng trời… tưởng như xa vời ảo ảnh, giờ thật rõ ràng. Hãy tin và trông chờ vào sự nỗ lực của chính bản thân.

Món quà chân tình

Tiếp đó, Thượng tọa Manoj đưa chúng tôi vào bảo tháp và làm lễ cho đoàn. Thượng tọa cầm chén vàng của Phật, đặt lên đầu từng người để mong đem lại cho chúng tôi sự thông tuệ, rồi choàng mảnh khăn làm từ tấm cà sa đặt nơi tượng Phật cho từng người trong đoàn. Ai cũng cảm thấy hân hoan.

Tiếng lao xao của tán lá bồ đề, kéo đi những tia nắng cuối ngày, các Phật tử đi quanh bảo tháp với mồi đốt trầm, ấm cúng. Đoàn chúng tôi xin phép Thượng tọa được làm lễ dưới cây bồ đề.

Cũng như các đoàn khác đến đây, bên cạnh tham quan danh thắng, buổi lễ của các sư thầy đã mang tới cho chúng tôi sự an tịnh trong tâm hồn, làm vơi bớt phần nào nỗi vất vả, sự nhọc nhằn trong cuộc sống. Trên hết, các sư thầy đã cho chúng tôi hiểu rằng họ đến đây để đến với đời sống tâm linh, niềm tin, hướng thiện.

Sau buổi lễ kéo dài chừng hơn 1 giờ, chúng tôi lại thong thả kinh hành quanh bảo tháp. Trong chùa Đại Bồ Đề đã lên đèn. Kinh Phật ở đây được đọc bằng mọi thứ tiếng. Mỗi nước tụng riêng ngôn ngữ của mình. Người thì tụng kinh, niệm Phật, người thì kinh hành, thiền tọa, người thì lạy Phật, sám hối…

Đáng chú ý nhất, có lẽ là đoàn kinh hành của các học sinh, sinh viên Phật giáo. Đoàn tu sỹ thật chỉnh tề, tiếng kinh cầu chiều buông thật ngân nga. Đặc biệt có rất nhiều em nhỏ mới chừng 8-10 tuổi cầm theo loa và micro đi vòng quanh tháp tụng kinh.

Thấy tu sỹ nhỏ vừa bê loa vừa tụng kinh, sẵn trên tay cầm quả táo lộc, tôi tặng cho tu sỹ nhỏ. Bất chợt, tăng nhí rút trong người ra chiếc lá bồ đề đưa cho tôi với một ánh mắt thật vui và chân thành. Một chút lưỡng lự. Nhớ lại buổi sáng khi kinh hành qua bảo tháp, một sinh viên mặc đồ tu sỹ đưa tôi chiếc lá bồ đề, sau đó theo tôi đòi tiền. Tôi đã rút 30 rupee để trả, coi như mình mua chiếc là bồ đề nhưng người này đòi 100 USD. Tôi trả lại lá bồ đề nhưng anh ta cứ lẽo đẽo theo tôi và gây phiền nhiễu. Điều này khiến tôi chợt nhớ tới câu chuyện Đường Tăng đến gần cửa Phật rồi cũng phải trả cái bát vàng.

Rảo bước trở về, trên tay với chiếc lá bồ đề tăng nhí tặng, lòng tôi lâng lâng, tôi đã nhận được sự chân tình. Tôi ngộ ra một điều, cái gì xuất phát từ trái tim mới thật sự có giá trị.

Chùa Mahabodhi, còn gọi là chùa Đại Giác Ngộ, chùa Đại Bồ Đề, tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 5 ha tại thành phố Bodh Gaya ở bang Bihar (Ấn Độ), nơi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đắc đạo. Bảo tháp của chùa Mahabodhi cao 55m, phía Tây là cây bồ đề linh thiêng. Chùa đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2002.

Bodh Gaya, tiếng Việt là Bồ Đề Đạo Tràng, ở quận Gaya, bang Bihar, là nơi quan trọng nhất trong cuộc đời của Phật Thích-ca Mâu-ni, địa điểm linh thiêng nơi có cội cây bồ đề mà ở đó Đức Phật đã giác ngộ.