Rebecca Ballhaus, cây bút của tờ Wall Street Journal, bình luận về giọng điệu của Tổng thống Trump trong Thông điệp Liên bang bằng hai từ ngắn gọn: “Lạc quan”. Bà nói: “Ông ấy kêu gọi người dân Mỹ "tin tưởng chính mình", đồng thời kêu gọi sự đoàn kết bằng việc nói về "gia đình chung của nước Mỹ”.
Cũng đánh giá giọng điệu trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump mang màu sắc lạc quan, và chủ yếu nhắc đến những thành quả cũng như sức mạnh kinh tế Mỹ trong năm đầu nhiệm kỳ, ông Jacob M. Schlesinger, một cây bút khác của tờ Wall Street Journal nhìn nhận: “Liệu việc không quá nhấn mạnh tới thương mại trong bài phát biểu có phải là dấu hiệu cho thấy Trump sẽ có một chính sách thương mại mềm mỏng hay không? Có lẽ, song không nhất thiết là như vậy”.
Bên cạnh đó, các phụ tá của ông vẫn đang tìm cách đối phó với Trung Quốc và các chính sách mà quốc gia này thực hiện nhằm buộc doanh nghiệp Mỹ phải chuyển giao công nghệ nếu muốn gia nhập thị trường lớn thứ hai thế giới. Theo Schlesinger, ông Trump có lẽ đã ám chỉ các biện pháp này khi nói rằng “chúng ta sẽ bảo vệ người lao động Mỹ và tài sản trí tuệ của Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu Thông điệp Liên bang trước lưỡng viện ngày 31/1. (Nguồn: Getty Images) |
Thái độ hoài nghi…
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra ngờ vực về những cam kết và hứa hẹn của Tổng thống Donald Trump.
Tờ USA Today bình luận: “Điều đáng nhớ nhất trong Thông điệp Liên bang đầu tiên tối 30/1 có thể là việc nó chẳng có gì đáng chú ý. Những thách thức nghiêm trọng nhất đều không được ông ấy nhắc đến”.
Theo phóng viên Jim Tankersley của tờ Economics and Tax, việc ông Trump nói về sự trở lại thị trường Mỹ của các doanh nghiệp chỉ để cho có và thực tế là “số lượng việc làm được tạo ra trong năm vừa qua thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Obama”. Thậm chí, trong suốt 80 phút, Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa không hề đề cập một từ nào tới việc cắt giảm chi tiêu chính phủ, thay vào đó lại là những tín hiệu cho thấy mục tiêu tăng chi tiêu ngân sách, một điểm rất đáng chú ý trong bối cảnh thâm hụt ngân sách của Mỹ đang gần tới ngưỡng 1.000 tỷ USD theo thông số từ New York Times.
Alan Rappeport, nhà bình luận của tờ Economic Policy, cũng chia sẻ quan điểm này và bình luận trên tờ The New York Times: “Thực tế 2,1 triệu việc làm được tạo ra trong năm vừa qua là mức thấp nhất kể từ năm 2012”. Ông cho rằng dù đây là một Thông điệp Liên bang khá dài song có nhiều vấn đề vẫn chưa được Tổng thống Trump đề cập, chẳng hạn như bạo lực súng đạn, quan hệ với Nga hay Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo ông Rappeport, người đứng đầu Nhà Trắng cũng tỏ ra khá “mềm mỏng” trong vấn đề thương mại và chỉ đề cập thoáng qua tới việc xây dựng bức tường chặn người di cư ở biên giới chung với Mexico.
Thượng Nghị sỹ Đảng Dân Chủ Chuck Schumer không tỏ ra ấn tượng với bài phát biểu của Tổng thống Trump. (Nguồn: Time) |
Thượng Nghị sỹ Chuck Schumer của đảng Dân chủ thì tỏ ra không mấy ấn tượng với bài phát biểu của Trump: “Bài phát biểu tối nay của ông ấy càng đổ thêm dầu vào mâu thuẫn thay vì đưa chúng ta xích lại gần nhau”. Một khoảnh khắc khiến dư luận bất ngờ và có ý nghĩa không nhỏ chính là khi hầu hết các nhà lập pháp da màu không vỗ tay khi Tổng thống Trump ca ngợi tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi đang ở mức thấp kỷ lục.
Nhận định về điều này, ông Mike Bender, một cây viết của Wall Street Journal bình luận: “Những nhà lập pháp Dân chủ này dĩ nhiên không đồng tình với tỷ lệ thất nghiệp cao. Họ chỉ cho rằng tình trạng thất nghiệp giảm theo xu hướng tích cực từ trước khi ông Trump lên nắm quyền”. Tuy nhiên, ông Bender cho rằng động thái trên cũng cho thấy sự bối rối của các thành viên đảng Dân chủ khi đối phó với một chính trị gia phi truyền thống đang đứng đầu Nhà Trắng.
Hay viễn cảnh mịt mờ?
Trong bài bình luận có tiêu đề “Người thắng Kẻ thua sau Thông điệp Liên bang của Trump”, Washington Post - tờ báo đã nhiều lần chỉ trích cựu tỷ phú Mỹ kể từ khi ông này trở thành Tổng thống, đã chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu trong bài phát biểu tối 30/1 của nhà lãnh đạo Mỹ.
Theo đó, ông Trump đã dùng những phép ẩn dụ mạnh mẽ, nhất là khi khẳng định đất nước “mạnh bởi người dân của chúng ta mạnh mẽ”, và “sức mạnh không gì sánh kịp chính là cách phòng vệ của chúng ta”.
Tờ báo bình luận: “Trump đã có bài phát biểu phô diễn sức mạnh, theo đúng nghĩa đen”. Những điểm sáng khác trong Thông điệp Liên bang của Donald Trump là lời kêu gọi đoàn kết, làm dấy lên tia hy vọng về khởi đầu mới trên chính trường đang tồn tại nhiều chia rẽ, cũng như các tuyên bố về cắt giảm thuế, khía cạnh các nhà lập pháp đảng Cộng hòa có cơ hội để tự hào.
Tuy nhiên, theo Washington Post, Thông điệp Liên bang của Donald Trump có nhiều điểm rất đáng tiếc, cụ thể là tuyên bố sai sự thật trong phát biểu của ông, từ việc Mỹ “là nhà xuất khẩu năng lượng trên thế giới”, cho đến việc ông nói rằng Quốc hội đã thông qua và ký “cải cách và luật cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”…
Một số người đã mặc quần áo đen theo phong cách Kente để phản đối Tổng thống Trump. (Nguồn: Getty) |
Độ dài của Thông điệp Liên bang, thái độ hời hợt của các thành viên đảng Dân chủ và cách Trump nói về cải cách các quy định di cư cũng là những điểm không được Washington Post đánh giá cao.
Chưa từng có Tổng thống Mỹ nào đọc Thông điệp Liên bang đầu tiên trong bối cảnh đa phần người dân không hài lòng và có nhiều quan điểm trái chiều về cách điều hành đất nước của người lãnh đạo đến thế này. USA Today bình luận: “Một số Tổng thống đã cải thiện được sự ủng hộ của cử tri sau Thông điệp Liên bang. Song có lẽ không một bài phát biểu nào đủ sức lay chuyển suy nghĩ của một bộ phận cử tri đang rất không đồng tình với Trump. Tiếng vang của Thông điệp Liên bang đã bị hạn chế bởi bối cảnh chính trị, ngay cả khi vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ rất mong muốn kết nối với người dân và thế giới”.