Nền kinh tế Nhật Bản đang dần thoát khỏi suy thoái nhờ nhu cầu nội địa phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Tuy nhiên, các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc ngày càng gia tăng che mờ triển vọng của nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu và dấy lên lo ngại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể loại bỏ chương trình kích thích khổng lồ đối với nền kinh tế.
Ông Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: “Tiêu dùng sẽ tiếp tục củng cố tăng trưởng khi việc dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 thúc đẩy chi tiêu cho du lịch và dịch vụ, Nhưng sự phục hồi kinh tế sẽ vừa phải do nhu cầu nước ngoài yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu. Trong bối cảnh nhu cầu nội địa mạnh mẽ thì tình trạng xuất khẩu sẽ chậm lại".
Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản ngày 17/5 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang ở mức tăng trưởng 1,6% hằng năm trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3, vượt xa dự báo của thị trường trước đó là 0,7%, đánh dấu mức tăng đầu tiên trong 3 quý gần đây.
Quý I/2023, tiêu dùng tư nhân, chiếm hơn một nửa nền kinh tế, đã tăng 0,6% so với quý trước, khi đất nước này mở cửa trở lại sau đại dịch, góp phần thúc đẩy chi tiêu dịch vụ.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Shigeyuki Goto cho biết, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đạt mức kỷ lục 570,1 nghìn tỷ Yen (4,22 nghìn tỷ USD), một phần do giá cả tăng.
Tuy nhiên, ông Goto nhận định, sự thận trọng là cần thiết trong bối cảnh những thách thức, rủi ro đang nổi lên: “Chúng ta phải hết sức chú ý đến nền kinh tế toàn cầu, tác động từ thị trường tài chính và việc tăng lãi suất đối với nền kinh tế thực".
Nhu cầu trong nước mạnh đã bù đắp cho sự sụt giảm trong xuất khẩu, vốn đã giảm 4,2% trong tháng 1, kéo dài đến tháng 3, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 6 quý.
Ông Toru Suehiro, nhà kinh tế tại Daiwa Securities, cho biết: "Nhu cầu đối với hàng hóa trên toàn cầu giảm sút nên xuất khẩu yếu. Sản xuất công nghiệp cũng yếu, vì vậy, chúng tôi không thể kỳ vọng các nhà sản xuất sẽ hoạt động tốt trong thời gian tới".
Theo các nhà phân tích, chi phí nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, khiến lạm phát tiêu dùng của Nhật Bản vượt quá mục tiêu 2% của BoJ, có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng, trừ khi việc tăng lương được duy trì.