Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif. (Nguồn: EPA) |
Sau cuộc họp với các ngoại trưởng Iran, Anh, Pháp và Đức, Đại diện cấp cao EU tuyên bố rằng, nhóm này đã giao cho các chuyên gia tìm cách bảo vệ các dự án kinh doanh của châu Âu tại Iran. Các quốc gia trên cũng sẽ tổ chức cuộc họp cấp thứ trưởng ngoại giao vào tuần tới tại Vienna (Áo).
Bà Federica Mogherini cho biết, các bên liên quan đang tìm kiếm một giải pháp thực tế nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời cho phép nước này tiếp tục xuất khẩu dầu lửa và đảm bảo cho các ngân hàng châu Âu duy trì hoạt động.
Bà cũng cho biết thêm EU đã có một danh sách khá rõ ràng những vấn đề cần phải giải quyết và phải thực hiện trong một bối cảnh rất khó khăn.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Zarif hoan nghênh sự khởi đầu của cuộc thảo luận với châu Âu để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và bày tỏ tin tưởng sẽ đạt các tiến bộ trong vài tuần tới.
Trước đó, phát biểu khi đến cuộc, họp Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khẳng định, Anh và các đối tác châu Âu tiếp tục coi thỏa thuận hạt nhân Iran là sống còn cho an ninh chung và châu Âu hoàn toàn cam kết tôn trọng thỏa thuận.
Ông cho biết sẽ nỗ lực để bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nếu các doanh nghiệp này tiếp tục làm ăn với Iran.
Ngày 16/5 tại Bulgaria, lãnh đạo 28 nước châu Âu sẽ có cuộc thảo luận về phản ứng của khối trước quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Một biện pháp có tên gọi là "cơ chế phong tỏa" có từ những năm 1990 sẽ được EU cân nhắc sử dụng. Hành động này sẽ giúp bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ và trên thực tế EU cũng đã từng áp dụng biện pháp này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Nội dung chính của JCPOA yêu cầu Iran kiềm chế chương trình hạt nhân. Đổi lại, cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt áp đặt với quốc gia này.