Diễn tập nhằm đánh giá năng lực của các bên liên quan trong việc phòng ngừa và ứng phó với thiên tai. (Nguồn: GIZ) |
Mục tiêu của các buổi diễn tập là đánh giá cơ chế phối hợp của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp thành phố và cấp phường cũng như năng lực của người dân địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là bão lũ.
Các cuộc diễn tập có sự tham gia của khoảng 1.300 người dân địa phương, cán bộ chính quyền và các tình nguyện viên. Những người tham gia ứng phó với một kịch bản thiên tai được xây dựng từ kinh nghiệm của các lần thiên tai xảy ra trước đây tại địa phương. Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án Thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam, thích ứng với biến đổi khí hậu – Hợp phần Quản lý rủi ro thiên tai, do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ và ủy nhiệm cho GIZ và GRC cùng thực hiện trong 18 tháng.
Tại Việt Nam, các thành phố duyên hải như Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) và Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan và mực nước biển dâng. Đa số các thành phố đều chưa được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với lũ do sông, biển và mưa. Kết quả là các cộng đồng dân cư buộc phải thích nghi với tần suất rủi ro về lũ cao hơn, các trận lũ lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gây ra các thiệt hại và mất mát, trừ khi phải triển khai thực hiện được các chiến lược thích ứng và giảm thiểu rủi ro tại tất cả các cấp và các ngành.
Vì thế, năng lực của các cấp chính quyền và người dân về phòng ngừa và ứng phó khẩn cấp với thiên tai sẽ được tăng cường thông qua các hoạt động của Dự án như xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, lập bản đồ rủi ro thiên tai, tổ chức tập huấn, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về các việc cần phải làm trước, trong và sau thiên tai.
Trong hai buổi diễn tập đầu tiên tại phường Phú Đông (Tuy Hòa) và phường Hải Cảng (Quy Nhơn), người dân thực hiện gia cố, chằng chống nhà cửa, cất giữ tài liệu quan trọng và tài sản quý giá ở nơi an toàn, trữ nước uống, lương thực thực phẩm và di dời có trật tự theo chỉ dẫn. Đồng thời, Đội ứng phó khẩn cấp thực hiện cứu nạn và sơ cấp cứu. Buổi diễn tập kết thúc với phần đánh giá thiệt hại và nhu cầu, tổ chức cứu trợ do các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của phường thực hiện. Sau đó, đội ứng phó khẩn cấp hỗ trợ người dân trở về nhà an toàn.
Đánh giá về buổi diễn tập, ông Jerome Faucet, Điều phối viên Chương trình Giảm thiểu rủi ro thiên tai/Thích ứng với biến đổi khí hậu của GRC cho biết: “Buổi diễn tập đã cụ thể hóa các kiến thức thu thập được trong quá trình thực hiện Dự án. Đây là cách duy nhất thực sự đánh giá được năng lực của các bên liên quan trong việc phòng ngừa và ứng phó với thiên tai. Sự tham gia của người dân là hết sức cần thiết bởi vì giảm thiểu rủi ro thiên tai không chỉ là trách nhiệm của riêng chính quyền hay Hội Chữ thập đỏ mà là của mọi người”.
Vinh Hà