📞

Du lịch y tế Ấn Độ nở rộ

17:45 | 06/10/2016
Ấn Độ hiện đang nổi lên là một địa điểm du lịch kết hợp khám chữa bệnh được ưa thích trên toàn cầu.

Từ ngày 3–5/10, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Ấn Độ (Greater Noida, gần thủ đô New Delhi) đã diễn ra Hội nghị và Triển lãm Y tế Ấn Độ (Avantage Healthcare India - AHCI 2016) nhằm giới thiệu và quảng bá đầy đủ nhất về những thế mạnh của ngành Y tế Ấn Độ, đồng thời qua đó thúc đẩy cơ hội hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe giữa Ấn Độ với các nước trên thế giới.

Tìm kiếm cơ hội hợp tác

Đây là Hội nghị và Triển lãm Y tế thường niên lần thứ hai được tổ chức tiếp sau thành công của sự kiện AHCI 2015 lần đầu tiên diễn ra vào tháng 10/2015 do Bộ Công Thương Ấn Độ, Liên đoàn các phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) và Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dịch vụ Ấn Độ (SEPC) phối hợp tổ chức với sự tham gia tích cực của nhiều bộ ngành liên quan khác như Bộ Y học cổ truyền, Bộ Y tế & Chăm sóc sức khỏe gia đình, Bộ Du lịch của Ấn Độ và nhiều nước trong khu vực.

Hội nghị - Triển lãm lần này có sự tham dự của khoảng hơn 500 đại biểu của hơn 60 nước từ châu Phi, Trung Đông, Tây Á, Nam Á và Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) với hàng trăm cuộc trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các bên do Ban tổ chức thu xếp. Đoàn Việt Nam sang tham dự AHCI 2016 gồm đại diện của ngành Y tế do Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược Cổ truyền Phạm Vũ Khánh cùng đại diện một số bệnh viện, viện nghiên cứu, các công ty du lịch và kinh doanh thiết bị y tế,..

Các diễn giả và đại biểu tham dự AHCI 2016 đặc biệt nhấn mạnh những thế mạnh của nền y học Ấn Độ. (Ảnh: N.V)

Nhân dịp tham dự AHCI 2016, đoàn Việt Nam đã đến thăm, làm việc trực tiếp với Bộ Y học cổ truyền của Ấn Độ (AYUSH) và thăm quan thực tế một số bệnh viện, trường đại học và trung tâm nghiên cứu về y học cổ truyền của Ấn Độ, từ đó tìm hiểu khả năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực y học cổ truyền và dược liệu. Đây cũng là một nội dung hợp tác mới nhiều tiềm năng mà hai bên đã trao đổi và mong muốn thúc đẩy nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Nerendra Modi ngày 2-3/9 vừa qua.

Nói về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ, trong bối cảnh chi phí khám chữa bệnh tại các nước phát triển ngày càng tăng cao, Ấn Độ hiện đang nổi lên là một địa điểm du lịch kết hợp khám chữa bệnh được ưa thích trên toàn cầu và trong khu vực với tốc độ tăng trưởng những năm gần đây ước tính đạt 27%.

Dự báo trong năm 2016, Ấn Độ sẽ thu hút 3,2 triệu lượt khách du lịch tới kết hợp chữa bệnh, nghỉ dưỡng. Theo ước tính của Ấn Độ, thị trường du lịch chữa bệnh của Ấn Độ sẽ tăng hơn gấp đôi từ mức 3 tỉ USD hiện nay lên mức 8 tỉ USD vào năm 2020.

Dự báo trong năm 2016, Ấn Độ sẽ thu hút 3,2 triệu lượt khách du lịch tới kết hợp chữa bệnh, nghỉ dưỡng. (Ảnh:N.V)

Các diễn giả và đại biểu tham dự AHCI 2016 lần này đặc biệt nhấn mạnh những thế mạnh của nền y học Ấn Độ với khả năng tiếp cận dễ dàng, thuận tiện và chi phí thấp trong khi vẫn đảm bảo trình độ và chất lượng dịch vụ y tế hiện đại, tiên tiến vào bậc nhất thế giới, có thể sánh ngang và thậm chí là ưu thế hơn nhiều nước phát triển trong một số lĩnh vực như phẫu thuật tim mạch, nhãn khoa, chỉnh hình, cấy ghép nội tạng,...

Thế mạnh y học cổ truyền

Thế mạnh đặc biệt trong nền y học của Ấn Độ là sự chú trọng và kết hợp hiệu quả, hài hòa giữa các cơ sở điều trị và các dịch vụ y tế hiện đại đạt trình độ quốc tế với một nền y học cổ truyền phát triển rực rỡ từ 5000 năm trước và đang ngày càng cho thấy những hiệu quả lâu dài đối với sức khỏe con người, phù hợp với điều kiện thể lực cũng như tài chính của đa số người bệnh.

Trong các lĩnh vực y học cổ truyền nổi tiếng của Ấn Độ có thể kể đến Ayurveda (y học cổ truyền của người Hindu), Yoga và Naturopathy (Thiên nhiên liệu pháp), Unani (phương pháp chữa bệnh ở Trung Đông và Nam Á), Siddha (một trường phái tu tập của người Ấn thông qua yoga) và Homoeopathy (liệu pháp vi lượng đồng căn), gọi tắt là AYUSH. Đây cũng là tên gọi của Bộ Y học cổ truyền Ấn Độ, một bộ mới được tách ra khỏi Bộ Y tế và Chăm sóc sức khỏe gia đình từ năm 2014.

Mặc dù nền y học hiện đại trên thế giới đã phát triển cao song nhiều người kể cả từ các nước phát triển vẫn tìm tới các phương pháp y học cổ truyền Ấn Độ để được chăm sóc sức khỏe toàn diện, trong đó phải kể đến yoga, một phương pháp rèn luyện nhằm tăng cường sức khoẻ và ngăn ngừa, đẩy lùi bệnh tật thông qua việc tự điều chỉnh để cơ thể trở lại cân bằng cả về thể chất lẫn tinh thần, từ đó vượt qua những vấn đề sức khỏe liên quan đến cuộc sống hiện đại.

Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới về AYUSH và thảo dược cổ truyền. Các ngành dịch vụ của Ấn Độ, trong đó có ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cũng đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ấn Độ và chiếm gần 60% GDP của nước này.

(từ New Delhi)