📞

Đức 'ra tay' giúp doanh nghiệp nhập khẩu khí đốt

Việt An 11:19 | 05/08/2022
Ngày 4/8, chính phủ Đức thông báo đã nhất trí thu phụ phí sử dụng khí đốt từ tháng 10, coi đây là biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng cho những tháng mùa Đông sắp tới.
Chính phủ Đức nhất trí thu phụ phí khí đốt. Hình ảnh một trạm kết nối với đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. (Nguồn: AP)

Chính phủ Đức đã thông qua sắc lệnh thu phụ phí khí đốt nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của các công ty kinh doanh khí đốt cũng như đảm bảo duy trì nguồn cung khí đốt cho người dân và nền kinh tế.

Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck nhấn mạnh, việc thu phụ phí khí đốt không phải là quyết định dễ dàng, song là cần thiết để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các hộ gia đình cũng như cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Sắc lệnh nêu trên sẽ được chuyển lên Quốc hội để lấy ý kiến và sau đó sẽ được công bố trên Công báo liên bang. Quy định này dự kiến có hiệu lực vào giữa tháng 8 và bắt đầu triển khai từ 1/10 tới. Thời hạn hiệu lực của quy định kéo dài tới ngày 1/4/2024.

Với khoản phụ phí thu được, các công ty nhập khẩu khí đốt của Đức có thể bớt gánh nặng trong việc chuyển sang mua khí đốt từ các nguồn khác.

Theo Bộ trưởng Habeck, các nhà nhập khẩu khí đốt sẽ vẫn tự chịu mọi chi phí cho việc mua nguồn năng lượng thay thế cho đến tháng 10 và sau thời điểm này, gánh nặng sẽ được san sẻ cho người tiêu dùng.

Theo đó, các nhà nhập khẩu vẫn phải chịu 10% chi phí trong khoảng thời gian áp thuế, đồng nghĩa khách hàng có thể phải chịu 90% chi phí phụ trội còn lại.

Hiện tại, chưa rõ mức phụ phí sẽ được tính như thế nào với các khách hàng có hợp đồng giá cố định. Dự kiến con số cụ thể sẽ được công bố vào ngày 15/8 tới.

Trước đó, Bộ trưởng Habeck cho biết mức phụ phí có thể từ 1,5 đến 5 Cent/Kilowatt giờ. Như vậy, các hộ gia đình có thể tốn phí thêm từ vài trăm đến 1.000 Euro/năm.

Hiện các công ty nhập khẩu khí đốt ở Đức đang chịu sức ép đáng kể do nguồn cung từ Nga bị cắt giảm. Để bù vào lượng thiếu hụt, các công ty đang phải tìm cách nhập khẩu từ các nguồn thay thế với giá cả đắt hơn gấp nhiều lần.

(theo DW)