Và rồi tôi cũng nhận được những lời chia sẻ nặng ân tình về nguồn cội Việt trong bà, cùng những thách thức, áp lực khi đồng hành với “người làm công việc khó nhất thế giới”...
Thuyết phục nữ cố vấn người Mỹ gốc Việt hóa ra không quá khó như tôi tưởng. Bà thậm chí đồng ý tiếp chuyện ở ngay email thứ 2, và mỗi lần gửi email, bà đều không quên lưu ý về những gì bà có thể đáp ứng thêm để công việc của tôi đạt được mức tốt nhất có thể. “Tôi hy vọng câu trả lời đủ rồi. Tuy nhiên, tôi có thể làm rõ hơn những câu trả lời hoặc cung cấp thêm ảnh, tùy thuộc vào những gì bạn muốn xoáy vào” - bà viết cho tôi. Phần nào đó, tôi có thể hình dung ra tác phong và thái độ làm việc của nữ cố vấn qua những dòng chữ đầy nhũn nhặn đó.
Nữ cố vấn cùng chồng con chụp ảnh kỷ niệm với Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: T.G) |
Sự bất tiện có chăng là công đoạn tìm kiếm liên hệ và chờ đợi email trả lời trong mấy tháng liền, kể từ lúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 dần lọc ra hai ứng cử viên cuối cùng, cho đến khi biết được người thắng cuộc. Về sau này tôi mới biết đấy chính là khoảng thời gian bà sinh thêm em bé thứ hai và cùng đó, là quyết định rời Nhà Trắng.
Chuẩn bị kỹ để thành công
Tuy nhiên, quyết định trên không bị tác động từ cuộc bầu chọn Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. “Công việc của tôi trước giờ vốn không phụ thuộc vào việc ai được bầu làm Tổng thống Mỹ. Thường thì vị trí của tôi tại Nhà Trắng kéo dài một năm, nhưng vừa qua đã kéo dài tới hơn hai năm rưỡi, gần bằng tuổi con trai lớn của tôi, William. Khi em trai của William chào đời, tôi đã quyết định rời Nhà Trắng và trở lại làm việc tại Bộ Quốc phòng, tiếp tục sự nghiệp lập pháp của mình cho chính phủ Mỹ. Cân bằng giữa công việc và gia đình cực kỳ quan trọng. Dù tôi may mắn có được người bạn đời sẵn sàng thay tôi đảm nhận phần lớn việc nhà (do anh ấy là luật sư và có thời gian biểu linh hoạt hơn), nhưng đã đến lúc tôi tự thấy, mình cần dành thời gian nhiều hơn cho gia đình - một quyết định không dễ dàng nhưng đúng đắn...”.
Trước khi bước vào Nhà Trắng, bà Phù từng là đại diện nữ hiếm hoi, trẻ nhất trong bộ máy nhân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ. Cơ hội hiếm có ấy thật ra không phải được nắm bắt bởi một phụ nữ có tham vọng trở thành chính khách mà phần nào đó do cơ duyên đưa đẩy, “nghề chọn người”.
“Tôi gia nhập Bộ Quốc phòng ngay sau khi tốt nghiệp ĐH và tham gia một khóa tu nghiệp tại học viện quân sự, thông qua chương trình Presidential Management Fellow. Tuy nhiên, phải nói thật là hiểu biết của tôi về quân đội hay chính quyền liên bang đều hạn chế, nên trong suốt 16 năm qua, tôi đã phải dành rất nhiều thời gian để cải tạo và bù đắp cho sự thiếu hụt đó...”, nữ cố vấn khiêm nhường nói, đồng thời nhấn mạnh mình không phải là chính khách, cũng như chưa từng có ý định trở thành, trong một kế hoạch được vạch sẵn. “Hồi nhỏ, ước mơ của tôi từng là... trở thành bác sĩ cho đội bóng yêu thích của tôi, Los Angeles Lakers”. Thành công có được, theo bà, ngoài cơ duyên còn là: “Tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng, do học được từ cha mẹ tôi ý thức phấn đấu không ngừng nghỉ - cách duy nhất để không phải dựa dẫm, xin xỏ ai, hay để mình phải lệ thuộc quá mức vào sự ăn may...”.
Bà Phù nói rằng hiện nay bà không còn làm tại Nhà Trắng nên sẽ ít chịu tác động từ phong cách làm việc của Tổng thống mới đắc cử. “Tuy nhiên, với bất kỳ công việc nào và bất kỳ sếp nào, bạn đều cần biết thích nghi. Sự phân tích và lời tư vấn bạn đưa ra không nên thay đổi, nhưng bạn cần học cách làm thế nào để truyền tải điều đó một cách hiệu quả...” - Nữ cố vấn từng làm việc qua hai nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ cho biết kinh nghiệm để thích nghi với môi trường làm việc mới, hoặc sếp mới.
Bà Elizabeth Phù và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Dù đã rời tòa Bạch ốc, nhưng nữ cố vấn cho biết những gì bà nhận được từ đó sẽ còn có ích cho những quyết định sau này. “Bạn sẽ không thể hình dung được những trách nhiệm mà một Tổng thống Mỹ phải gánh trên vai và điều đó chỉ có thể thực hiện được khi họ biết lựa chọn những người ưu tú nhất, đáng tin cậy nhất hỗ trợ cho mình. Đó là điều khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ và luôn cân nhắc đến trong mỗi bước đường sự nghiệp của mình...”.
Sau những năm tháng làm việc đầy áp lực, “ở những vị trí thú vị”, nữ cố vấn nói rằng nơi bà nhớ nhất khi rời tòa Bạch ốc, đấy là thư viện nằm trong tòa nhà văn phòng Eisenhower Executive, dọc đường đi bộ từ Nhà Trắng, “một thư viện tuyệt đẹp và yên bình với bậc thang và tay vịn bằng sắt uốn...”.
Quá nhiều kỷ niệm đẹp về Tết Việt
“Chỉ với 20 USD trong túi, gia đình cô ấy bắt đầu xây dựng cuộc sống ở California. Cô ấy đã làm việc rất chăm chỉ và trở thành một trong các cố vấn hàng đầu về châu Á của tôi tại Nhà Trắng...” - Elizabeth Phù nói rằng bà biết ơn cựu Tổng thống Mỹ Obama khi đã dành tặng cho bà và gia đình lời khen tặng hào phóng đó, trong chuyến thăm Việt Nam tháng 5.2016. “Tôi từng chứng kiến cảnh cha mẹ tôi đã phải làm lụng cần cù chăm chỉ đến thế nào mới có thể chèo chống đưa cả gia đình đi qua khó khăn. Chính sự vất vả và những đức tính Việt ấy đã hun đúc nên tôi ngày hôm nay...”.
Trở thành công dân Mỹ và hơn thế, còn có cơ hội làm việc cho chính quyền Mỹ, từ xuất phát điểm là một người nhập cư, nữ cố vấn đồng thời bày tỏ lòng biết ơn với nước Mỹ: “Tôi tự hào rằng nước Mỹ vẫn duy trì là đất nước hào phóng nhất về mặt hỗ trợ cho người nhập cư trên toàn thế giới. Đất nước này được tạo nên bởi những người nhập cư, và trở nên tốt đẹp hơn chính nhờ những con người ấy. Người nhập cư mang đến ẩm thực, ngôn ngữ, truyền thống và sức mạnh của đất nước họ, kết hợp lại khiến cho nước Mỹ thú vị hơn, đa dạng hơn và hùng mạnh hơn...”.
Nhưng sâu thẳm bên trong, Elizabeth Phù luôn có tâm thế hướng về nguồn cội. Cả hai con trai bà đều có tên đệm bằng tiếng Việt và hàng ngày, bà thường cố gắng nói chuyện với con bằng tiếng Việt. Một số phong tục tập quán Việt Nam mà nữ cố vấn yêu thích vẫn được duy trì trong gia đình bà, ví như ngày Tết cổ truyền. “Từ khi tôi còn nhỏ, đó luôn là những ngày lễ quan trọng nhất trong gia đình và tôi đã có quá nhiều kỷ niệm đẹp về nó. Chính vì vậy mà năm nay tôi sẽ đưa con trai mới sinh về nhà cha mẹ để các con tôi được hưởng không khí đoàn viên đó, cũng như có được những trải nghiệm thân quen về Tết Việt...”.
Elizabeth Phù sinh năm 1976 tại Phú Quốc (Kiên Giang). Đến Mỹ năm 1979, bà đã nỗ lực học hành và tốt nghiệp hạng ưu chuyên ngành Khoa học chính trị ở ĐH California Berkeley; bằng thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế Thái Bình Dương tại ĐH California và từng tu nghiệp một năm tại Học viện Quân sự cấp cao Dwight D. Eisenhower. 16 năm kinh nghiệm phục vụ tại Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng Mỹ qua hai đời Tổng thống George Bush và Barack Obama, bà từng là Ủy viên Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, Giám đốc các vấn đề an ninh Đông Nam Á, châu Đại Dương và Đông Á, là cánh tay đắc lực giúp ông Obama định hình chính sách ở Đông Nam Á...; từng nhiều lần được Chính phủ Mỹ vinh danh và khen thưởng như: Huy chương dành cho cá nhân xuất sắc của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Cống hiến xuất sắc cho Hội đồng An ninh Quốc gia, Giải thưởng ưu tú về kiểm soát tài sản nước ngoài... |