📞

Đừng để ngồi trên “đống vàng” mà không biết hưởng

09:00 | 07/04/2019
Nếu chỉ dừng lại ở mức độ nhận thức mà không hành động, thì hiệu quả của việc gia nhập các Hiệp định thương mại tự do giống như người ngồi trên “đống vàng” mà không biết làm thế nào để khai thác.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận các thị trường mới. Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phám 12 Hiệp định FTA song phương và đa phương, trong đó, 9 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi, đồng thời đang tiếp tục đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA khác.

Không còn “sân nhà”

Như vậy, sau 10 năm là thành viên của WTO, Việt Nam đang bước vào ngưỡng cửa hội nhập sâu, rộng hơn. Đặc biệt, với việc tham gia các FTA thế hệ mới, có phạm vi toàn diện, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa, như Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định tự do thương mại với EU (EVFTA) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)…, hứa hẹn mang lại các cơ hội hợp tác mới về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đừng để ngồi trên “đống vàng” mà không biết hưởng

Các FTA thế hệ mới là “tấm vé” thông hành để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, tiếp cận thị trường mới, cũng như tiến sâu hơn vào các thị trường lớn, quan trọng như Mỹ, EU…; đồng thời giúp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống…

Nhưng ngược lại, nó gần như ngay lập tức mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào thị trường Việt Nam. Sẽ không còn khái niệm “sân nhà”, tức là các thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam chính là áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các nước đối tác trên chính thị trường nội địa.

Nhìn nhận cơ hội khi tham gia các FTA, hầu hết giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam có hàng loạt cơ hội lớn cho tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế. Nhưng sức ép cạnh tranh sẽ vô cùng lớn, nếu cộng đồng doanh nghiệp không vượt qua được các thách thức, trong khi đó lại “dễ dàng nhường” các lợi thế cho các đối tác trong FTA. Khi đó có thể coi, doanh nghiệp đã ngồi trên “đống vàng” mà không biết cách hưởng.

Cần cách tiếp cận thực dụng

Nhiều người tỏ ra khá lo ngại với con số thực tế - khoảng 96% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ, sẽ gặp nhiều khó khăn khi chính thức phải “ngụp, lặn” trong biển lớn. Tuy nhiên, mới đây, điều bất ngờ do Chủ tịch FedEx châu Á – Thái Bình Dương Karen Reddington tiết lộ lại không nằm ở quy mô doanh nghiệp, mà ở sự chủ động của các “chủ thể” hội nhập FTA.

Trong một bài viết mới đây, Chủ tịch FedEx châu Á – Thái Bình Dương tiết lộ, điều ngạc nhiên lớn nhất là không nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới hiểu biết về những thỏa thuận thương mại - một trong những công cụ quan trọng nhất mang đến cơ hội kinh doanh và sự tăng trưởng cho doanh nghiệp. Họ đang bỏ lỡ cơ hội để biến những tiềm năng của doanh nghiệp đi đến thành công.

Theo bà Karen Reddington, FedEx vẫn thường gặp không ít trường hợp doanh nghiệp còn khá mơ hồ về thỏa thuận thương mại và cách làm sao để sử dụng các thỏa thuận đó cho lợi ích của mình. Chẳng hạn, tại Singapore, khá nhiều doanh nghiệm vừa và nhỏ cho biết đang gặp khó khăn trong việc gặt hái những lợi ích trong giao dịch thương mại. Ở Australia, Chính phủ đã phải tổ chức thăm dò vì lo ngại các doanh nghiệp vừa và nhỏ không nắm bắt được các cơ hội tiếp cận thỏa thuận thương mại. Thậm chí ở châu Âu, có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thiếu thông tin hoặc sự phức tạp về quy định khiến doanh nghiệp thất thoát hàng tỷ Euro vào các trách nhiệm hải quan phi lý.

Được biết, đây không phải là một vấn đề mới. Trong một nghiên cứu của HSBC vài năm trước, trong 800 công ty đang hoạt động tại châu Á, chỉ có khoảng 1/5 doanh nghiệp tận dụng các FTA.

Từ kinh nghiệm hoạt động toàn cầu của mình, Chủ tịch FedEx châu Á – Thái Bình Dương tư vấn, việc đầu tiên cần phải đảm bảo rằng, doanh nghiệp hiểu rõ về “lý do” họ là đối tượng được hưởng lợi khi các điều khoản thương mại được cải thiện. Cụ thể, các doanh nghiệp tận dụng được các FTA trong giao dịch thương mại đã tăng trưởng xuất khẩu như thế nào, tiếp cận thị trường mới ra sao, sở hữu cơ sở dữ liệu khách hàng rộng hơn và có thể tự tạo ra các cơ hội kinh doanh mới thế nào.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp ở tình trạng “lực bất tòng tâm”, không đủ nguồn lực và chuyên môn để điều hướng các quy tắc thương mại phức tạp, cũng như gặt hái lợi ích từ các FTA, thì tức là họ đang cần được tư vấn đúng hướng, giúp chọn lọc thông tin tối ưu để chạm đến các lợi ích cụ thể trong thỏa thuận FTA. Chẳng hạn, ngoài việc giảm thuế cho hầu hết hàng hóa được giao dịch giữa các nước thành viên, FTA còn giúp việc vận chuyển hàng hóa giữa các quốc gia thành viên dễ dàng hơn bằng cách hợp lý hóa giấy tờ, tăng tính minh bạch và thiết lập các quy tắc trong một chuỗi cung ứng hiện đại.

Chủ tịch FedEx châu Á – Thái Bình Dương Karen Reddington cho rằng, chỉ đến khi nào cộng đồng doanh nghiệp bắt đầu hiểu cách khai thác các thị trường toàn cầu khác nhau, thì khi đó tiềm năng tăng trưởng nhờ FTA mới thực sự được khai thác.