📞

Du lịch Hà Giang - điểm đến an toàn trong đại dịch Covid-19

NHÓM PV 10:18 | 15/05/2022
Hà Giang đã và đang củng cố năng lực, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, sẵn sàng đón khách du lịch một cách tốt hơn sau khi đại dịch Covid-19.

Thời gian qua, Hà Giang đã chủ động thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung tham mưu và triển khai thực hiện linh hoạt, có hiệu quả các hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch và gia đình trên địa bàn tỉnh vừa chủ động trong phòng chống dịch Covid-19 với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường công tác quản lý tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trên địa bàn toàn tỉnh; chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể trong tỉnh thực hiện các chương trình, kế hoạch liên ngành; đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đồng bào các dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, thể thao lành mạnh, gia đình ổn định; thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII và Đại hội Đảng bộ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025.

Covid-19 gần như mang ngành du lịch Việt Nam cũng như toàn cầu trở lại vạch xuất phát, các khoảng cách về tốc độ phát triển ngành trước đây trở nên không còn quá nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, giai đoạn “tạm nghỉ” lại là cơ hội tốt cho chúng ta xốc lại, nhìn lại mình, củng cố năng lực, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, sẵn sàng đón khách du lịch một cách tốt hơn sau khi đại dịch Covid-19 được giải quyết.

Cảnh đẹp Hà Giang vẫn thu hút nhiều đoàn khách du dịch trong đại dịch Covid-19. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang)

Năm 2020-2021, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, ngành du du lịch toàn cầu cũng như du lịch Việt Nam nói chung, tỉnh Hà Giang nói riêng phải đối mặt với cục diện mới. Tuy nhiên, Hà Giang cũng như một số địa phương dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn còn rất may mắn vì có những thời điểm không có ca nhiễm trong cộng đồng.

Đồng thời, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, du lịch Hà Giang đã nhanh chóng, linh hoạt triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo hạn chế sự thiệt hại trong tình hình mới. Hà Giang xác định thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với điều kiện “bình thường mới” đó là: du lịch quy mô nhỏ, khoảng cách ngắn, khám phá chính địa phương mình hoặc lân cận gắn với những loại hình du lịch MICE, sinh thái, cộng đồng.

Năm 2020, khách du lịch đến Hà Giang đạt 1,5 triệu lượt người - đạt 100% kế hoạch năm. Đặc biệt, gần 90% du khách đến với Hà Giang là thị trường khách nội địa. Để hoàn thành được chỉ tiêu đó, ngành du lịch Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt cụ thể như: đảm bảo xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn cho du khách trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Cụ thể, tỉnh Hà Giang đã triển khai quyết liệt việc đảm bảo 4 tiêu chí an toàn, đó là: Phương tiện vận chuyển khách an toàn, cơ sở lưu trú an toàn, nhà hàng an toàn và điểm đến an toàn. Tạo tâm lý an tâm cho du khách khi đến Hà Giang; tập trung khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp và tư nhân kinh doanh hoạt động du lịch dịch vụ trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển dịch xây dựng sản phẩm du lịch mới, độc đáo nhằm vào thị trường khách du lịch trong nước và khách nội tỉnh.

Mùa lúa chín Hoàng Su Phì. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang)

Với mục tiêu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; chủ động, chuẩn chị sẵn các kịch bản xúc tiến quảng bá du lịch nhằm vào thị trường khách du lịch nội địa như: tổ chức không gian trưng bày văn hóa, du lịch, và các sản phẩm tiêu biểu tỉnh Hà Giang tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; tổ chức khảo sát và Hội nghị kích cầu du lịch nội địa Hà Giang; liên hoan Ẩm thực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu và Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI năm 2020; tổ chức các chương trình khảo sát, kích cầu du lịch nội địa tới Hà Giang.

Sắc vàng hoa cải sưởi ấm Hà Giang ngày đông. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang)

Và đặc biệt, tăng cường ứng ụng khoa học công nghệ 4.0 trong công tác xúc tiến quảng bá và đẩy mạnh việc liên kết với các bên liên quan từ Trung ương tới địa phương trong cong tác xúc tiến quảng bá giới thiệu thương hiệu điểm đến Hà Giang; triển khai nhanh chóng một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ theo quy định của Chính phủ như: gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đại lý du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, bảo tàng, khu vui chơi giải trí; giảm giá tiền điện cho các cơ sở lưu trú và các doanh nghiệp; miễn, giảm lãi suất và lệ phí; tiếp cận các khoản vay ưu đãi không lãi cho các doanh nghiệp trả lương cho nhân viên; triển khai các quy định mức thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó giảm 50% phí thẩm định giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Mùa hoa đào nở muộn tuyệt đẹp ở cao nguyên đá Hà Giang. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hà Giang)

Du lịch Hà Giang cũng như ngành du lịch Việt Nam đã và đang phải đối mặt với thách thức của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, đây cũng là một cơ hội tốt để cơ cấu lại mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó mục tiêu quan trọng là gìn giữ vảo vệ tài nguyên, môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Và, ngành du lịch Hà Giang luôn tin tưởng rằng, bước qua khó khăn ngày hôm nay ngành du lịch phải đối mặt, cũng chính là cơ hội để cho ngành du lịch phát triển bền vững hơn, tốt đẹp hơn trong tương lai.