Nhỏ Bình thường Lớn

Du lịch đối phó với cúm A/H1N1: Đi trong sợ hãi

Mới đây, những ai ưa du lịch đều cảm thấy “thót tim” khi hay tin ổ cúm A/H1N1 lớn nhất cả nước lại “tai bay vạ gió” rơi vào đoàn khách du lịch xuyên Việt gồm 185 người khi tới Sa Pa, thăm Hà Khẩu. Tới ngày 16/8, có đến 36 người trong đoàn bị “treo án” dương tính với cúm. Thời điểm này, hơn 120 người đã an toàn trở về.

Không lâu trước đó, đầu tháng 6/2009, Viện Nhiệt đới Hà Nội đã tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên tại Hà Nội. Hướng dẫn viên, “bệnh nhân tiên phong” Phạm Chiến Thắng, vẫn còn nhớ như in chuyến đi “nhập khẩu” virus của mình. Dẫn đoàn du khách gồm hơn 30 người Việt Nam sang Mỹ tham quan, trên chuyến bay từ Los Angeles tới San Fransisco, rồi quay về Việt Nam,  anh vô tình ngồi cạnh hành khách người Mỹ có biểu hiện cảm cúm thông thường. “Qua vài câu thăm hỏi xã giao, ai dè virus cúm lại “kết” mình”, anh kể lại mà vẫn chưa hết ngỡ ngàng. Phục hồi sau sự cố đó, hỏi đùa, anh có còn “gai người” không? Thắng trả lời, đấy cũng chỉ là tai nạn nghề nghiệp thôi. Từ đó tới nay, anh đã kịp tổ chức gần chục chuyến đi cho nhiều đoàn khách khác nhau, cả trong và ngoài nước. Khi nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch không thể thiếu, thì “con virus oái oăm” kia cũng không phải là rào cản quá nghiêm trọng đối với du khách thích thăm thú. 

Trước những cảnh báo của nhiều nước trên thế giới về việc đi du lịch giữa các nước và tâm lý e ngại lây bệnh từ bên ngoài, số lượng du khách quốc tế sụt giảm đáng kể. Trong khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam 7 tháng đầu năm giảm khoảng 18,7% so với cùng kỳ năm 2008, đạt 2,171 triệu lượt khách, thì ngược lại, lượng khách nội địa lại tăng khoảng 13%, đạt 13,7 triệu lượt người. Ông Vũ Thế Bình, Vụ Lữ hành nhận định: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đặc biệt nhất bởi nó chịu sự tác động mạnh của tất cả các biến động từ thiên tai, dịch bệnh đến khủng hoảng kinh tế. Do đó, ngành du lịch phải chủ động sống chung với lũ”. Điều chỉnh mục tiêu ban đầu đón 4,2 triệu khách vào năm 2009 xuống còn 3,7 – 3,8 triệu kết hợp với hàng loạt các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn đà suy giảm khách quốc tế và kích cầu nội địa là phương án Tổng Cục Du lịch triển khai trong thời gian 5 tháng cuối năm.

“Ấn tượng Việt Nam” vẫn được xem như một chiến dịch xuyên suốt tạo được hiệu ứng cao thu hút du khách. 90 doanh nghiệp lữ hành, 120 khách sạn, resort hàng đầu, 3 hãng vận chuyển lớn, 20 nhà hàng, trung tâm mua sắm quy mô đã tham gia chương trình khuyến mãi tích cực. Bên cạnh đó, việc giảm 50% thuế VAT và giãn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp du lịch, miễn lệ phí visa cho khách quốc tế vào Việt Nam theo các công ty lữ hành tham gia chương trình Ấn tượng Việt Nam cũng đem lại niềm hứng khởi cho cả người kinh doanh và tham gia du lịch. Tổng Cục Du lịch còn đang đề xuất phương án để các khách sạn 4 sao trở lên được mở các dịch vụ giải trí đến 2h sáng trong thời gian từ nay đến hết năm 2010.

Điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay là đảm bảo được khả năng miễn dịch với cúm A/H1N1 cho du khách tham quan ở mức tối đa. Trước mắt, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, ngành du lịch đã đưa ra nhiều phương cách hỗ trợ du khách phòng và chống bệnh như mở chuyên mục cúm A/H1N1 trên mạng của ngành, yêu cầu các cơ sở lưu trú hợp tác chặt chẽ với ngành y tế địa phương đảm bảo an toàn và chống cúm. Việc ăn uống tại các khu, tuyến điểm du lịch phải được các Sở Du lịch phối hợp với ngành giám sát chặt chẽ. Đội ngũ nhân viên du lịch cũng được tập huấn, cập nhật thường xuyên các biện pháp hỗ trợ du khách. Đặc biệt, trong tình thế gay cấn này, rất nhiều doanh nghiệp du lịch lại đưa ra nhiều phát kiến đem lại niềm tin lôi cuốn du khách. Ngày 18/8, Hàng không Jetstar Pacific thực hiện việc phun thuốc khử trùng chuyên dụng liên tục giữa những lần máy bay cất, hạ cánh. Không chỉ đặt thiết bị đo thân nhiệt điện tử trên các chuyến bay, Hãng còn trang bị và yêu cầu mọi hành khách, nhân viên làm việc tại khu vực sân bay đều phải đeo khẩu trang. Còn Saigon Tourist giới thiệu thêm sản phẩm phí bảo hiểm cúm dành cho du khách khi du lịch

nước ngoài.

Dài hơi hơn, trong thời gian tới, toàn ngành du lịch sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Tiếp tục chiến dịch Ấn tượng Việt Nam; quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; nâng cao chương trình đào tạo nguồn nhân lực; định hướng, thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp chất lượng du lịch; chuẩn bị kỹ càng cho Năm du lịch quốc gia 2010 với nhiều hoạt động lớn và đa dạng - ông Tuấn cho biết.

Hạnh Thảo