📞

East Asia Forum: Khẳng định vai trò Chủ tịch, Việt Nam dẫn dắt ASEAN vượt qua đại dịch Covid-19

Quang Hải 14:00 | 04/06/2020
TGVN. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 đã thể hiện được vai trò, vị thế của mình trong việc điều phối các quốc gia thành viên cùng nhau chống lại cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Việt Nam khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020 với vô vàn thách thức.

Theo East Asia Forum, đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với ASEAN trong năm 2020. Nhưng Việt Nam, với tư cách là chủ tịch ASEAN, đang cố gắng tận dụng tối đa các cơ hội trong tình huống xấu nhất và từ đó cũng thể hiện được khả năng lãnh đạo của mình. Năm 2020 là năm bản lề quan trọng để có những đánh giá giữa kỳ về việc thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025. Việt Nam đã chọn chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” cho Năm Chủ tịch của mình.

Trong bài phát biểu quan trọng vào ngày 6/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra 5 ưu tiên gắn liền với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, bao gồm: (i) phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; (ii) thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; (iii) thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; (iv) đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; (v) nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.

Vượt rào cản Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã và đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Việt Nam đã lên kế hoạch tổ chức hơn 300 hội nghị và hoạt động khác nhau để kỷ niệm 25 năm đất nước hình chữ S trở thành thành viên chính thức của ASEAN và để thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Nhưng do đại dịch Covid-19, hơn 200 sự kiện đã bị hoãn thậm chí là bị hủy bỏ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về Covid-19. (Nguồn: VGP)

Nhiều quốc gia trong khu vực phải sử dụng biện pháp giãn cách xã hội để giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, nhờ đó mà xu hướng sử dụng các công nghệ viễn thông đang ngày càng trở nên phổ biến, việc học và làm từ xa cũng dần được nhiều người áp dụng. Xu hướng này giúp Việt Nam thực hiện trách nhiệm Chủ tịch của mình bằng cách tổ chức các cuộc họp trực tuyến với các thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài.

Mặc dù trong những năm gần đây, ASEAN đang gặp những chia rẽ nhất định nhưng Việt Nam với tư cách là Chủ tịch của ASEAN đang thống nhất các quốc gia thành viên trong cuộc chiến chống Covid-19. Kể từ khi dịch bùng phát, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các thành viên ASEAN để giúp đối phó với sự phát triển phức tạp của căn bệnh này.

Ngày 14/2, Việt Nam ban hành Tuyên bố của Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN trước dịch bệnh Covid-19, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết ASEAN và thúc đẩy hợp tác trên nhiều cấp độ.

Ngày 31/3, Hà Nội đã tổ chức Nhóm Công tác trực thuộc Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp cho các quốc gia thành viên để chia sẻ thông tin về tình hình của các quốc gia và việc thực hiện các biện pháp kiểm soát.

Ở cấp Bộ trưởng, Việt Nam đã chủ trì hai phiên họp của Hội đồng điều phối ASEAN vào ngày 20/3 và 9/4, bao gồm các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, để thảo luận về các cách để tăng cường hợp tác giữa nhóm và các đối tác.

Bên cạnh đó, theo tinh thần “ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về dịch bệnh Covid-19 vào ngày 14/4 để kêu gọi các quốc gia thành viên đoàn kết và hành động quyết liệt đối phó với đại dịch. Các nhà lãnh đạo đã đồng ý thành lập Quỹ hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19 của ASEAN và lập kho dự trữ vật tư y tế trong khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: VGP)

Đẩy mạnh hợp tác với thế giới

Việt Nam cũng đang sử dụng vị thế Chủ tịch ASEAN để thúc đẩy hợp tác với các nước trên thế giới.

Tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về cùng hợp tác phản ứng với Covid-19 tại Lào, ngày 20/2, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thông báo cho ASEAN về tình hình ở Vũ Hán và các khu vực khác của Trung Quốc. Sau đó ASEAN xác nhận hỗ trợ cho Trung Quốc trong việc chống lại căn bệnh này.

Ngày 20/3, Việt Nam đã chủ trì Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó Covid-19. Hai bên nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và tư vấn chính sách trong chẩn đoán, điều trị và sản xuất vaccine.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến khẩn cấp G20 vào ngày 26/3. Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát của Việt Nam đối với đại dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, hợp tác ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Ông nhấn mạnh, hiến đấu với đại dịch nên đi song song với việc tạo điều kiện hợp tác thương mại và đầu tư.

Việt Nam cũng đã chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về ứng phó dịch bệnh Covid-19 vào ngày 14/4. Các thành viên ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã xác định tầm quan trọng của ASEAN+3 và các cơ chế hiện có của nó trong việc giải quyết các thách thức về sức khỏe cộng đồng.

Ban đầu, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Mỹ dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3 nhưng do dịch Covid-19 nên đã được hoãn lại. Thay vào đó, Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành giữa các quan chức cấp cao ASEAN-Mỹ vào ngày 1/4 nhằm trao đổi hợp tác trong các vấn đề y tế công cộng khẩn cấp và phòng chống đại dịch Covid-19 giữa hai bên. Đồng thời, hai bên đã nhắc lại giá trị của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Mỹ trong việc đối mặt với những thách thức chưa từng có của đại dịch.

Ngày 23/4, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự họp trực tuyến ASEAN-Mỹ về Covid-19. (Ảnh: Tuấn Anh)

Từ đó, Hội nghị trực tuyến đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ về Covid-19 được diễn ra với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cảm ơn Mỹ vì đã hỗ trợ 19 triệu USD cho các nước trong khu vực trong việc phòng chống căn bệnh này. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đề xuất đẩy mạnh hợp tác giữa hai bên về y tế công cộng bằng cách chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất.

Mặc dù có một khởi đầu khó khăn nhưng Việt Nam vẫn đang thể hiện sự lãnh đạo của mình thông qua các phản ứng nhanh chóng và chủ động trong việc điều phối các quốc gia thành viên và các đối tác bên ngoài.

Tuy nhiên, những lời buộc tội giữa Mỹ và Trung Quốc về nguồn gốc của dịch bệnh và cách xử lý đại dịch đang khiến Đông Nam Á rơi vào tình trạng khó xử, do cả hai cường quốc đều là đối tác quan trọng của ASEAN. Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng sẽ lại một lần tạo nên thách thức mới cho sự đoàn kết của ASEAN.

(theo East Asia Forum)