Phát biểu trong cuộc họp báo chung, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nêu bật tính cấp thiết và tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời hối thúc các đối tác G20 cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Chủ tịch Michel bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm thúc đẩy các chính sách thương mại quốc tế theo hướng bền vững hơn cũng như xây dựng các tiêu chuẩn chung cho "trái phiếu xanh" nhằm huy động ngân sách cho các khoản đầu tư xanh.
Ông nêu rõ: "EU đã bắt đầu xúc tiến vấn đề này. Và tôi tin rằng G20 nên khẩn trương giải quyết vấn đề toàn cầu về tài chính xanh".
Gọi đây là "một bước tiến lớn", Chủ tịch Leyen đánh giá cao việc một nửa các nước G20, như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nam Phi, đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 hoặc ngay sau đó.
Bên cạnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bà Leyen cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung nỗ lực toàn cầu trong việc bảo vệ thiên nhiên và giải quyết tình trạng mất đa dạng sinh học đáng báo động trên thế giới hiện nay.
EU kêu gọi G20 thúc đẩy giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. (Nguồn:prnewswire) |
Theo bà, những sức ép ngày càng tăng đối với thiên nhiên và động vật hoang dã là yếu tố chính dẫn tới gia tăng các bệnh truyền nhiễm từ động vật và đó là "mảnh đất màu mỡ" cho các dịch bệnh "sinh sôi nảy nở" trong tương lai.
EU hiện đang được đánh giá là một "lực lượng tiên phong" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Tháng 9/2020, Chủ tịch Leyen cho biết, EU nên cam kết các mục tiêu cắt giảm mạnh hơn khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập niên tới, đồng thời cam kết sử dụng trái phiếu xanh để tài trợ cho các mục tiêu khí hậu của mình.
Theo bà Leyen, EU cần đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức ghi nhận trong năm 1999, thay vì mức cắt giảm 40% như hiện nay.
Sự điều chỉnh này phù hợp với "Thỏa thuận Xanh" đầy tham vọng được EC công bố hồi tháng 12/2019, qua đó vạch ra lộ trình nhằm đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải (trung hòa khí thải) vào năm 2050.
Thỏa thuận trên đòi hỏi 27 nước thành viên EU phải cân bằng lượng khí thải gây ô nhiễm và loại bỏ khí gây hiệu ứng nhà kính trong vòng 30 năm tới. Đây được xem là một động lực cho cuộc cách mạng kinh tế giúp châu Âu phát triển bền vững và đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Theo kế hoạch, Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần thứ 15 diễn ra trong các ngày 21-22/11 bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị do Saudi Arabia, nước Chủ tịch G20 năm nay, chủ trì. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước sẽ tập trung thảo luận về hợp tác ứng phó dịch Covid-19, thương mại-đầu tư, kinh tế số và phát triển bền vững.