Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tại buổi họp báo công bố đề xuất mô hình nghĩa vụ quân sự mới ở Đức, ngày 12/6. (Nguồn: AFP) |
Ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã đề xuất mô hình nghĩa vụ quân sự mới. Đề xuất này được đưa ra sau 13 năm Đức đình chỉ mô hình nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Tăng khả năng phòng thủ
Bộ trưởng Quốc phòng Đức lý giải rằng lực lượng vũ trang Đức (Bundeswehr) phải ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự phương Tây.
Dường như xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy Đức thực hiện cách tiếp cận phòng thủ mạnh mẽ hơn nhiều. Trong thời gian gần đây, Đức đầu tư mạnh vào các lực lượng vũ trang và chuẩn bị cho kế hoạch triển khai một lữ đoàn thiết giáp ở Lithuania - đợt triển khai thường trực ở nước ngoài đầu tiên kể từ sau Thế chiến II.
Theo các quan chức Bộ Quốc phòng Đức, mô hình nghĩa vụ quân sự mới của ông Pistorius, vốn dựa trên phần lớn hệ thống của Thụy Điển, là một “hình thức nghĩa vụ quân sự có chọn lọc dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhưng có chứa các yếu tố bắt buộc nếu cần thiết”.
Tài liệu được công bố về mô hình mới này cho biết, nam giới từ 18 tuổi sẽ được yêu cầu điền vào một biểu mẫu thông tin về sự sẵn lòng và khả năng phục vụ trong quân đội. Sau đó, nếu được chọn, họ sẽ phải trải qua kiểm tra y tế.
Mô hình mới này bao gồm nghĩa vụ quân sự cơ bản kéo dài 6 tháng và có thể lựa chọn nghĩa vụ quân sự tự nguyện bổ sung thêm tối đa 17 tháng.
Nghị sĩ Johannes Arlt thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đánh giá đây là "một sáng kiến chính trị rất sáng suốt, bởi nước Đức cần có thời gian để tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ đất nước và cũng để đóng góp vào thế trận phòng thủ chung của NATO".
Trong khi đó, các chính trị gia đối lập bày tỏ sự thất vọng với đề xuất này. Bà Serap Guler, người phát ngôn về quốc phòng của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), nêu ý kiến: “Xét đến việc Bộ trưởng (Boris Pistorius) đã nói về việc (tái giới thiệu) nghĩa vụ quân sự trong 9 tháng, kế hoạch này khá mong manh và mơ hồ”.
Kế hoạch đầy tham vọng
Kể từ khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel hủy bỏ dự thảo nghĩa vụ quân sự vào năm 2011, Bundeswehr đã phải vật lộn để khắc phục tình trạng thiếu quân dai dẳng.
Quân đội Đức. (Nguồn: AP) |
Hiện chính phủ Đức đã lên kế hoạch tăng quy mô quân đội từ 182.000 quân lên 203.000 quân vào năm 2031. Nhưng các quan chức quân sự tin rằng họ cần tới 460.000 quân để bảo vệ nước Đức trong trường hợp bị tấn công.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius, kế hoạch của ông sẽ dẫn tới việc tuyển dụng 200.000 quân dự bị, bên cạnh con số 60.000 quân mà Bundeswehr hiện có.
Trong số 400.000 thanh niên từ 18 tuổi sẽ được Bundeswehr tiếp cận theo kế hoạch hằng năm, ông Pistorius ước tính khoảng 1/4 có thể sẽ bày tỏ sự quan tâm đến nghĩa vụ phục vụ trong quân đội. Trong số này, 40.000-50.000 sẽ được mời khám sức khỏe.
“Chúng tôi sẽ chọn ra những người có động lực nhất, khỏe mạnh nhất và phù hợp nhất”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Pistorius cũng lưu ý rằng Bundeswehr chỉ có khả năng đào tạo thêm 5.000 tân binh mỗi năm, mặc dù con số đó sẽ tăng lên trong những năm tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Pistorius nhận định, các lực lượng vũ trang đã thu hẹp đáng kể kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, dẫn đến việc dỡ bỏ các doanh trại, kho chứa đạn dược cũng như cơ sở quân sự trên quy mô lớn.
Những người đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ phải trải qua 6 tháng đào tạo cơ bản và có thể kéo dài lên tổng cộng 23 tháng phục vụ. Những người được tuyển dụng sau đó sẽ trở thành một phần của lực lượng dự bị, với nghĩa vụ phải trải qua khóa đào tạo hàng năm.
Mô hình mới đầy tham vọng của ông Pistorius, bao gồm cả kế hoạch đưa trở lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các chỉ huy quân sự, những người lo ngại về lực lượng thanh niên yếu ớt, chưa qua đào tạo và các chính trị gia cánh tả trong đảng SPD của ông Pistorius - những người cảm thấy không thoải mái về sự tập trung vào quân sự của Đức trong thời gian gần đây.
Trước đó hồi tháng 5, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (thuộc đảng SPD giống như Bộ trưởng Pistorius) đã phát biểu rằng kế hoạch quay trở lại nghĩa vụ quân sự là “không thể thực hiện được” .
Do đó, Bộ Quốc phòng Đức đã chuyển sang mô hình nghĩa vụ kết hợp mới, không liên quan đến nghĩa vụ bắt buộc đại chà mà thay vào đó nhằm mục đích khuyến khích sự tham gia tự nguyện nhiều hơn. Ông Pistorius cho biết rất muốn học hỏi các loại mô hình nghĩa vụ quốc gia được sử dụng ở nhiều nước Scandinavia.
Với mô hình này, Bundeswehr được kỳ vọng sẽ cải thiện khả năng tuyển dụng bằng cách xác định các ứng viên tiềm năng và khuyến khích đăng ký, thông qua một loạt các ưu đãi và cơ hội đào tạo, trong các lĩnh vực quan trọng vốn đang rất thiếu nhân lực như an ninh mạng và y khoa.