TIN LIÊN QUAN | |
Bạo hành học trò - Nỗi đau không nói nên lời | |
Làm gì để nâng cao vị thế nghề giáo? |
Cuối năm 2015, một nữ sinh ở Bình Dương đã nhảy xuống đập nước tự tử. Cuối năm 2017, một nam sinh ở TP.HCM tự tử vì bị điểm 3 môn tiếng Anh (trong khi em là thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh của trường). Cho đến đầu tháng 1/2018, một nữ sinh học giỏi ở Hà Tĩnh đã tự tử chỉ vì không đạt được kết quả như kỳ vọng của thầy cô và cha mẹ…
Qua những câu chuyện buồn ấy, có khi nào người lớn tự vấn lại mình, rằng chúng ta đang góp phần đẩy các em vào những áp lực không đáng có? Có khi nào chúng ta đang đánh cắp niềm vui sống và cơ hội được trưởng thành của trẻ? Từ khi nào, học sinh đang phải gánh trên vai quá nhiều áp lực?
Cha mẹ đang hoang tưởng về điểm số?
Mỗi lần con đi học về, thường các bậc cha mẹ lại hỏi đến điểm số. Dù cho ở cấp một đã xóa bỏ đánh giá điểm nhưng cấp hai và ba vẫn còn. Hễ con bị điểm kém, cha mẹ lập tức mắng mỏ hoặc có thở dài thất vọng.
Khi con chuyển cấp, điểm số đẹp đúng là một lợi thế. Vì thế, không ít cha mẹ tìm cách làm đẹp bảng điểm cho con bằng các chiêu trò hoặc “chạy điểm”. Nhiều người cho rằng, đó là cách thể hiện trách nhiệm với tương lai của con. Tuy nhiên, đây chính là hành động “lợi bất cập hại”, vô tình biến con thành robot đúng nghĩa.
Đặc biệt, không hiếm phụ huynh đang trao quyền quá nhiều, quá lớn cho điểm số. Nghĩa là, với điểm xấu con đem về chính là tín hiệu để cha mẹ nghĩ con mình kém cỏi. Từ đó, họ sẵn sàng đổ tiền để con đi học thêm khắp nơi. Còn với những em có "điểm đẹp" thì cha mẹ nhầm tưởng con mình đã thực sự giỏi nên rất chủ quan.
Không ít trẻ đang ăn ngay trên xe máy để kịp đến giờ học thêm. (Nguồn: Người Lao động) |
Nhưng có một mẫu số chung là dù con đạt điểm cao hay điểm thấp, một bộ phận phụ huynh vẫn chưa yên tâm. Con học ở trường chưa đủ sẽ đi học thêm. Con học ở trung tâm chưa đủ nên học tối ngày, học cả kỳ nghỉ lễ. Bởi thế, dù điểm cao đấy, dù thành tích nhiều nhưng thực tế nhiều em bị hổng kiến thức trầm trọng. Vậy mới có chuyện nhiều em có tiếng là trưởng thành nhưng chỉ là “vỏ rỗng”, điểm số cao, bằng đẹp mà thiếu hiểu biết, suy nghĩ ngây ngô, hành động ngờ nghệch.
Con người hình thành quan niệm sống từ chính hiểu biết của mình. Với quan niệm đó, mỗi người sẽ suy nghĩ và hành động theo ý mình. Khi hiểu biết kém cỏi, tầm nhìn hạn hẹp, ít được va chạm, không được tôi luyện kỹ năng sống, chắc chắn nhiều bạn trẻ chỉ lớn người nhưng chưa thực sự trưởng thành. Điều này một phần cũng vì điểm số đã bị “làm đẹp hóa” nên tín hiệu để đánh giá con của nhiều phụ huynh mất chính xác.
Cùng với đó, chính bảng điểm đẹp khiến nhiều người “hoang tưởng” về con. Khi vấp ngã, nhiều em liền đổ lỗi tại số phận, là không may mắn. Cứ như vậy, câu hỏi được đặt ra là “liệu trẻ có thể thành công được hay không khi đang ru ngủ chính mình bằng những con điểm kia?”.
Trong khi, nhiều bậc phụ huynh đang kéo con vào cuộc đua trường chuyên, lớp chọn thì có một thực tế là môi trường ấy chưa chắc đã đưa con tới một tương lai tốt đẹp. Còn một thực tế khác, với những trẻ phải gồng mình lên để gánh ước mơ của mẹ cha sẽ bị thui chột đi ước mơ và lý tưởng sống của riêng mình. Khi mà nhiều bậc cha mẹ xem thường, hững hờ với những trường có điểm đầu vào kém, thực tế có không ít nhân tài trưởng thành từ những ngôi trường "không tên tuổi" như vậy.
"Tháo cũi, sổ lồng" cho trẻ
Chẳng biết từ bao giờ, nhiều phụ huynh cho con học thêm vì nghĩ rằng học chính trên lớp không đủ. Là giảng viên đại học, là giáo viên từng đứng lớp dạy từ mầm non đến đại học, từng tham gia luyện thi đại học cho học sinh, tôi cảm thấy rất trăn trở về thực trạng này.
Đã từ lâu, việc học hành ở Việt Nam trở thành món đồ được các bậc phụ huynh và giáo viên thoải mái nhào nặn. Ngay từ khi con học tiểu học, sợ con mất gốc, sợ con không theo kịp bạn bè nên cha mẹ cuống cuồng tìm đến các trung tâm hoặc thuê gia sư. Đừng tưởng một học sinh chỉ toàn đạt điểm 9, điểm 10 là giỏi toàn diện, là không có yếu điểm. Rất có thể điểm yếu của bạn ấy không bộc lộ ra ngoài và chẳng ai giúp bạn ấy hoàn thiện khi mà vẫn còn đâu đó tư tưởng: “chỉ học giỏi là đủ”.
Học thêm, học ngày học đêm đang lấy cắp tuổi thơ của nhiều trẻ. (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Học thêm quá nhiều, áp lực nặng nề đè nặng lên tầm hồn thơ ngây của trẻ đôi khi sẽ là nguyên nhân của bệnh trầm cảm, tự kỷ. Có nhiều trẻ không thể tiếp tục chịu đựng được áp lực nên nghĩ quẩn, tự giải phóng mình khỏi chuyện học và kỳ vọng của cha mẹ bằng những hành động dại dột.
Thực tế hiện nay, trong nhiều gia đình vẫn còn cảnh trẻ ăn uống vội vàng, cha mẹ và con cái xa cách, có vấn đề gì cũng khó chia sẻ. Nhiều đứa trẻ cảm thấy cô đơn ngay trong căn nhà của mình. Đó cũng là những nguyên do dẫn đến những sự việc đau lòng.
Quay trở lại sự việc nam sinh tự tử vừa qua, tôi cảm thấy xót xa và tự hỏi: “Có bao nhiêu bậc phụ huynh giật mình? Có bao nhiêu phụ huynh dũng cảm để con được sống trong niềm vui đúng nghĩa? Có bao nhiêu bậc cha mẹ tự thức tỉnh, thôi ép trẻ học?".
Học giỏi, điểm số cao, danh hiệu nhiều cũng đâu khẳng định được đứa trẻ ấy sẽ thành công trong tương lai. Nếu người đó không có niềm tin, luôn cảm thấy chán nản thì khái niệm thành công kia liệu có nghĩa lý gì?
Trước khi chờ đợi những đổi mới có lợi cho trẻ, những "giải phóng vĩ mô" để trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Có lẽ, ngay trong gia đình, chính cha mẹ phải đi đầu tiên phong, hãy tự “tháo cũi, sổ lồng” cho con mình. Đừng để trẻ cô đơn và gánh gồng ước mơ của mẹ cha để đi vào con đường cùng.
TS. Vũ Thu Hương
Bạo hành học trò - Nỗi đau không nói nên lời PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, một số giáo viên đang ... |
Làm gì để nâng cao vị thế nghề giáo? Qua một số vụ việc như cô giáo bị phụ huynh bạo hành, bị ép quỳ; giáo viên lên lớp hơn ba tháng không giảng ... |
Đặt nền móng tương lai cho con từ khi nào? TS. Vũ Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định rằng cha mẹ phải là người làm việc này ngay từ khi đứa ... |