📞

Đưa chất đường phố vào khán phòng

17:30 | 28/04/2016
Sau nhiều năm “chinh chiến” trên các sàn đấu Hip-hop, nữ biên đạo người Pháp gốc Việt Anne Nguyễn đã quyết định sử dụng những điệu nhảy mạnh mẽ, phá cách của mình để xây dựng nên các vở múa. Cô mong ước một ngày nào đó, khoảng cách giữa các khán giả “đường phố” và “sân khấu” sẽ được thu hẹp…
Biên đạo người Pháp gốc Việt Anne Nguyễn. (Ảnh: Philippe Gramard)

Chị đã đến với Hip-hop và breakdance như thế nào?

Tôi bắt đầu nhảy breakdance từ năm 2000. Trước đó, tôi nghe nhạc Rap và cảm thấy mình rất hợp với văn hóa Hip-hop. Với Hip-hop, bạn có thể rap, có thể nhảy, có thể vẽ graffiti (tranh tường)… nhưng tất cả đều muốn mình trở nên độc đáo và khác biệt. Đó chính là điều tôi thích nhất ở văn hóa này. Các vũ công Hip-hop cũng tạo thành một cộng đồng lớn trên thế giới. Đi bất cứ nơi đâu, bạn cũng sẽ tìm thấy những người có cùng đam mê với mình và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm nhảy.

Năm 2005, tôi thành lập Đoàn nghệ thuật Terre. Mục đích của tôi khi đó là kết hợp những điệu nhảy breakdance với múa đương đại để có những màn biểu diễn ấn tượng, phá cách và hơn hết là xây dựng những phần biểu diễn có nội dung cụ thể.

Anne Nguyễn là một trong những vũ công hip-hop hàng đầu của Pháp và được đánh giá cao trên đấu trường quốc tế. Cô từng giành chức vô địch của giải IBE 2004 và Battle Of The Year (giải đấu Hip-hop lớn nhất thế giới) 2005 ở thể loại breakdance. Cô là giám khảo của Battle Of The Year 2006 và Redbull BC One 2007. Anne Nguyễn cũng góp mặt trong bộ phim tài liệu về các vũ công Hip-hop Planet B-Boy (2007).

Con đường từ một dancer đường phố đến một biên đạo múa có vẻ rất dài và gian nan?

Thực sự thì tôi không có chủ ý sẽ trở thành biên đạo múa. Đơn giản là tôi nhận thấy mình phải thay đổi bản thân sau một thời gian dài tham gia vào những trận chiến (battle) breakdance đường phố và biểu diễn theo sự dàn dựng của những biên đạo khác.

Tôi mơ tới một ngày mình có thể kéo khán giả đường phố và khán giả khán phòng cùng ngồi lại với nhau để thưởng thức các vở diễn. Tuy nhiên, nhiều vũ công Hip-hop vẫn cho rằng việc biểu diễn trên sân khấu hay trong khán phòng khiến cho họ không thể hiện được hết cá tính và làm hỏng các điệu nhảy. Tôi rất hiểu điều này và xem đây như một thử thách mà mình phải vượt qua để có những vở múa sôi động, đậm chất kỹ thuật nhưng cũng không kém phần ý nghĩa trên sân khấu.

Được biết, chị là quán quân của cuộc thi Biên đạo trẻ Tài năng SACD năm 2013. Chị muốn nói gì về giải thưởng này?

Đó là phần thưởng tuyệt vời cho những nỗ lực của tôi trong việc pha trộn giữa Hip-hop và múa đương đại. Năm 2015, tôi cũng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp trao Huân chương Hiệp sĩ vì có những đóng góp đáng kể vào việc làm phong phú thêm văn hóa Pháp.

Nhưng bạn biết đấy, trong sự nghiệp của mỗi người, ai cũng có những dấu mốc trọng đại, những giải thưởng và những nốt thăng trầm. Đối với tôi, mọi giải thưởng đều rất đáng quý. Song, điều mà tôi trân trọng hơn cả là những giây phút cháy hết mình trên sân khấu cùng các bạn đồng nghiệp.

Trong ba buổi trình diễn tại Huế, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội sắp tới, chị sẽ biểu diễn vở múa mang tên Autarcie (….). Xin chị cho biết thêm về tác phẩm này?

Autarcie (….) được Đoàn nghệ thuật Terre cho ra mắt vào năm 2013 và là một trong những tác phẩm thành công nhất của tôi. Vở diễn kéo dài 50 phút này mô phỏng một cuộc đấu trí của bốn chiến binh trong một bộ tộc. Ai cũng muốn thể hiện sự khôn ngoan và sức mạnh của mình. Trên nền trống sôi động, các vũ công của tôi sẽ sử dụng những kỹ thuật nhảy breaking, popping hay waacking của Hip-hop để kể chuyện cho khán giả.

Ban đầu, tôi cũng là vũ công biểu diễn trong Autarcie (….). Thế nhưng việc nhảy và dàn dựng cùng lúc chẳng dễ một chút nào. Thời điểm ấy, tôi quay cuồng với việc tập luyện và dàn dựng Autarcie đến nỗi chẳng có thời gian đến xem chính những buổi biểu diễn của Terre. Cuối cùng, tôi quyết định tìm một vũ công thay thế cho vị trí của mình. Đó là một quyết định rất chính xác. Đứng bên ngoài vở múa, tôi có thể quan sát nó một cách bao quát, đưa những thay đổi vũ đạo để nó trở nên hấp dẫn hơn. 

Anne Nguyễn sẽ giới thiệu tới khán giả vở múa Autarcie tại sân khấu Đông Điện Thái Hòa, Huế vào ngày 2/5 (nằm trong khuôn khổ festival Huế 2016), ngày 4/5 tại Nhà hát Bến Thành, TP. Hồ Chí Minh và ngày 6/5 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội. Trong khuôn khổ buổi biểu diễn tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp - lEspace sẽ tổ chức buổi workshop giữa Anne Nguyễn và các bạn trẻ Việt Nam đam mê Hip-hop vào ngày 5/5.

Trước Việt Nam, chị đã đưa Autarcie (….) đến trình diễn ở những nước nào? Phản hồi của họ về vở múa này ?

Chúng tôi đã biểu diễn Autarcie (….) ở rất nhiều nước châu Âu như: Thụy Điển, Đức, Hà Lan… và nhận được phản hồi tích cực từ phía khán giả. Trong những chuyến lưu diễn nước ngoài của chúng tôi, rất nhiều khán giả đã đến xem bởi họ tò mò về việc Hip-hop được đưa lên sân khấu sẽ ra sao. Thậm chí, với nhiều vũ công Hip-hop, đó là lần đầu tiên họ có cơ hội được xem những điệu nhảy mà mình quen thuộc được dàn dựng, sắp xếp để trở thành một vở diễn có nội dung.

Múa đương đại là loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Khi nhận lời mời biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ và Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội- lEspace, chị có lo ngại rằng những buổi biểu diễn của mình sẽ vắng khán giả không?

Không, tôi chẳng hề lo về vấn đề khán giả của những buổi diễn sắp tới. Hip-hop nói chung và Breakdance nói riêng luôn đem đến những cảm xúc mãnh liệt. Chúng tôi tin mình có thể chuyển tải thành công những cảm xúc ấy cho người xem. Tôi biết, sau những giờ tập luyện để chuẩn bị cho các vở diễn, các vũ công của tôi vẫn thường xuyên tham gia vào các trận đấu đường phố. Nhiệm vụ của tôi là cách tân những động tác thi đấu của họ và đem phong cách đường phố lên sân khấu. Sự kết hợp giữa sân khấu và đường phố sẽ tạo nên tính độc đáo, thu hút khán giả đến với chúng tôi.

Một cảnh trong vở múa Autarcie (….). (Ảnh: Jean Barak)

Chị kỳ vọng gì vào chuyến lưu diễn sắp tới tại Việt Nam?

Ông bà nội và bố tôi là người Việt Nam. Dù vậy, chuyến lưu diễn sắp tới là lần đầu tiên tôi về quê nội. Những gì tôi sắp thấy khi tới Việt Nam chắc chắn sẽ khác xa so với những câu chuyện ông bà tôi đã kể. Giống như nhiều người Việt sinh ra và lớn lên ở Pháp, tôi cũng có băn khoăn về quê hương của mình. Những người châu Á ở Pháp không cho rằng tôi có chung gốc gác với họ. Vì thế, khi trở về Việt Nam lần này, tôi sẽ chờ xem mọi người cùng suy nghĩ như vậy hay không.

Trước buổi biểu diễn tại Hà Nội, chị sẽ có một buổi workshop với các bạn trẻ Việt Nam đam mê Hip -hop. Chị sẽ dành lời khuyên gì cho họ?

Văn hóa Hip-hop đề cao sự sáng tạo và luôn khuyến khích các nghệ sĩ vượt ra ngoài những giới hạn để thể hiện mình. Vì thế, tôi muốn các vũ công trẻ nâng tầm các điệu nhảy thay vì trình diễn các động tác breaking, popping… thường thấy. Tất nhiên, chẳng có thành công nào là dễ dàng. Mọi người đều phải tập luyện rất chăm chỉ để trở thành nghệ sĩ hay vũ công chuyên nghiệp. Tôi đã từng tập luyện tới sáu tiếng mỗi ngày để có thể đạt tới trình độ mà mình mong muốn. Giờ đây, khi trở thành một biên đạo, tôi còn phải học và tập luyện nhiều hơn nữa. Tôi cũng sẽ tư vấn cho các bạn trẻ cách chăm sóc cơ thể của họ: giãn cơ, ăn uống lành mạnh, uống nhiều nước, tránh lạm dụng thuốc… để việc tập luyện đạt kết quả tốt và có những động tác đẹp mắt.

Xin cảm ơn chị!