Khi Covid-19 có mặt trong cộng đồng, điều quan trọng nhất để bảo vệ chính là ý thức phòng dịch của từng cá nhân. |
Mở cửa và sống chung với Covid-19, đó là nhu cầu và là điều không thể khác khi mọi người đã tiêm vaccine và hiểu biết hơn về căn bệnh này.
Khi Covid-19 mỗi ngày tăng thêm gần 100.000 ca, chắc chắn sẽ gây áp lực lên ngành y tế và nhắc nhở chúng ta việc phòng dịch phải luôn được cài đặt trong trí não.
Theo thông tin về Covid-19 được công bố hằng ngày từ Bộ Y tế, Hà Nội là nơi ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất, riêng ngày 1/3 có 13.323 F0; số ca ở các tỉnh thành phía Bắc cũng liên tiếp tăng mạnh khiến y tế nhiều nơi gặp khó.
Khi Covid-19 có mặt trong cộng đồng, điều quan trọng nhất để bảo vệ chính là ý thức phòng dịch của từng cá nhân. Có những người chủ quan đã tiêm 2-3 mũi hoặc cho rằng mình đã nhiễm rồi nên không đề phòng Covid-19, ngay cả với những biến chủng mới như Omicron.
Đây có thể xem là nguyên nhân khiến Covid-19 lây nhiễm nhanh hơn, với con số mỗi ngày một tăng và đang chạm ngưỡng 100.000 ca mỗi ngày.
Thật khó chấp nhận khi có nhiều người lại có tư tưởng “rồi ai cũng sẽ là F0 thôi”, "ai rồi cũng có quà" nên chủ quan, hình thành thói quen không đề phòng dịch lây lan. Với những người tiêm mũi 2, mũi 3 vaccine hay đã nhiễm thì nguy cơ thấp hơn nhưng vẫn có thể nhiễm và lây cho người khác, với biến chủng mới.
Do vậy, trong quá trình sống chung với Covid-19, việc không quá sợ hãi với dịch bệnh không có nghĩa là chủ quan để… trở thành F0 như nhiều người vẫn nói vui “bị trước khỏi bị sau”, "xong trước để nghỉ sớm", "tránh sao được giữa một rừng F0"...
Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 vẫn còn rất phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi sinh hoạt của người dân. Tuy trường học, chợ búa và các sinh hoạt khác cơ bản đã hoạt động trở lại nhưng những thương tổn do Covid-19 gây ra cả về kinh tế lẫn tinh thần thì chưa biết khi nào hồi phục. Do vậy, trong lúc này, vẫn cần mỗi người tiếp tục câu chuyện phòng dịch bằng các biện pháp mà ngành y tế đã đặt ra.
"Trong quá trình sống chung với Covid-19, việc không quá sợ hãi với dịch bệnh không có nghĩa là chủ quan để… trở thành F0 như nhiều người vẫn nói vui 'bị trước khỏi bị sau', 'tránh sao được giữa một rừng F0'..." |
Tôi vẫn còn nhớ lúc mình bị mắc Covid-19 hồi cuối tháng 9 năm ngoái. Giữa Sài Gòn mênh mông sau một cơn bệnh nặng (dù đã tiêm 2 mũi vaccine), tôi tự cách ly và trải qua 10 ngày sống chung với SARS-CoV-2, cứ nghĩ chỉ là một trận cảm cúm thông thường.
Nhưng không, sau đó, tôi trải qua gần một tháng “hậu Covid-19” với triệu chứng bốc hỏa, hơi thở ngắn, không ngủ được và đau nhức mình. Đó mới là quãng thời gian khiến tôi thấm thía, Covid-19 không đơn giản như nhiều người vẫn nói, bởi cơ địa mỗi người một khác. Đâu ai biết chắc mình sẽ thuộc dạng nào trong những biểu hiện bệnh do SARS-CoV-2 gây nên?
Trong thông tin về những con số liên quan đến Covid-19 mỗi ngày vẫn có đến gần 4.000 bệnh nhân chuyển biến nặng và gần 100 người tử vong. Đây cũng là con số nhắc nhở mỗi người đừng chủ quan vì như đã nói, chưa biết chúng ta sẽ bị Covid-19 “hành” như thế nào.
"Không nên vin vào chủ trương mở cửa để… thả cửa với dịch bệnh. Chủ quan để cho virus vào mình thì hiểm họa của Covid-19 có thể ập xuống sức khỏe, thậm chí tính mạng của mình và người thân. Không ai nói trước được điều gì nên cẩn thận vẫn là 'thần chú' trước dịch bệnh vẫn phức tạp như hiện nay". |
Thêm nữa, sắp tới, ngày 15/3 là thời điểm mở cửa du lịch, do đó, làn sóng lây nhiễm Covid-19 có thể còn cao hơn, việc này tiếp tục đè nặng lên ngành y tế cũng như có thể ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
Ví dụ, khi ca nhiễm Covid-19 thành ổ dịch trong trường học chẳng hạn thì việc đóng cửa trường là điều khó tránh. Rồi con cái chúng ta khi bị nhiễm bệnh, phụ huynh phải nghỉ việc để chăm, sẽ là những ảnh hưởng liên đới khác.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh vẫn luôn ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh. Trong sự vận hành của xã hội, có thể thấy, một nơi hay một vùng nào đó có vấn đề đều có thể ảnh hưởng tới những nơi khác, vùng khác.
Thời sự, nhất là chiến sự ở Ukraine, ít nhiều đã tác động tới toàn cầu, trên nhiều phương diện. Dịch bệnh xảy ra ở nước ta cũng vậy, có thể thấy một vùng miền nào bị dịch tàn phá thì cả nước cũng ảnh hưởng, nhất là những nơi trọng điểm về kinh tế - chính trị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Không nên vin vào chủ trương mở cửa để… thả cửa với dịch bệnh. Trong sự nương nhau biểu hiện - cái này có cái kia có - chúng ta sẽ thấy khi chủ quan với dịch thì bệnh sẽ tràn lan.
Chủ quan để cho virus vào mình thì hiểm họa của Covid-19 có thể ập xuống sức khỏe, thậm chí tính mạng của mình và người thân. Không ai nói trước được điều gì nên cẩn thận vẫn là “thần chú” trước dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay.
| Tranh cãi: Dạy trực tiếp làm gì khi chỉ 1 học sinh đến lớp? Tỷ lệ học sinh F0, F1 khá lớn, thậm chí chiếm đa số trong lớp, song nhiều trường vẫn tổ chức dạy học trực tiếp ... |
| Mở cửa trường học, làm sao để không 'mỗi nơi một phách'? Cho trẻ đến trường an toàn là một nút thắt không dễ mở. Hơn nữa, nhiều người còn dự cảm rằng liệu mở cửa trường ... |