Trải nghiệm các điểm đến du lịch ở tỉnh Tuyên Quang: Tân Trào - Na Hang - Lâm Bình. (Ảnh: NVCC) |
Giãn cánh xã hội, rồi đến giai đoạn thích ứng an toàn, rồi chờ thêm sáu tháng tới một năm..., kế hoạch phục hồi du lịch thất thường như thời tiết vì dịch bệnh đã khiến không ít doanh nghiệp du lịch phải “ngồi bó gối” trong khi người lao động của họ đổi nghề để mưu sinh...
Cầm cự vượt khủng hoảng
Trong một cuộc hội thảo tìm giải pháp phục hồi du lịch, ông Đào Mạnh Lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh kể rằng, sau gần hai năm chịu đựng sự tàn khốc của dịch bệnh, hơn 500 con tàu của Chi hội đội tàu du lịch Hạ Long đã phải dừng hoạt động trong thời gian dài.
Và hậu quả kéo theo là khoảng 3.000 lao động mất việc làm. Số ít nhân viên còn có thể làm việc là những người ở lại để trông giữ tàu, bảo dưỡng máy móc và vận hành tàu khi có giông bão.
Được biết, Chi hội có 245 hội viên là các chủ tàu chuyên kinh doanh dịch vụ tham quan, lưu trú bằng tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Những hội viên có số lao động thường xuyên hồi trước dịch là hơn 4.000 người, cao điểm có khi lên đến 6.000 người.
Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh, doanh thu hoàn toàn không có trong khi vẫn phải trả tất cả chi phí trông coi, bảo dưỡng và các chi phí hành chính khác khiến hầu hết các chủ tàu ở Hạ Long cạn kiệt mọi nguồn tài chính để duy trì doanh nghiệp.
Cũng là một doanh nhân kinh doanh tàu du lịch, ông Lượng cho biết, mỗi tháng phải chi ít nhất gần 200 triệu đồng để trông giữ và bảo dưỡng tám con tàu. Số tàu khác ông đã quyết định bán bớt lấy tiền trả nợ.
Dù hiện tại ngành du lịch Quảng Ninh cũng như cả nước đã khởi động lại du lịch nội địa và thí điểm đón khách quốc tế, nhưng theo ông Lượng, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn vì thiếu vắng khách. Nhiều doanh nghiệp chưa dám khởi động lại vì sợ rủi ro và vì thiếu lao động, thiếu vốn đầu tư.
Với bà Phan Hồng Châu, CEO Công ty cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hy Vọng (Esperantotur), đại dịch ập đến như sóng thần khiến công việc kinh doanh gần như đóng băng với những khoản lỗ nhiều tỷ đồng phải gồng gánh.
Tuy nhiên, nghĩ đến công ăn việc làm và đời sống của hơn 50 nhân viên, thời gian qua, văn phòng Esperantotur vẫn quyết định mở cửa để duy trì hoạt động theo từng thời điểm.
Theo bà Châu, sự tiên phong và những trải nghiệm làm du lịch một cách mạo hiểm trong thời kỳ dịch bệnh sẽ là những bài học quý để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Ở thời điểm dịch bùng phát vừa qua, Esperantotur quán triệt nguyên tắc 5K để tổ chức các hoạt động du lịch và rất yên tâm với những chuyến đi an toàn.
Những ngày này, chị Bích Huệ, nhân viên công ty Flamingo Redtour hào hứng giới thiệu với du khách các tour du lịch đặc sắc tháng Ba như Tây Nguyên mùa hoa cà phê; Tây Nguyên năm ngày: Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum... khám phá các điểm đến mới như ngã ba biên giới, khu di tích Đăk Tô, khu du lịch Măng Đen, Bảo tàng thế giới cà phê...
Ngoài ra, một sản phẩm mới với lịch trình ngắn ngày phù hợp khách eo hẹp về thời gian tại Tuyên Quang là Tân Trào-Na Hang - Lâm Bình vào đúng mùa hoa lim vang cũng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.
Về thị trường quốc tế, chị Huệ thích thú giới thiệu tour Trở về Dubai vừa ra mắt, thu hút được đông đảo khách quan tâm bởi thủ tục đơn giản, chỉ cần hộ chiếu là lên đường, khởi hành đúng dịp lễ 30/4.
“Đến 11h30 đêm khách vẫn hỏi chúng tôi thông tin. Nhiều khách cho biết chỉ đợi có tour là lên đường vì sau hơn hai năm nhu cầu đi tham quan, nghỉ dưỡng bị kìm nén. Với những người lao động ngành du lịch như chúng tôi thì đây là tín hiệu đáng mừng vì hai năm qua thực sự rất im ắng”, chị Huệ chia sẻ
Hình ảnh một tour du lịch trong bối cảnh Covid-19. (Ảnh: NVCC) |
Mở cánh cửa hy vọng
Nói về việc mở cửa du lịch của Chính phủ vào ngày 15/3, CEO Phan Hồng Châu khẳng định đây là chủ trương đúng đắn và là niềm mong mỏi của những người làm du lịch. Hơn nữa, thời điểm này cũng là cơ hội vàng cho du khách lựa chọn điểm đến vì giá cả rất hợp lý cho mọi đối tượng.
Từ thực tế đi khảo sát gần đây, bà Châu cho biết, nếu địa phương nào có chính quyền cùng hỗ trơ, đồng hành thì việc tổ chức tour, các điểm đến rất thuận lợi. Trong quá trình tổ chức nếu xảy ra trường hợp F0 thì địa phương sẽ hỗ trợ nhanh về y tế hoặc điều kiện hậu cầu giúp khách trở về cách ly kịp thời.
Bà Châu khẳng định: “Nếu không mở cửa chúng ta sẽ chết hẳn, không chỉ trong ngành du lịch mà còn liên quan đến nhiều ngành nghề khác nữa. Tuy nhiên, giờ muốn làm du lịch thì bắt buộc phải thích ứng linh hoạt và tiên quyết khẩu hiệu 5K”.
Chia sẻ về bài toán nhân sự trong giai đoạn dịch bệnh và mở cửa du lịch, ông Đỗ Việt Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cũng cho biết, trong năm 2022, tập đoàn dự kiến tuyển dụng 2.000-4.000 nhân sự, 15% là cán bộ cấp cao, chuyên gia nước ngoài cho hãng Bamboo Airways.
Đơn vị cũng có trung tâm đào tạo phi công và tiếp viên đi vào hoạt động khoảng trong tháng Năm, tháng Sáu. Đây là nỗ lực nhằm đón đầu khách quốc tế trong thời gian tới.
Ở góc nhìn của các địa phương, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh rằng, mở cửa theo tiêu chí an toàn và hiệu quả có ý nghĩa thiết thực với cơ quan nhà nước, sớm thống nhất chủ trương để đưa ngành du lịch sớm phục hồi, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định cũng đồng ý rằng quyết định mở cửa du lịch là chủ trương đúng đắn, kịp thời, đặc biệt khi Việt Nam đã đạt độ phủ vaccine cao.
Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động trong ngành, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết, bởi du lịch là ngành tổng hợp, kéo theo hoạt động của nhiều ngành kinh tế khác, tác động đến kinh tế - xã hội trên toàn cầu.
Về sản phẩm du lịch, vốn là cái gốc của du lịch, ông Vũ Thế Bình khẳng định, sản phẩm sau Covid-19 phải khác trước Covid-19, không theo phong trào mà phải phù hợp, độc đáo, có sức hấp dẫn, đặc biệt phải là sản phẩm mới.
Nếu đúng như kế hoạch thì Hiệp hội du lịch Việt Nam sẽ tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM từ 31/3, đánh dấu thời điểm du lịch Việt Nam trở lại hoạt động, thu hút các địa phương, doanh nghiệp tham gia, giới thiệu sản phẩm.
Ông Bình nhấn mạnh: “Người ta khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà mở cửa du lịch còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước”.
| Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu thanh tra công tác chuẩn bị đón khách du lịch Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành công văn gửi Chánh Thanh tra Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành ... |
| Phục hồi du lịch hậu đại dịch Covid-19: Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch (VHTTDL) đã đưa ra các giải pháp, kế hoạch phục hồi phát triển du lịch trong trạng ... |