Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh trong cuộc chiến công nghệ. (Nguồn: The Economist) |
Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) mới đây yêu cầu các kho ứng dụng cho điện thoại thông minh gỡ bỏ phần mềm đặt xe của Didi Global Inc sau khi phát hiện ứng dụng này thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng một cách bất hợp pháp.
Đây là một quyết định gây chấn động khi mà chỉ trước đó vài ngày, Didi vừa phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại sàn giao dịch chứng khoán New York.
Loại công ty công nghệ bị "sờ gáy"
Didi là ứng dụng đặt xe lớn nhất của Trung Quốc. Công ty này đã huy động được 4,4 tỷ USD trong đợt IPO tại Mỹ vào ngày 29/6. Đây là vụ chào bán cổ phiếu lớn nhất của một công ty Trung Quốc kể từ vụ phát hành 25 tỷ USD của "đế chế" thương mại điện tử Alibaba vào năm 2017.
Bắc Kinh đã yêu cầu Didi ngừng đăng ký người dùng mới, đồng thời phải gỡ bỏ ứng dụng khỏi cửa hàng ứng dụng với lý do Didi bị cho là đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp bằng cách thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân.
Didi hiện là công ty lớn nhất phải đối mặt với một cuộc điều tra quy mô của chính phủ nhằm vào các công ty công nghệ niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài. CAC cũng đang tiến hành điều tra ba ứng dụng đã niêm yết cổ phiếu tại Mỹ là công ty tuyển dụng trực tuyến Zhipin.com và các ứng dụng chia sẻ xe tải Huochebang và Yunmanman.
Chính phủ Trung Quốc khẳng định, họ đang tăng cường giám sát các công ty công nghệ nước này trong bối cảnh siết chặt các quy định về bảo mật dữ liệu.
Một số "ông lớn" công nghệ Trung Quốc trong vài tháng qua đã phải đối mặt với các cuộc điều tra vì bị cáo buộc có hành vi độc quyền hoặc vi phạm quyền của khách hàng dẫn đến việc phải chịu số tiền phạt kỷ lục và phải đưa ra các biện pháp cải tổ lớn.
Giới chức Trung Quốc lo ngại về sự thống trị thị trường của các công ty công nghệ lớn nhất, với hoạt động đang được mở rộng sang các lĩnh vực tài chính, dịch vụ y tế và các lĩnh vực nhạy cảm khác. Bắc Kinh cũng quan tâm đến tình hình sử dụng dữ liệu người dùng của các công ty công nghệ nước này.
Luật An ninh Dữ liệu mới ban hành vào tháng 6 quy định rằng, các doanh nghiệp và cá nhân cần sự phê chuẩn của các cơ quan hữu quan để chuyển dữ liệu lưu trữ tại Trung Quốc cho các thực thể nước ngoài, chẳng hạn các cơ quan thực thi pháp luật.
Đạo luật này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9. Doanh nghiệp hoặc cá nhân vi phạm có thể bị phạt từ 2 triệu đến 10 triệu Nhân dân tệ (khoảng 310.000 USD đến 1,5 triệu USD) và bị đình chỉ kinh doanh.
Cho tới gần đây, các công ty công nghệ vẫn được hoạt động tương đối tự do khi xây dựng mô hình kinh doanh, yêu cầu các trung gian và đại lý ký những hợp đồng độc quyền với nền tảng của họ và thu thập dữ liệu người dùng để hiểu rõ hơn về khách hàng.
Theo Shaun Rein, nhà sáng lập của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Thượng Hải, hai năm trước, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn còn thờ ơ bởi họ cho rằng, sự tiện dụng của các ứng dụng công nghệ này lớn hơn bất kỳ tác động tiêu cực nào.
Tuy nhiên, hiện nay người dân Trung Quốc lại khá quan tâm tới dữ liệu cá nhân, bởi Alibaba và Tencent nắm giữ khối lượng dữ liệu thậm chí nhiều hơn cả chính phủ.
Tin liên quan |
Đường đua kinh tế Mỹ-Trung Quốc: Khi nào Bắc Kinh giành ngôi đầu bảng? |
Năm ngoái, Mỹ đã thắt chặt các quy tắc quản lý đối với các công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán nước này.
Theo đó, giới chức Mỹ yêu cầu các giấy tờ kiểm toán của các công ty nước ngoài được niêm yết tại Mỹ phải được mở để kiểm tra theo quy định của Mỹ. Nếu công ty nào không tuân thủ trong 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết.
Các cơ quan quản lý chứng khoán của Trung Quốc từ lâu đã phản đối việc cho các đối tác của Mỹ tiếp cận với các giấy tờ kiểm toán như vậy, với lý do quan ngại về an ninh quốc gia.
Theo chỉ thị mới của chính phủ Trung Quốc, các cơ quan quản lý cần tăng cường hợp tác xuyên biên giới về giám sát kiểm toán và sửa đổi luật và quy định "về bảo mật dữ liệu, luồng dữ liệu xuyên biên giới và quản lý thông tin bí mật khác".
Bắc Kinh đã cam kết sẽ sửa đổi các quy định đối với việc chào bán cổ phiếu trên các sàn giao dịch bên ngoài Trung Quốc.
Những diễn biến gần đây là gợi ý mới nhất cho thấy, chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng quyền lực để ngăn chặn bất kỳ thỏa thuận IPO nào vào phút chót để đảm bảo rằng dữ liệu của các công ty về công dân Trung Quốc không lọt vào tay Mỹ.
Ranh giới giữa kiểm soát và phát triển
Có thể thấy, dữ liệu lớn đang nhanh chóng trở thành chiến trường lớn tiếp theo trong cuộc cạnh tranh giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Lĩnh vực này có thể đóng vai trò định hình lại nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới.
Washington đã vận động các quốc gia đồng minh ngăn cản Trung Quốc sở hữu các công nghệ tiên tiến như chip máy tính, trong khi Bắc Kinh triển khai một kế hoạch quy mô lớn để nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.
Các biện pháp kiểm soát dòng chảy dữ liệu với lý do an ninh quốc gia có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Giới quan sát cho rằng, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được một thỏa thuận về vấn đề chia sẻ dữ liệu an toàn, bất kỳ một "thiết bị thông minh" nào cũng có thể tạo ra rủi ro về an ninh mạng. Cái giá phải trả thậm chí còn lớn hơn nhiều.
Trung Quốc có nguy cơ mất khả năng tiếp cận các thị trường vốn dồi dào ở nước ngoài mà đây chính là nguồn tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu công nghệ. Trong khi đó, các công ty Mỹ có thể mất cơ hội đầu tư vào một trong những động lực tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Tom Nunlist, nhà phân tích chính sách tại Trivium China, công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định rằng đây là thời điểm mà những lo ngại về an ninh được ưu tiên, một phần do các động lực địa chính trị đang thay đổi và những ẩn số xung quanh các công nghệ mà dữ liệu đóng vai trò chủ chốt. Chính sách tập trung bảo hộ dữ liệu sẽ làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế và công nghệ.
Trung Quốc đã tìm cách khai thác tiềm năng của dữ liệu để chuyển đổi nền kinh tế. Một số công ty nghiên cứu dự đoán Trung Quốc sẽ sở hữu 1/3 dữ liệu của thế giới vào năm 2025; đây có thể là lợi thế cạnh tranh lớn trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI).
Bắc Kinh lên kế hoạch rót 1.400 tỷ USD cho các cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như các trung tâm máy chủ, xây dựng luật về sử dụng dữ liệu và khuyến khích các "gã khổng lồ" công nghệ chia sẻ cơ sở dữ liệu khổng lồ của họ.
Thách thức của việc khai thác sức mạnh của dữ liệu để tăng trưởng là nuôi dưỡng hệ sinh thái mà không cản trở sự đổi mới công nghệ vốn đã tạo ra nhiều của cải hơn bất kỳ lĩnh vực nào trong thập kỷ qua.
Carly Ramsey, Giám đốc công ty tư vấn quốc tế Control Risks, có trụ sở tại Thượng Hải đặt câu hỏi: "Làm thế nào để đi giữa ranh giới của kiểm soát và phát triển việc sử dụng dữ liệu".
Một số nhà đầu tư cho rằng, biện pháp kiểm soát của Trung Quốc là phản tác dụng.
Thomas Hayes, Chủ tịch của công ty đầu tư Great Hill Capital ở New York (Mỹ) cho rằng, Trung Quốc sẽ thiệt hại nếu hạn chế các công ty hàng đầu của họ huy động vốn ở nước ngoài. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lại nhìn nhận điều đó theo cách khác.
Theo Chen Xi, cố vấn đối ngoại cấp cao của Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc, việc đưa ra các quy định giám sát chặt chẽ hơn sẽ ngăn các công ty công nghệ phát triển quá lớn và có thể gây ra rủi ro hệ thống cho cả nền kinh tế trong nước và thế giới.
Hơn nữa, ông Chen Xi nhận định, giới chức Mỹ và Trung Quốc rồi sẽ nhận thấy lợi ích trong việc hợp tác kiểm soát các công ty công nghệ.
| Đường đua kinh tế Mỹ-Trung Quốc: Khi nào Bắc Kinh giành ngôi đầu bảng? Năm 2020, Trung Quốc kiểm soát được đại dịch Covid-19 và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, trong khi Mỹ hứng chịu hàng ... |
| Giải mã gen-Mặt trận mới của cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc Được phát triển từ những năm 1970, giải mã gen hiện đang trở thành tâm điểm của giới truyền thông với cuộc khủng hoảng Covid-19. ... |