Việc Đức chấp thuận gửi xe tăng Leopard cho Ukraine nhận được phản ứng tích cực của Kiev song lại khiến Moscow phật lòng. (Nguồn: Getty Images) |
'Chúng tôi cần rất nhiều Leopard'
Ngày 25/1, ông Andriy Yermak - Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine - lên tiếng hoan nghênh quyết định của Đức khi bật đèn xanh cho hoạt động chuyển giao xe tăng Leopard 2 cho Ukraine, sau nhiều tuần chịu sức ép từ phía các đồng minh.
Phát biểu trên mạng xã hội, ông Yermak khẳng định: "Bước đầu tiên liên quan hoạt động chuyển giao xe tăng đã được thực hiện. Tiếp theo là 'liên minh xe tăng'. Chúng tôi cần rất nhiều Leopard", ám chỉ các nước khác cũng tuyên bố gửi xe tăng tới Ukraine sau khi có sự chấp thuận của chính quyền Berlin.
Quyết định trên của Berlin đã nhận được phản ứng tích cực từ nhiều nước châu Âu. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảm ơn Thủ tướng Scholz, xem "đây là bước đi lớn hướng tới mục tiêu ngăn chặn Nga".
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố đây là "quyết định đúng đắn", từ đó "tăng cường hỏa lực phòng thủ của Ukraine" và khẳng định việc "cùng nhau tăng cường nỗ lực để đảm bảo Ukraine chiến thắng cuộc chiến này và đảm bảo một nền hòa bình lâu dài".
Từ Pháp, một người phát ngôn của Tổng thống Emmanuel Macron cũng hoan nghênh quyết định trên của Đức đã "mở rộng và tăng cường" chính sách hỗ trợ cho Kiev.
Cùng ngày, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố nước này sẵn sàng triển khai xe tăng chiến đấu tới Ukraine nếu cần. Theo ông Rutte, Hà Lan có thể mua xe tăng hiện đang được Đức cho thuê, sau đó cung cấp cho Ukraine.
Đăng trên trang Twitter, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg bày tỏ hoan nghênh "mạnh mẽ" động thái của Đức có thể giúp Ukraine đánh bại lực lượng của Nga.
Xung đột leo thang lên cấp độ mới?
Về phần mình, Đại sứ quán Nga tại Đức nhấn mạnh quyết định trên của Berlin đồng nghĩa với việc nước này đang dần từ bỏ "trách nhiệm lịch sử đối với Nga" vốn phát sinh từ quá khứ tội ác của Đức Quốc xã trong thời kỳ Thế chiến II.
Tuyên bố của Đại sứ quán cho rằng hoạt động chuyển giao xe tăng tới Ukraine sẽ khiến xung đột leo thang lên một cấp độ mới và dẫn tới "tình trạng leo thang lâu dài".
Theo Đại sứ Sergei Nechayev, quyết định này "phá hủy tàn dư của sự tin tưởng lẫn nhau, gây ra thiệt hại không thể khắc phục đối với tình trạng vốn đã tồi tệ trong quan hệ Nga-Đức, và đặt ra nghi ngờ về khả năng bình thường hóa quan hệ trong tương lai gần...
Với sự chấp thuận của chính quyền Đức, các xe tăng chiến đấu của nước này một lần nữa sẽ được chuyển tới 'mặt trận phía Đông', từ đó dẫn tới thương vong không chỉ cho binh lính Nga mà còn dân thường".
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nước này sẽ cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine.
Cùng với đó, binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện sử dụng Leopard 2 ở Đức và quá trình đào tạo sẽ được triển khai trong vài ngày tới, muộn nhất là đầu tháng 2/2023. Berlin cũng sẽ hỗ trợ công tác hậu cần và đạn dược.
Ngoài ra, Đức sẽ cấp giấy phép chuyển nhượng thích hợp cho các quốc gia đối tác, vốn mong muốn nhanh chóng chuyển giao xe tăng Leopard 2 trong kho vũ khí đến Ukraine.
Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh: "Quyết định này tuân theo đường lối mà chúng tôi đặt ra, đó là hỗ trợ Ukraine ở mức tối đa. Chúng tôi đang hành động thông qua việc phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế".