Phố cổ Hội An - một điểm đến của du lịch Việt Nam vắng khách khiến các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn. (Nguồn: VOV) |
Gam màu trầm
Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng.
Trong suốt 4 đợt bùng phát của dịch Covid-19, các hoạt động du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ bùng phát dịch và hết sức cầm chừng.
Năm 2021, đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh mẽ trên cả nước khiến các hoạt động kinh tế, xã hội đình trệ nhiều tháng. Mới đây, du lịch quốc tế bắt đầu mở cửa, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ 2020.
Các quy định giãn cách phòng chống dịch, đóng cửa các điểm tham quan và dừng hầu hết các loại hình cung ứng khiến chuỗi dịch vụ đứt gãy nghiêm trọng. Năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa.
Năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động. Lĩnh vực lưu trú chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành du lịch Việt Nam cũng buộc phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly.
Hầu hết cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, di tích, khu vui chơi giải trí... bị thiệt hại lớn khi không có khách và đến nay vẫn chưa hoàn toàn mở cửa trở lại.
Nói như Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng, "có người bảo du lịch Việt Nam đã bị đông cứng, cũng có người nói rằng du lịch Việt bị đứt gãy. Quả thật, nhìn lại chúng ta thấy rõ sự tác động không hề nhỏ của đại dịch đối với du lịch".
Biến tầm nhìn thành hành động
Phát biểu tại Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển" tại Nghệ An chiều ngày 25/12 theo hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng trước đại dịch Covid-19, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và nhiều việc đang được triển khai đúng hướng. Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển rất rõ.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp, hộ gia đình làm du lịch, các ngành phục vụ cho du lịch đã vượt qua rất nhiều khó khăn, với trách nhiệm cao nhất, nỗ lực duy trì hoạt động, hỗ trợ ở mức tốt nhất có thể cho các lực lượng trực tiếp, gián tiếp làm du lịch; cho công tác phòng, chống dịch.
Nếu không nỗ lực duy trì như vậy, nhiều chuyên gia nhận định du lịch Việt Nam có thể mất 7-10 năm để khôi phục.
Những vấn đề chung liên quan đến phát triển du lịch như thủ tục xuất/nhập cảnh, xúc tiến thị trường, hạ tầng gắn với sản phẩm, môi trường, số hoá… đã được triển khai trong những năm qua. Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều hội nghị liên kết du lịch vùng cũng đã được tổ chức để tranh thủ thúc đẩy ngành du lịch.
Phó Thủ tướng gợi mở hai định hướng để phục hồi và phát triển du lịch nhằm thực hiện mục tiêu "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Thứ nhất là đẩy mạnh du lịch cộng đồng với sức hấp dẫn của văn hóa dân gian, vừa bổ trợ cho sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp lớn, giúp người dân cải thiện sinh kế; thứ hai là khẩn trương số hóa các nguồn tài nguyên về du lịch, đặc biệt là tài nguyên về văn hóa.
Phó Thủ tướng cho rằng ngành du lịch đã có chiến lược, tầm nhìn, giải pháp lớn, đồng thời nêu tầm quan trọng trong vấn đề thực hiện. Phó Thủ tướng lưu ý phải triển khai thật tốt các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, đồng thời chuẩn bị các khâu sẵn sàng mở cửa lại du lịch khi thực sự an toàn, trước mắt là khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ ba, bảo đảm có đủ thuốc điều trị.
Du lịch cộng đồng Homestay - điểm đến hấp dẫn ở vùng cao Lâm Bình, Tuyên Quang. (Nguồn: Du lịch Lâm Bình) |
Những giải pháp đồng bộ
Tổng kết Hội thảo Du lịch 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, sự kiện đã thu hút sự quan tâm lớn của xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Trong một ngày diễn ra hội thảo, các ý kiến phát biểu đều khẳng định vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, là công cụ góp phần giảm tụt hậu, giảm chênh lệch giàu nghèo, đóng góp cho thịnh vượng chung của quốc gia; tạo việc làm và cải thiện cuộc sống người dân; bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ những nhìn nhận, phân tích thực trạng, nhận diện những cơ hội và thách thức, nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp đã được đưa ra nhằm phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.
Trong các giải pháp để phục hồi du lịch trong giai đoạn 2022-2023, công tác kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và thích ứng an toàn là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn.
Cùng với đó là tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới; triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023; khuyến khích phục hồi du lịch nội địa ngay vào đầu năm 2022, gắn với lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn; triển khai chứng nhận, hộ chiếu vaccine…
| Sản phẩm du lịch cần thay đổi Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch Công ty Le Bros) cho rằng, lúc này sản phẩm du lịch phải thay đổi chứ ... |
| Tìm giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam Ngày 30/11, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn Du lịch toàn quốc 'Giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt ... |