“Màn trình diễn trên cả tuyệt vời”, “một trong những buổi biểu diễn ấn tượng nhất mà tôi từng xem”, “tôi muốn đến đất nước các bạn để tìm hiểu thêm về nghi lễ này”… là những lời trầm trồ của khán giả Ấn Độ khi xem màn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ do các nghệ nhân, thanh đồng Việt Nam thể hiện tại Sân khấu Hội trường Viện Truyền thông đại chúng Ấn Độ (IIMC) tối ngày 10/12.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu tại buổi biểu diễn.
Trong 1,5 tiếng đồng hồ, đoàn gồm 15 nghệ nhân và thanh đồng đã làm nổi bật nghi thức Hầu đồng với Cung văn, những nét đặc sắc của khăn chầu, áo ngự và các giá hầu Thánh nam (từ hàng Quan đến hàng Ông Hoàng, hàng Cậu) và Thánh nữ (từ hàng Chầu tới hàng Cô).
Đối với hơn 300 khán giả gồm những người bạn Ấn Độ và quốc tế, hình thức hầu đồng - nghi lễ chính, điển hình nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ vô cùng mới lạ và độc đáo. Nói như bà Sonal Mansingh, nghệ sĩ múa kỳ cựu của Ấn Độ, Ấn Độ có nhiều hình thức tín ngưỡng với các cách thể hiện khác nhau song bà vẫn thấy sự đặc biệt trong cách thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt.
Dù chưa tìm hiểu kỹ loại hình tín ngưỡng này nhưng bà Sonal tin rằng đây thực sự là một vốn quý của Việt Nam khi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của toàn nhân loại.
Bà Tanushree, nghệ sỹ của đoàn múa Ấn Độ đánh giá các tiết mục của Việt Nam “rất đẹp, tinh tế và mang lại niềm vui cho tất cả mọi người”. Theo bà, các điệu múa là nhân tố quan trọng nhất trong bất kỳ nền văn hóa của bất cứ đất nước nào và chính những điệu múa đã đưa mọi người xích lại gần nhau hơn.
Còn đối với anh Verma, doanh nghiệp Ấn Độ, chương trình lôi cuốn anh từ ngay phần mở màn. Hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp âm nhạc mang tính tâm linh với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm khiến anh “không thể rời mắt khỏi sân khấu, dù chỉ một giây”. Anh mong muốn có thêm nhiều biểu diễn tương tự như vậy với công chúng Ấn Độ.
Tương tự như vậy, anh Sompong Khounthavixay, cán bộ ngoại giao Đại sứ quán Lào tại New Delhi, chia sẻ đây là “một sự kiện tuyệt vời với màn trình diễn đáng kinh ngạc”. Là người từng có thời gian học tập tại Việt Nam, gắn bó với văn hóa Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên anh trực tiếp thưởng thức “đặc sản” văn hóa tín ngưỡng này của Việt Nam.
Đặc biệt, trong chương trình không chỉ giới thiệu nét đẹp của nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam mà cả tinh hoa của tín ngưỡng Ấn Độ qua các điệu múa cổ truyền như Kathak, Bharatnatyam, Dashavatar… Đây là lý do mà như bà Tanushree nói, chương trình này “thực sự là một cuộc hội ngộ của những nghệ sỹ tài năng đại diện cho văn hóa Nam Á và Đông Nam Á".
Chương trình giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt với công chúng Ấn Độ do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với Viện Báo chí và Truyền thông Xã hội, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi tổ chức.
PetroVietnam đã trở thành tập đoàn kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, làm chủ các công nghệ thăm dò, khai thác tiên tiến nhất ...
Tuyến đường bao biển nối Hạ Long và Cẩm Phả (Quảng Ninh) được đánh giá là một tuyến đường ven biển đẹp nhất Việt Nam bởi có sự kết hợp của núi và biển.
Baoquocte.vn. Hào hoa, thanh lịch là nét văn hóa ứng xử có tính chuẩn mực của người Hà Nội xưa và nay, trở thành một thương hiệu riêng của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Thừa Thiên Huế đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO cho 'Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế'.
Báo Văn hoá tổ chức Hội thảo 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi'.