📞

EU đối mặt với vấn đề chất thải nguy hại

17:22 | 21/12/2016
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) vừa cảnh báo tình trạng ngày càng gia tăng lượng lớn chất thải nguy hại trong Liên minh châu Âu (EU). 

Trong báo cáo mới nhất, EEA cho biết, vào năm 2012, EU ghi nhận tới 100 triệu tấn chất thải nguy hại được thải ra ngoài môi trường, tương đương 4% tổng lượng chất thải trong cộng đồng, đánh dấu mức tăng lên đến 10% trong 4 năm trở lại đây.

Năm 2012, EU ghi nhận tới 100 triệu tấn chất thải nguy hại được thải ra ngoài môi trường. (Nguồn: EEA)

Một nửa trong số 100 triệu tấn chất thải nói trên là các chất thải rắn, khoáng vật, trong khi một phần ba là chất thải hóa học và y tế. Mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính giúp giảm 16% lượng chất thải xây dựng trong giai đoạn 2008-2010, nhưng các ngành khác lại không như vậy. Chất thải do các hoạt động khai khoáng tăng lên mức kỷ lục 27kg/người vào năm 2012, còn chất thải gia đình nguy hại tăng thêm khoảng 6- 7kg/người trong giai đoạn 2006-2012. 

Theo EEA, Bulgaria và Estonia là hai quốc gia tạo ra lượng chất thải nguy hại cao nhất EU do có nhiều hoạt động khai khoáng, khai thác dầu đá phiến và nhiều công trường xây dựng. Phân tích của EEA chỉ ra rằng các nước có quy định về phòng ngừa chất thải nguy hại chủ yếu chỉ nhắm đến việc hạn chế lượng chất thải gia đình, trong khi có quá ít biện pháp hạn chế chất thải nguy hại sinh ra từ hai ngành xây dựng và khai khoáng. Trong 17 chương trình cảnh báo liên quan các chất thải nguy hại, mới chỉ có 4 chương trình đưa ra các cảnh báo cụ thể tại các nước Bulgaria, Italy, Latvia và Thụy Điển. 

Trong báo cáo lần này, EEA cũng nêu tên 7 quốc gia EU đã tích hợp các chỉ số theo dõi chất thải nguy hại gồm Đức, Áo, Bulgaria, Cyprus, Tây Ban Nha, Pháp và Latvia. Điều này cho thấy đã có một số tiến bộ trong việc đánh giá mức độ cũng như chiến lược cắt giảm chất thải nguy hại.

(theo EEA)