Trong cả năm 2017, Việt Nam đón được 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016 và giúp tổng thu từ du lịch năm nay ước đạt hơn 510.000 tỷ đồng. Chưa hết, Vietravel đã trở thành công ty lữ hành Việt Nam đầu tiên và duy nhất được vinh danh là “Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới năm 2017”, Việt Nam cũng trở thành điểm đến du lịch Golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2017...
Lần đầu tiên Tổ chức Du lịch Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 điểm du lịch có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. |
Không thể phủ nhận đây là kỳ tích phát triển chưa từng có của ngành du lịch Việt Nam từ khi thành lập đến nay. Thành quả năm 2017 được đánh giá là kết quả của quá trình nỗ lực làm chính sách tốt, thực hiện visa điện tử, tiếp tục miễn visa cho công dân một số nước, công tác xúc tiến, quảng bá được đẩy mạnh trên nhiều mặt trận. Đặc biệt, năm 2017 cũng là năm đầu tiên ngành du lịch thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã cho thấy những mục tiêu đặt ra đang dần trở thành hiện thực. Đây cũng là một dấu ấn quan trọng, góp phần khích lệ những người làm du lịch cả nước cùng phấn đấu để thực hiện mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020.
Dù vậy, thì nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo ngành du lịch Việt Nam đang tồn tại rất nhiều vấn đề như thiếu sản phẩm có chất lượng, yếu và thiếu về nhân lực, chưa biết cách khai thác để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn... Thực tế, ở đâu đó vẫn không thiếu cảnh “ăn xổi ở thì”, chưa quan tâm đến việc làm du lịch một cách bền vững. Đâu xa như tình trạng “chặt chém” khách gây bức xúc trong dư luận bấy lâu nay vẫn chưa thể dẹp bỏ được đã tạo nên một vết nhơ rất xấu xí cho ngành du lịch...
Tôi rất ấn tượng với chia sẻ của MC Trịnh Lê Anh – Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch, Đại học KHXH&VN Hà Nội về cách làm du lịch chú trọng chi tiết của người Nhật Bản. Trịnh Lê Anh, bản thân anh đã hơn 10 lần tới “đất nước mặt trời mọc” nhưng chưa bao giờ thấy nhàm chán vì người Nhật luôn tận tâm và tỉ mỉ vào các chi tiết dù nhỏ, nhưng lại tinh tế, mang lại thiện cảm để níu lòng du khách. Trong khi đó, cách làm du lịch ở Việt Nam hiện nay dường như vẫn chủ yếu hướng tới những nội dung, hình thức ở tầm vĩ mô chưa đi sâu khai thác vào những chi tiết tưởng như giản đơn.
Mới đây, khi bàn luận về việc xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch, bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng cho rằng, người Việt thường tự hào về có nhiều di sản, danh lam thắng cảnh và những bãi biển đẹp... mà quên rằng con người mới là vốn quý nhất để xây dựng thương hiệu.
Được biết, năm 2018, toàn ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu ít nhất là 16 triệu lượt khách quốc tế. Có thể năm nay, chúng ta lại tiếp tục đạt mục tiêu, thậm chí lập kỳ tích mới. Tuy nhiên, đằng sau những con số mười mấy triệu khách ấy, có thống kê nào cụ thể về con số khách trở lại Việt Nam lần thứ 2,3...? Và điều tôi quan tâm là liệu chúng ta thu hút được thêm nhiều khách mới nhưng có giữ chân được những khách cũ?