TIN LIÊN QUAN | |
Ý tưởng hội nhập châu Âu gặp khó | |
Brexit phủ mây đen lên triển vọng kinh tế Eurozone |
Liên minh châu Âu (EU) còn chưa hết bàng hoàng với sự kiện nước Anh rời khỏi “ngôi nhà chung” thì lại nhận thêm một cú sốc mới khi Thụy Sĩ chính thức thông báo rút đơn xin gia nhập liên minh kinh tế - chính trị này.
EU đã giảm dần sức hút và có thể “giấc mơ” nhất thể hóa châu Âu sẽ tan vỡ. (Nguồn: Wordpress) |
TNgôi nhà chung không còn hấp dẫn
Thụy Sĩ nộp đơn xin gia nhập EU từ ngày 20/5/1992, nhưng cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này vào tháng 12 năm đó đã không nhận được sự ủng hộ của người dân. Từ đó đến nay, năm nào Thụy Sĩ cũng tổ chức thăm dò dư luận về quan điểm của người dân đối với việc tham gia không gian kinh tế, chính trị EU.
Hơn 20 năm trước, tỷ lệ người dân ủng hộ việc gia nhập “ngôi nhà chung” lên tới 50%, nhưng càng về sau tỷ lệ này càng giảm và con số ghi nhận mới nhất trong cuộc thăm dò năm 2016 chỉ còn 16%.
Vì thế, Thụy Sĩ cho rằng đã đến lúc cần nói rõ với EU về việc nước này không còn ý định gia nhập “ngôi nhà chung” nữa. Vào đầu tháng 8/2016, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhận được thông báo của Thụy Sĩ về việc rút đơn xin gia nhập EU.
Các nhà phân tích cho rằng có nhiều lý do để Thụy Sĩ chính thức rút đơn xin gia nhập EU. Thứ nhất, Thụy Sĩ là quốc gia trung lập. Lâu nay nước này đã không tham gia vào phe nào hay khối nào mà tự lựa chọn con đường riêng của mình. Lựa chọn này của Thụy Sĩ đã và đang thành công khi quốc gia này là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới và người dân hưởng mức sống cao hàng đầu thế giới.
Thứ hai, hơn hai thập kỷ trước, thời điểm Thụy Sĩ mong muốn trở thành một bộ phận của EU - khi đó còn là Cộng đồng kinh tế Châu Âu, Liên minh này đang ở trong giai đoạn phát triển rực rỡ và đầy triển vọng. Nhưng càng về sau, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008 đến nay, mô hình phát triển của EU đã bộc lộ rất nhiều hạn chế và Liên minh này vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng sâu sắc cả về kinh tế lẫn thể chế.
Do đó, mức độ thiện cảm của người dân Thụy Sĩ với EU ngày càng giảm. Đặc biệt, sự kiện Brexit - nước Anh rời khỏi EU càng khiến các công dân của đất nước Tây Âu này không còn nhìn nhận EU như một hình mẫu lý tưởng bảo đảm cho sự thành công.
Thứ ba, nếu gia nhập “ngôi nhà chung”, Thụy Sĩ có thể sẽ phải tuân thủ những quy định chung về luật pháp và chính trị, bị thay đổi theo các quy định của EU. Vì thế, phần nhiều trong số 7,5 triệu người dân nước này cảm thấy không có lý do gì để quốc gia yên bình và giàu có của họ phải gia nhập EU.
Giấc mơ tan vỡ
Cách đây hơn một năm, Iceland đã rút đơn xin gia nhập EU, nay đến lượt Thụy Sĩ. Cùng với việc Anh tuyên bố rời bỏ “ngôi nhà chung” sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử ngày 23/6, nhiều ý kiến cho rằng EU đang giảm dần sức hút và có thể làm tan vỡ “giấc mơ” nhất thể hóa châu Âu.
Một số chuyên gia cho rằng, EU bắt đầu giảm dần sự hấp dẫn của một mái nhà chung yên bình và thịnh vượng từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008, kéo theo sự giảm giá mạnh của đồng Euro.
Ngay sau khi đồng tiền chung châu Âu (Euro) mất giá, “cơn bão” nợ công đã liên tục hoành hành tại nhiều quốc gia thành viên EU như Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp,… khiến cả "lục địa già" nín thở. Đến tận bây giờ Hy Lạp vẫn đang phải chật vật “thắt lưng buộc bụng” để tìm cách thoát khỏi hậu “cơn bão” nợ công, và “đất nước của các vị thần” nhiều lần suýt buộc phải rời khỏi EU.
Một người dân Anh giơ cao biểu ngữ ủng hộ Brexit tại trung tâm thủ đô London. (Nguồn: Getty) |
Trong khi còn chưa phục hồi được kinh tế, EU lại tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đến nay. Cuộc khủng hoảng di cư này đã bộc lộ nhiều bất cập trong chính sách chung khiến nội bộ EU không ít lần lục đục.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, nguy cơ khủng bố ngày càng gia tăng tại châu lục này, càng khiến nhiều người không còn nhận thấy sự tối ưu của chính sách nhất thể hóa châu Âu. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, sự ràng buộc trong EU đã khiến nhiều quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề.
Chính vì vậy, mặc dù việc Thụy Sĩ rút đơn gia nhập EU chỉ là một động thái mang ý nghĩa biểu tượng nhưng cũng đã tạo nên một “cú sốc” mới đối với nỗ lực nhất thể hóa châu Âu của Liên minh này. Một số nhà phân tích cho rằng, cùng với sự kiện Brexit, lựa chọn rút đơn gia nhập của Thụy Sĩ có thể khiến các phòng trào bài châu Âu được tiếp thêm sức mạnh, tạo đà cho các đảng cực đoan lên nắm quyền tại các quốc gia thành viên EU và đó có thể là sự khởi đầu cho sự sụp đổ của Liên minh này.
Kinh tế nước Anh vẫn vững vàng trước Brexit Tính tới thời điểm này, kinh tế Anh vẫn đối phó ổn thỏa sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. |
TTIP - đường xa gập ghềnh Vì nhiều lý do, TTIP khó có thể cán đích vào cuối năm 2016. |
Bi quan… hậu Brexit Sau khi chạm đáy 31 năm vào ngày 6/7 vừa qua, đồng Bảng Anh (GBP) có thể giảm tiếp 7-11% trong năm nay do hệ ... |