Lễ hội chọi trâu hấp dẫn du khách. Ảnh: T.L |
Ông Trần Thế Dũng, phó giám đốc công ty du lịch Thế hệ Trẻ, cho hay trong tháng giêng, đặc biệt từ nay đến rằm tháng giêng, mùa xuân ở vùng đông – tây bắc là mùa của lễ hội.
May sẽ gặp lễ hội
Du lịch phía Bắc, du khách đi lễ đền Trần (Nam Định) rồi bà chúa Kho..., khách được nghe quan họ Bắc Ninh (13.1 âm lịch), dự hội chùa Hương, chùa Bái Đính, lễ hội Yên Tử (10.1 âm lịch) và Cửa Ông (kéo dài từ 2.1 – 30.3 âm lịch, chính hội ngày 3.2 âm lịch)... Khách còn được xem lễ hội chọi trâu vẫn còn nguyên bản ở xã Hải Lưu, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) vào 16 – 17.1 âm lịch. Với chuyến dã ngoại một vòng cung Tây Bắc, các lễ hội của người dân tộc cũng kéo dài và rải rác khắp các bản. Ngày 10.1 âm lịch, với ý nghĩa như lễ tịch điền dưới xuôi, lễ hội lồng tồng (xuống đồng) ở Sa Pa, Bắc Hà của người Tày diễn ra đúng ngày rồng giờ rồng (9 – 10g).
Trước đó, lễ hội đầu xuân của người H’Mông (mùng ba đến mùng năm tết), người Dao hay các dân tộc Phù Lá, Lô Lô, Hà Nhì... đã tưng bừng khắp các cụm, thôn bản, du khách có thể bắt gặp nếu may mắn. Tiếp đến là lễ gầu tào của dân tộc H’Mông, tết nhảy của người Dao đỏ, lễ cấp chức sắc cho những chàng trai Dao đến tuổi trưởng thành... Cùng với phần lễ, các trò chơi mới thực sự cuốn hút người xem, điển hình như trò tung còn, đu tiên, bịt mắt bắt dê, đẩy cây, thi cấy lúa, thi kéo cày, chọi trâu, thi cưỡi ngựa bắn cung, hát khèn...
Đúng rằm tháng giêng, thành phố Lào Cai sẽ tổ chức lễ hội đền Thượng và đền Mẫu – nơi thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn – dự kiến sẽ thu hút rất đông du khách. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Luật, giám đốc công ty cổ phần du lịch và quảng cáo Phương Bắc, các dân tộc rất phong phú về lễ hội nhưng khó đáp ứng mong muốn của du khách. Lý do, các lễ hội thường nhỏ, co cụm trong các bản làng xa xôi, không phô trương, không có nội dung cụ thể, chính xác mà chỉ mang tính tự phát. Chẳng hạn, với lễ chọi trâu thì những người trong bản tự nhiên thách đấu là có thể tổ chức ngay lập tức; thi cưỡi ngựa bắn cung hôm nay chưa phân thắng bại thì kéo dài đến mai, ngày kia... Chính điều này làm giới lữ hành cũng bị động vì chỉ khi phát hiện có lễ hội, các công ty tour mới chèn thêm ngày lễ đó vào hành trình tour. Do vậy, tính linh hoạt của các tour Tây Bắc rất cao.
Tại miền Bắc, xu hướng khách vào Nam lễ chùa đầu năm cũng ngày càng đông. Hai địa danh nổi tiếng được khách thập phương biết đến là lễ hội Thiên hậu Thánh mẫu ở Bình Dương và núi Bà Đen ở Tây Ninh (đều nhằm ngày rằm tháng giêng).
Nên mua tour địa phương
Thông thường, những tour du xuân sau tết bao giờ cũng kết hợp với lễ hội. Các sản phẩm du lịch này vừa giúp khách tìm hiểu bản sắc văn hoá, vừa thoả mãn những người có nhu cầu tâm linh. Để tránh đông đúc, chật chội, các công ty lữ hành thường thiết kế tour tránh các ngày lễ chính, có thể đi trước hoặc sau. Ví như mùng sáu tết khai hội chùa Hương nhưng các tour thường khởi hành từ mùng bốn tết hoặc sang mùng tám, mùng mười, hội Yên Tử (Quảng Ninh) cũng vậy, giúp khách tránh bị chen lấn, xô đẩy, ồn ào, làm kẹt thời gian.
Riêng lễ hội quan họ Bắc Ninh, do thời gian và không gian rộng rãi hơn nên khách có thể đi vào chính hội. Đối với các lễ hội dân tộc, các công ty du lịch luôn cố gắng sắp xếp tour đúng chợ phiên dân tộc – nét sinh hoạt đặc sắc của người H’Mông, Dao đỏ... Ông Trần Thế Dũng tư vấn, du khách phương xa hành hương nên mua tour của địa phương đó. Chẳng hạn, muốn đi chùa Hương ra Hà Nội sẽ mua tour ngắn ngày để có hướng dẫn. Nếu khách tự đi cũng thú vị, nhưng nhiều khi không rành đường rất dễ bị lạc; hay đi một vài người không đủ chuyến đò, vừa đắt đỏ lại bị ghép với đò khác, không an toàn. Khách đi Yên Tử, bà Chúa Kho cũng vậy, nên mua tour ngắn ngày, sáng đi tối về.
Đối với khách đi lễ chùa phía Nam, giới lữ hành thường đặt phòng trước vài ba tháng và bố trí cho khách ngủ cách xa điểm đến, điển hình như vía Bà Châu Đốc khách có thể ngủ ở Long Xuyên (cách đó 60km) hoặc quá cảnh (sáng khởi hành châu Đốc, chiều viếng chùa sau đó ra Hà Tiên du lịch và ngủ nghỉ. Tại phía Bắc, do nhu cầu đi lễ đông, ông Nguyễn Công Hoan, phó giám đốc trung tâm lữ hành quốc tế HanoiRedtour nhận xét, năm nay xu hướng khách tự tổ chức đi lễ chùa đông hơn mọi năm.
Để khách không bị chặt chém trong những ngày đầu năm, nhiều công ty du lịch nhận tư vấn, thuê xe, phòng nghỉ cho khách chứ không tổ chức tour. Hiện vào những ngày lễ hội, xe khách rất căng thẳng, giá tăng khoảng 30 – 40% so với ngày thường, nhất là vào những ngày “đẹp”, ngày rằm hay ngày nghỉ.Theo Sài Gòn Tiếp Thị