Thực hành chuyên nghiệp
Vào những năm 2000, NSND Trần Minh đã trở thành người đi tiên phong khi ông cách điệu và dàn dựng tiết mục 3 giá đồng cho sân khấu chèo và được NSƯT Vân Quyền biểu diễn khá thành công. Tuy nhiên, thời lượng của chương trình chỉ kéo dài hơn 10 phút. Đến tháng 3/2011, buổi biểu diễn “Tâm linh Việt” do đoàn kịch 3 Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, đạo diễn NSND Lan Hương thực hành nghi lễ này trên sân khấu với thời lượng 60 phút.
Gần đây, những hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu được giới nghiên cứu cũng như công chúng quan tâm nhiều hơn. Nhiều sự kiện thường niên và quy mô như Liên hoan Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, cùng những hoạt động giao lưu Liên hoan Nghi lễ Lên đồng tại các nước như Pháp, Hàn Quốc hay những Chương trình “Chầu văn - nghi thức thờ Mẫu trong các giá đồng” thường xuyên tại Heritage Space (Hà Nội) của NSƯT Văn Ty được tiến hành… Đó chính là những cố gắng để đưa Nghi lễ Lên đồng lên sân khấu chuyên nghiệp.
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh: “Nghi thức Lên đồng vốn nằm trong sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng nên có môi trường ở cộng đồng. Vì vậy, để thực hành nghi thức này trên sân khấu là một việc rất khó. Trong nghi lễ này, người tham dự bị cuốn hút chủ yếu từ sức nặng tâm linh, chứ không hẳn bởi độ tinh tế của trình diễn. Bởi thế, để đưa cái “thần” của diễn xướng trong Nghi lễ Lên đồng lên sân khấu phải làm sao thể hiện được tối đa những giá trị này, nếu không sẽ chỉ là sự mô phỏng, bắt chước”.
Để đạo mẫu thành di sản thế giới
Mới đây, Nghi lễ Lên đồng được đánh dấu bởi chương trình “Tứ Phủ” của Đạo diễn Nguyễn Việt Tú do Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Viet Theatre phối hợp tổ chức vào ngày 18/2 tại rạp Công Nhân (Hà Nội). Chương trình được thực hành với 3 giá đồng, kéo dài khoảng 45 phút.
Khoảng 500 chỗ ngồi của rạp đã không còn chỗ trống. Đáng chú ý là chương trình có sự hiện diện của bà Katherine Muller-Marin, nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, cùng đông đảo đại diện đoàn ngoại giao tới dự. Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO cho biết: “Đạo Mẫu có những thăng trầm nhất định, vì vậy chúng tôi muốn đưa đạo Mẫu trong đó có Tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) của người Việt trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đạo Mẫu là đạo thuần Việt, là tín ngưỡng mang tính bản địa rõ nét, hoàn toàn không phải du nhập từ bên ngoài như Phật giáo, Nho giáo hay Thiên Chúa giáo... Mẫu hiểu nôm là thờ chính mẹ chúng ta. Mẫu cũng là bốn vị thánh Mẫu cai quản thiên nhiên. Đó là thờ trời (Mẫu Thiên), thờ đất (Mẫu Địa), miền nước (Mẫu Thoải) và miền núi rừng (Mẫu Thượng Ngàn). Như vậy, tổ tiên ta đã đi xa hơn mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, vì đã xác nhận rằng chúng ta cần bảo vệ môi trường, chúng ta cần quan tâm đến bình đẳng giới”.
Trong buổi diễn Tứ Phủ, bên cạnh sự thực hành của Thanh đồng, đạo diễn đã sử dụng hình ảnh video, miêu tả những hình ảnh theo tích của Thánh nhân. Ví như trong Giá đồng “Cô bé Thượng ngàn”, thanh đồng vào vai Cô bé thượng ngàn. Cô vui tươi nhí nhảnh hát ca, trên phông hình là những dãy núi bao la, với những cánh chim bay hiện ra trước mắt thiên nhiên đẹp, thánh nhân hiện hữu và gần gũi. Tuy nhiên, khi thực hành Nghi lễ Lên đồng tại các đền, phủ, sức mạnh của tâm linh và cái thần trong diễn xướng được thể hiện rõ hơn.
Phát biểu tại buổi diễn, bà Katherine Muller-Marin đánh giá: “Giá trị và tầm quan trọng của các Thánh Mẫu là động lực để chúng ta nỗ lực hướng tới bình đẳng giới. Truyền thống tư duy tiến bộ từ hàng nghìn năm trước này đồng thời là lòng tự hào dân tộc thể hiện sự thông thái thắm đượm truyền thống văn hóa của dân tộc Việt...”.
Trước đó, ngày 28/3/2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã đệ trình lên UNESCO hồ sơ "Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12/2016, tại kỳ họp thứ 11 của Ủy ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể 2003 (Công ước 2003) được tổ chức tại Ethiopia.
Tiếp theo buổi diễn Tứ Phủ, ngày 26/2 tới, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục mời Đoàn ngoại giao đến Nam Định để thưởng thức Nghi lễ Lên đồng tại Phủ Giầy - sinh hoạt Nghi lễ Lên Đồng tại cộng đồng. Đây là một phần nỗ lực để xây dựng sự đồng thuận trong nước và quốc tế để “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam” trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.