📞

Đưa cảm thụ nghệ thuật vào trường học

07:25 | 06/07/2015
Giáo dục nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người. Với những trăn trở của người từng đảm nhiệm nhiều công việc, vị trí trong hoạt động xã hội, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu sân khấu Trần Đình Ngôn có quan điểm mới trong lĩnh vực giảng dạy các môn nghệ thuật hiện nay.
TS. Trần Đình Ngôn.

Lý do nào khiến ông cho rằng cần phải cấp thiết đưa cảm thụ nghệ thuật vào chương trình giảng dạy trong nhà trường hiện nay?

Con người từ khi chào đời đến lúc xuôi tay luôn luôn trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp cận với nghệ thuật như: kiến trúc, âm nhạc, múa, sân khấu, văn học, tạo hình, điện ảnh, văn nghệ dân gian, hiện thêm loại hình có nghệ thuật như truyền hình... Thế nhưng, chúng ta lại chưa thực sự quan tâm đến việc trang bị cho con người những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật. Hậu quả là ngày hôm nay khi đất nước mở cửa và hội nhập với thế giới, người Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ đã không có đủ kiến thức, trình độ để phân biệt thế nào là hay là dở khi tiếp nhận các loại hình nghệ thuật bên ngoài du nhập vào.

Ngay cả những người đang làm công tác quản lý cũng thiếu sự hiểu biết dẫn đến hiểu lệch, hiểu sai, hiểu không đúng bản chất vấn đề. Sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật cùng một số yếu tố khác dẫn đến những chủ trương, hoạch định về văn hóa nghệ thuật nhiều khi dở khóc dở cười... Như thế đủ thấy tầm quan trọng của môn học này trong nhà trường.

Ông muốn đề cập những khiếm khuyết trên bình diện xã hội rộng lớn hơn?

Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy ngay, hiện nay nhiều người dân, thậm chí cả quan chức, công chức, đại gia... biểu hiện một trình độ thẩm mỹ khá thấp do không được trang bị kiến thức về thẩm mỹ. Khi thấy cái gì hay theo quan điểm, cách nhìn của họ là họ mua về, mang về, tìm cách phát huy nó... dẫn đến “thảm trạng” gọi là “thẩm mỹ Nghị Quế”. Thí dụ, nhà cửa, phố xá xây cất lôm nhôm cái cao cái thấp, cái thò ra cái thụt vào,… Kiến trúc thì đủ kiểu bắt chước phương Tây, giả cổ, lai căng giữa cổ và kim…

Trong những sinh hoạt, ứng xử xã hội, cộng đồng cũng bộc lộ vô vàn sự không có kiến thức thẩm mỹ. Chẳng hạn, phải phân biệt được thế nào là nhạc hay và nhạc không hay, phân biệt và hiểu được thế nào là một bức tranh đẹp có ý nghĩa, thế nào là một vở kịch một bộ phim hay, một vở ba-lê, một tiết mục múa hay, đẹp… Tất cả những điều đó đều có chung cái gốc là thiếu sự giáo dục hoàn chỉnh, hoàn thiện mà nên.

Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo nên những con người có kiến thức, có văn hóa, có thẩm mỹ, có một nhân cách tương đối hoàn thiện để bước vào đời… Tuy nhiên, ở Việt Nam, lâu nay người ta chỉ đào tạo ra những con người có một trình độ kiến thức nhất định nào đó, còn những mặt khác không được trang bị những điều cơ bản để làm một con người có tư duy khoa học, logic, có nhận thức thẩm mỹ tốt…

Theo ông, cách thức dạy về nghệ thuật trong nhà trường phải như thế nào?

Hệ thống giáo dục trong nhà trường hiện nay của ta chỉ dạy rất sơ sài và giáo điều về âm nhạc và hội họa... Tôi nghĩ rằng không thể chậm trễ hơn được nữa, phải nhanh chóng đưa giảng dạy cảm thụ nghệ thuật vào nhà trường. Vấn đề này không khó, không xáo trộn đến quy trình học. Chúng ta vẫn đang dạy cho học sinh hai môn là nhạc và vẽ. Chỉ cần sử dụng thời gian của học nhạc, vẽ vào dạy về nghệ thuật. Nguồn nhân lực thầy cô thì đang rất sẵn, đấy là trường Đại học Sư phạm Nhạc Họa Trung ương, ngoài ra còn nhiều hệ sư phạm khắp cả nước.

Chúng ta cần dạy cho các em biết thế nào là bức tranh đẹp, bản nhạc hay, điệu múa hay, vở diễn hay... chứ đừng dạy các em phải hát, vẽ. Hát và vẽ đòi hỏi năng khiếu, nhưng phổ cập hiểu biết cơ bản về nghệ thuật thì chắc chắn các em đều lĩnh hội được.

Được biết ngành sân khấu đã phối hợp với ngành giáo dục triển khai và thực hiện đề án Sân khấu học đường?

Đúng thế! Đề án Sân khấu học đường cũng là một tham vọng, một ước nguyện của những nhà sân khấu muốn đưa giáo dục về nghệ thuật sân khấu vào trong nhà trường, nhằm giúp các em hiểu được thế nào là một vở kịch, cái hay của nghệ thuật sân khấu và trẻ em tham gia làm diễn viên, đạo diễn… Đề án này được Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu thực hiện. Đề án đã đưa vào giảng dạy ở một số trường thí điểm nhưng hiệu quả khả thi không cao và những người hoạt động cũng không mặn mà với vấn đề này.

Tôi cho rằng, đừng bắt các em phải biết diễn sân khấu mà nên dạy các em hiểu về sân khấu thế nào... Hãy dạy cho trẻ em biết thưởng thức một vở diễn và phân biệt được hay, dở, biết được phần nào cái hay cái đẹp của nghệ thuật sân khấu chứ đừng dạy trẻ phải biết làm diễn viên, đạo diễn rồi diễn phong trào…

Hiện nay đã có cơ quan, tổ chức nào đề cập vấn đề này chưa?

Tôi cũng thấy lạ là cho đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức nào đề cập, bàn về vấn đề này. Hình như người ta quan tâm đến những cái gì cao siêu, lớn lao hơn, còn đào tạo một con người hoàn thiện có lẽ là đủ rồi chăng?

Vậy theo ông, những bước đi khởi đầu phải thế nào?

Tôi nghĩ nên tổ chức những hội thảo phối hợp với ngành giáo dục nhằm bàn thấu đáo vấn đề. Nơi có thể chủ trì hội thảo là Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.

Ông Trần Đình Ngôn là Tiến sĩ ngữ văn, nhà nghiên cứu sân khấu, đặc biệt chuyên sâu về lĩnh vực sân khấu Chèo và đã viết khoảng 200 vở Chèo.

Hòa Minh (thực hiện)