📞

Đức-Trung Quốc: Đối tác hay đối thủ

TIẾN THÀNH 22:48 | 04/11/2022
Rời Berlin sang Bắc Kinh thăm Trung Quốc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz mang theo không chỉ hy vọng về các hợp đồng sắp ký, mà còn cả mối lo về các phản ứng với chuyến thăm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thủ đô Bắc Kinh ngày 4/11. (Nguồn: Reuters)

Trong nội các Đức, cả Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Kinh tế đều phản đối chuyến thăm. Trong liên minh cầm quyền, đảng Xanh và FDP cũng không đồng ý việc ông Olaf Scholz sang Bắc Kinh dịp này.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thì tỏ ý không hài lòng ra mặt. Lý do là bởi kể từ năm 2019, EU đã chính thức coi Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh về kinh tế và mang tính hệ thống. Gần đây, EU thậm chí còn cho rằng Bắc Kinh chủ yếu nên được coi là đối thủ. Việc Berlin gắn kết với Bắc Kinh về kinh tế là điều mà Washington và Brussels không muốn.

Tuy nhiên, ông Olaf Scholz khó có thể làm khác. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong suốt sáu năm qua, còn Đức là bạn hàng số 1 của Trung Quốc ở châu Âu trong thời gian kỷ lục 43 năm. Năm 2021, bất chấp Covid-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt hơn 245 tỷ Euro.

Washington muốn châu Âu lập “chiến tuyến kinh tế” với Trung Quốc nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden thì đang cổ súy chính sách “Buy American”. Còn ở châu Âu, khi mối làm ăn với Nga đã tan vỡ bởi xung đột Nga-Ukraine, không hiểu Đức bán hàng cho ai?

Đối thủ hay đối tác còn chưa rõ nhưng điều rõ ràng là thị trường khổng lồ Trung Quốc đang là nơi cung cấp nguyên liệu và công nghệ, đồng thời tiêu thụ hàng hóa cho Đức. Chưa kể Trung Quốc có kế hoạch mở rộng thị trường, từ sản xuất đến các dịch vụ và tài chính, các doanh nghiệp Đức không muốn chậm chân.

Chính vì thế, dù Mỹ và EU có phật ý, ông Olaf Scholz vẫn khẳng định Đức phải tiếp tục quan hệ thương mại với Trung Quốc, rằng tách nền kinh tế Đức khỏi Trung Quốc là chiến lược sai lầm.