📞

Dù thế nào, quan hệ kinh tế Mỹ - Trung sẽ không bao giờ quay lại như trước

Khánh Linh 19:45 | 22/10/2019
TGVN. Mối quan hệ song phương Mỹ - Trung đã thay đổi vĩnh viễn bất kể kết quả bầu cử Mỹ năm 2020 như thế nào.
Mỹ lại vừa tiếp tục mở rộng căng thẳng bằng việc công bố danh sách đen một số doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. (Nguồn: The Verge)

Mối quan hệ Mỹ - Trung được cho là vẫn đang tiếp tục xấu đi, dù trong cam kết mới nhất, Tổng thống Trump cho biết, tiến trình đạt được một hiệp định thương mại song phương đang đến gần. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dường như chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Hiện các số liệu về thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đều giảm. Tại Mỹ, cả nông dân và người tiêu dùng đều đang chịu những ảnh hưởng của cuộc thương chiến, trong khi ở Trung Quốc, đầu tư và tăng trưởng kinh tế cùng giảm mạnh.

Trong khi đó, Mỹ lại vừa tiếp tục mở rộng căng thẳng bằng việc công bố danh sách đen một số doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Lý do được đưa ra là, các công ty trên có quan hệ với Chính phủ trong nỗ lực đầy tham vọng của Bắc Kinh, nhằm vượt qua Mỹ về công nghệ. Một số luồng ý kiến cho rằng, động thái này nhằm bóp nghẹt một ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc.

Bên cạnh cuộc chiến tranh thương mại, một số vấn đề chính trị cũng bị cho đang ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ này.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến rất gần, vấn đề Trung Quốc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ tiếp tục phải đối mặt với những bất đồng với phía Trung Quốc. Và dĩ nhiên, kết quả cuộc bầu cử sắp tới của Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai mối quan hệ song phương này.

Chiến thắng tốt đẹp nhất đối với Bắc Kinh

Một chiến thắng của cựu Phó Tổng thống Joe Biden có lẽ sẽ là kết quả tốt đẹp nhất đứng trên góc nhìn của Trung Quốc. Bởi vì, ông Biden là thành viên Đảng Dân chủ và chia sẻ quan điểm với các cựu Tổng thống Clinton và Obama, ủng hộ xu hướng tự do thương mại và hợp tác với Trung Quốc, hơn là xu hướng cạnh tranh, đối đầu với quốc gia này.

Ông Biden công khai phớt lờ những đe doạ từ sự trỗi dậy của Trung Quốc và đả kích quan điểm “Trung Quốc sẽ chiếm đoạt những lợi ích của Mỹ”. Đồng thời, ông Biden cũng công khai chỉ trích cuộc chiến tranh thương mại của Tổng thống Trump.

Chiến thắng của Ông Biden có thể sẽ đảo ngược, thậm chí chấm dứt các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Trong trường hợp đó, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể có niềm tin rằng, người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng các sản phẩm của họ, tạo động lực tăng cường đầu tư vào Mỹ, tạo cơ sở cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại. Thêm vào đó, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ được hưởng lợi do giá cả hàng hoá Trung Quốc sẽ quay trở lại mức giá thấp như trước đây. Và hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất Mỹ nhập khẩu nguyên liệu và thành phẩm từ Trung Quốc có thể thuận lợi hơn.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (trái), cựu Phó Tổng thống Joe Biden (giữa) và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren. (Nguồn: Getty Images)

Tuy nhiên, tình hình khó có thể quay trở lại như cũ. Các nhà sản xuất Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những chính sách của Tổng thống Trump, họ có lẽ sẽ không tiến hành các hoạt động đầu tư dài hạn nhắm đến thị trường Mỹ như trước. Các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc từng tiêu thụ nông sản Mỹ đã buộc phải đi tìm nguồn cung khác, chắc sẽ không sẵn lòng trả thêm tiền để quay lại với sản phẩm Mỹ.

Vì vậy, tình trạng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như những tác động tiêu cực đối với nông dân Mỹ có lẽ sẽ vẫn tồn tại, ngay cả khi ông Biden đắc cử Tổng thống.

Người tiếp tục cuộc chiến của Tổng thống Trump

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - một ứng cử viên Tổng thống với những quan điểm khác lạ. Mối quan tâm hàng đầu của ông này là tầng lớp lao động Mỹ. Ông Sanders đặc biệt lưu tâm đến những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, đối với nhóm này.

Vào tháng 5/2019, Ông Sanders đã chỉ trích ông Biden vì tư tưởng tự do thương mại với phía Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Sanders tuyên bố: “Nước Mỹ đã mất hơn 3 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, vì thế, thật là sai trái khi cho rằng, Trung Quốc không phải là một trong những đối thủ cạnh tranh kinh tế lớn nhất của Mỹ. Nếu đắc cử Tổng thống, chúng tôi sẽ đưa Mỹ thắng cuộc chiến này”.

Với tuyên bố trên, trong trường hợp đắc cử, ông Sanders sẽ tiếp tục cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump theo một hình thức nào đó. Tuy nhiên, nhận định này cũng có thể thay đổi, do trước đó, ông này đã bày tỏ sự ngưỡng mộ của cá nhân đối với những thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực giảm nghèo và xoá bỏ quan điểm Trung Quốc là một mối đe doạ đối với Mỹ.

Kết quả tồi tệ nhất đối với Trung Quốc

Trường hợp Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đắc cử tổng thống có lẽ là kết quả tồi tệ nhất đối với Chính phủ Trung Quốc. Bà Warren tiếp cận vấn đề thương mại theo hướng “kinh tế ái quốc”, trong đó bà nhấn mạnh hoạt động hỗ trợ không chỉ với tầng lớp công nhân của Mỹ, mà còn với cả các công ty xuất khẩu của nước này.

Tính hoài nghi của Thượng nghị Warren về tác động của quá trình tự do thương mại lên tầng lớp công nhân Mỹ đi ngược lại với quan điểm của ông Sanders. Tuy nhiên, kế hoạch của bà cũng nhấn mạnh các khoản đầu tư chính cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, kết cấu hạ tầng nhằm đảm bảo lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp Mỹ. Các chính sách này có hiệu quả hơn nhiều so với việc sử dụng các hàng rào thuế quan cứng, khiến các công ty xuất khẩu Trung Quốc chuyển các khoản đầu tư của họ sang các thị trường quốc tế khác.

Vì những đặc điểm này, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 có vẻ là bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ song phương Mỹ - Trung, với những bối cảnh hoàn toàn khác biệt.

(theo Bloomberg)