Theo Chuyên gia Lê Quốc Vinh, cần thay đổi trải nghiệm của khách du lịch. |
Du lịch Việt Nam năm 2022 đang tìm đường trở lại vị thế của mình trước tác động của dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về cơ hội của ngành du lịch ở thời điểm hiện tại và trong thời gian tới?
Thực ra, du lịch mở cửa càng sớm càng tốt nhưng có phải là một cơ hội thực sự hay không còn nhiều vấn đề và chúng ta cần nỗ lực hơn nữa.
Ngày 15/3, nước ta mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế, đây là một tín hiệu tốt. Theo tôi, cần có những giải pháp cấp bách. Thực tế cho thấy, thời gian vừa qua du lịch nước ta gần như bị “đóng băng”. Nhiều chính sách về du lịch khá khắc nghiệt được đưa ra, tạo tâm lý sợ hãi Covid-19 một cách thái quá.
Đặc biệt, có mâu thuẫn rất lớn giữa việc mong muốn được mở cửa, được đón khách du lịch với những rào cản chờ đợi họ khi mở cửa. Mặt khác, tâm lý người dân vẫn lo lắng, sợ hãi khi khách du lịch đến. Đây sẽ là rào cản không nhỏ bởi sự e ngại sẽ trở thành tác nhân làm ảnh hưởng đến vấn đề mở cửa du lịch.
Trong giai đoạn thử nghiệm, con số du khách đến nước ta rất khiêm tốn, trong giai đoạn thí điểm du lịch quốc tế vừa qua chính sách vẫn hạn chế rất nhiều mà không mang lại bài học gì. Câu hỏi được đặt ra, mở cửa liệu có bao nhiêu khách nước ngoài đến Việt Nam và có đạt được như kỳ vọng không?
Thái Lan đặt kế hoạch đón 8 triệu khách du lịch. Việt Nam hiện vẫn chưa có con số mục tiêu nào. Tất nhiên, những người làm du lịch rất mong đón được nhiều khách, trong khi, chúng ta còn vướng rất nhiều yếu tố như điều kiện dịch tễ, y tế đảm bảo trong hành trình của du khách.
Cần văn bản làm cụ thể hóa, nếu không khách du lịch phải chịu nhiều quy định cứng nhắc như phải đi theo tour, cách ly y tế 7 ngày, hẳn là khách du lịch người ta sẽ... chạy mất.
Thứ hai, khi mở cửa toàn diện thì các thủ tục ở Việt Nam có dễ dàng hơn không? Điều kiện để vào nước ta sẽ như thế nào? Ví dụ, có cần chứng minh người ta đã tiêm đủ mũi vaccine Covid-19? Có cần xác nhận âm tính hay không? Những điều đó quy định như thế nào rất quan trọng, cần phải làm rõ, cụ thể để người ta biết nếu đến Việt Nam thì cần phải có những tiêu chí gì?
Chỉ trong thời gian ngắn thực hiện thí điểm đón khách quốc tế, thị trường du lịch Việt Nam đã dần “ấm” lên. Ngành du lịch đang đứng trước cơ hội vàng bởi từ ngày 15/3 sẽ mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Ông có chia sẻ kinh nghiệm gì để ngành du lịch đón đầu cơ hội?
Nếu gọi đó là cơ hội vàng cũng chưa hẳn đúng, mà nó là cơ hội để thay đổi, vực dậy, chấm dứt tình trạng du lịch “đóng băng”. Tất nhiên, du lịch được phục hồi sẽ là động lực để các ngành nghề khác cùng phát triển.
Còn có phải là cơ hội vàng hay không thì vấn đề nằm ở khả năng đối phó với những áp lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với du lịch của các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore…
Không phải các nước như Thái Lan không có khó khăn, trở ngại mà do họ có những chính sách bước đầu rất mạnh mẽ. Ngay từ năm ngoái, trong thời kỳ Covid-19 còn rất căng thẳng, Thái Lan đã kết nối với du khách và làm hình ảnh rất tốt.
Còn Việt Nam, thực tế đã để mất đi cơ hội đó. Phải nói là thời gian vừa qua chúng ta không làm được nhiều, không tận dụng được giai đoạn nghỉ ngơi này để hoạch định các chiến lược đổi mới sáng tạo và tiếp thị hình ảnh, khiến tính cạnh tranh khó khăn hơn. Lúc này, chúng ta phải “chạy” theo các nước xung quanh khu vực trong cuộc đua phục hồi và phát triển du lịch.
Thời gian vừa qua, chúng ta đã đón khách du lịch chủ yếu ở Đông Âu, Đông Bắc Á. Trong bối cảnh Covid-19 đang xáo trộn rất lớn, những áp lực bủa vây nên nhu cầu du lịch của họ càng cao hơn. Nhưng chúng ta chưa có sự hấp dẫn thực sự để thu hút và để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Do đó, chúng ta cần nhanh nhạy, có chiến lược thu hút khách du lịch, một chiến dịch marketing nghiêm túc và truyền thông mạnh mẽ. Vấn đề không phải cứ mở cửa ra, rồi kết nối đường bay là được, bởi đó chỉ là động thái, là những thủ tục cần phải làm trước khi mở cửa du lịch.
Vừa qua, có nhiều cuộc thảo luận nói về câu chuyện này nhưng không chuyển dịch thành hành động mạnh mẽ. Thế nên, chúng ta phải mở cửa với một kế hoạch chủ động, chiến dịch đồng bộ, chuyên nghiệp chứ cứ mở ra là xong mà không có sự chuẩn bị bài bản thì khó thành công lắm.
Du lịch Việt Nam đã chịu nhiều tổn thương do tác động từ đại dịch Covid-19. (Nguồn: Internet) |
Các doanh nghiệp du lịch cần khắc phục gì để có chất lượng tốt ngay từ khi mở cửa trở lại du lịch quốc tế?
Trải nghiệm của khách du lịch rất quan trọng. Do đó, chúng ta cần linh hoạt thay đổi trải nghiệm đó. Du lịch của nước ta đã bị tổn thương trong quá trình dài rồi nên các doanh nghiệp tự nhận thấy cần thay đổi, xem lại dịch vụ của mình, làm ổn định và hoàn thiện, sáng tạo hơn. Qua đó, tạo ra sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, mong đợi trải nghiệm mà du khách hướng đến.
Việt Nam phải tìm hiểu lại nhu cầu của du khách xem họ thay đổi trải nghiệm như thế nào, cần phải xây dựng lại sản phẩm của mình, sáng tạo, đổi mới dịch vụ của mình sao cho phù hợp hơn.
Các doanh nghiệp từ lữ hành đến khách sạn cần có những dịch vụ, sản phẩm mới hơn, để cung cấp cho khách du lịch như ăn ngủ nghỉ, giải trí phải khác, phải đổi mới để thích ứng với trạng thái bình thường mới, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm du lịch ngày càng cao hơn.
Trong đó, cần đảm bảo sự an toàn, đề cao giá trị, tính riêng tư cũng như trải nghiệm đặc biệt. Phải làm sao tạo được ấn tượng sâu đậm cho khách du lịch. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu xu hướng, tham khảo các nước, nhìn lại sản phẩm của mình đã đáp ứng được nhu cầu của du khách hay chưa?
Ví dụ, khi khách du lịch bị nhiễm Covid-19 trong thời gian ở Việt Nam thì các dịch vụ y tế đáp ứng ra sao. Người làm dịch vụ cần tính đến, thiết kế lại để xóa bỏ rào cản, e ngại nhằm thu hút du khách.
Theo ông, để thu hút và gia tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang mong mỏi điều gì từ chính sách?
Thực ra, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp du lịch thời điểm hiện tại là một kế hoạch kết nối, mở cửa lại. Các doanh nghiệp du lịch đều mong nới lỏng chính sách visa. Các thủ tục cấp visa phải thực sự dễ dàng và rẻ, đơn giản hóa để không gây khó khăn cho du khách.
Đồng thời, chính sách như tiêm bao nhiêu mũi vaccine cũng nên dần dần được cởi bỏ. Nhưng thực tế tôi nhận thấy vấn đề này vẫn còn nhiều áp lực, vẫn khó thay đổi trong tiến trình mở cửa du lịch.
Ông có khuyến nghị giải pháp thực tế gì để kích thích hơn nữa đà phục hồi của du lịch?
Hy vọng chính sách sẽ không gặp rào cản, đồng thời cần chiến dịch truyền thông hiệu quả, sáng tạo cho du lịch đồng bộ. Đó là vấn đề rất cần thiết, phải làm ngay cùng với việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
| Khi Covid-19 chạm mốc 100.000 ca mỗi ngày... Trong quá trình sống chung với Covid-19, việc không quá sợ hãi với dịch bệnh không có nghĩa là chủ quan để… trở thành F0 ... |
| Để tạo 'cú hích' cho du lịch: Cần có những chính sách linh hoạt và mạnh dạn hơn Chuyên gia Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về Xử lý Khủng hoảng (Berlin Crisis Solutions) nêu quan điểm, ... |