Xin Đại sứ cho biết tầm quan trọng của hai Hiệp định này đối với Việt Nam và EU?
Trong phiên họp cấp Bộ trưởng sáng 25/6 tại Luxembourg, Hội đồng Liên minh châu Âu đã chính thức thông qua quyết định cho phép Ủy ban châu Âu ký với Việt Nam 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA.
Đây là quyết định cuối cùng của EU về việc ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do và Bảo hộ Đầu tư giữa EU với một nước đối tác, trước khi EU kết thúc nhiệm kỳ 2014 - 2019 và chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới 2019 - 2024, sau bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5/2019. Việt Nam và EU đã thỏa thuận sẽ ký hai Hiệp định vào ngày 30/6/2019 tại Hà Nội.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Vũ Anh Quang. (Nguồn: TTXVN) |
Hai Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và EU, không chỉ về thương mại, đầu tư. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và EU đánh giá đây là Hiệp định Thương mại tự do “thế hệ mới, toàn diện, chất lượng cao”; gắn thương mại - đầu tư với “các chuẩn mực về xã hội, lao động, môi trường và các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm”. Đây cũng là các Hiệp định Thương mại - Đầu tư thế hệ mới đầu tiên mà EU đạt được với một nước thu nhập trung bình. Hai hiệp định này, sau khi được hai bên ký và phê chuẩn, sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và EU, vì các sản phẩm kinh tế của hai bên không cạnh tranh mà trái lại, mang tính bổ sung cho nhau.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, với việc từng bước xóa bỏ 99% hàng rào thuế quan, sẽ tạo thuận lợi mới để các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường EU rộng lớn đầy tiềm năng với 512 triệu dân, Tổng sản phẩm GDP là 18.800 tỷ USD (chiếm 22% kinh tế thế giới), thu nhập đầu người 36.580 USD/năm.
Thương mại hai chiều Việt Nam - EU, đã đạt mức 55 tỷ USD năm 2018, sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Các doanh nghiệp EU cũng sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là các ngành EU có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng sạch, tự động hóa, tài chính - ngân hàng, vận tải, logistics, qua đó hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bao trùm, bền vững.
Xin Đại sứ cho biết chúng ta đã vận động EU sớm hoàn tất thủ tục nội bộ để ký hai Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư như thế nào?
Việt Nam và EU đã tiến hành nhiều vòng đàm phán. Ngày 25/6/2018, hai bên đã nhất trí về toàn bộ nội dung 2 Hiệp định. Nhưng EU là Liên minh của 28 nước, thủ tục nội bộ, pháp lý để ký các điều ước quốc tế không thể nhanh như đối với một quốc gia. Ủy ban châu Âu, với 28 Cao ủy, phải thông qua và trình 2 Hiệp định lên Hội đồng EU. EU phải dịch 2 Hiệp định ra ngôn ngữ của 28 nước thành viên, phải rà soát các văn bản dịch để bảo đảm không có xung đột pháp lý - ngôn ngữ giữa các văn bản. Cuối cùng là Hội đồng EU gồm 28 Bộ trưởng thông qua quyết định cho phép Ủy ban châu Âu ký 2 Hiệp định trên với Việt Nam.
EU cũng gặp một số khó khăn như: phải tập trung hoàn thành gấp các thủ tục nội bộ đối với Thỏa thuận Brexit (về việc Anh rời EU) với nhiều biến động ngoài dự kiến nhưng là ưu tiên cao nhất của EU hiện nay; EU bước vào thời điểm cuối nhiệm kỳ 2014 - 2019, có trên 30 văn bản phải kết thúc thủ tục nội bộ để Nghị viện châu Âu thông qua trước kỳ bầu cử tháng 5/2019…
Một năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với 2 Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Công tác vận động được tiến hành đồng bộ tại Hà Nội, tại thủ đô các nước thành viên EU, tại các Hội nghị quốc tế, ở tất cả các cấp, đặc biệt là các cuộc gặp gỡ cấp cao. Các Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước EU đã nhận được sự chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan.
Ủy ban châu Âu, Hội đồng EU và các cơ quan trực thuộc cũng rất khẩn trương. Kết quả là: Ủy ban châu Âu đã nhất trí thông qua 2 Hiệp định ngày 17/10/2018, đúng vào dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm làm việc EU và dự Cấp cao ASEM; công tác dịch từ tiếng Anh ra ngôn ngữ 28 nước EU kết thúc tháng 12/2018; các nước thành viên EU đã kết thúc rà soát pháp lý-ngôn ngữ các văn bản dịch đầu tháng 6/2019. Và sáng 25/6/2019, tại cuộc họp Hội đồng, các nước EU đã chính thức thông qua cả 2 Hiệp định này.
Như Đại sứ vừa nêu, hai Hiệp định Thương mại tự do và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU sau khi được ký, cần được Quốc hội hai bên phê chuẩn. Xin Đại sứ cho biết tiến trình phê chuẩn sẽ diễn ra như thế nào để hai Hiệp định này sớm có hiệu lực?
Sau lễ ký kết, cả Việt Nam và EU sẽ tiến hành các quy trình, thủ tục để Quốc hội/Nghị viện hai bên phê chuẩn 2 văn kiện này.
Về phía Việt Nam, các Ủy ban liên quan của Quốc hội sẽ nghiên cứu, cho ý kiến thẩm định về 2 văn kiện và trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình phê chuẩn các điều ước quốc tế.
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). (Nguồn: VGP) |
Vì không phải một quốc gia nên quy trình phê chuẩn của EU phức tạp hơn. Theo quy định của EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn; Hiệp định Bảo hộ đầu tư sẽ có hiệu lực chậm hơn, vì sau khi được Quốc hội hai bên phê chuẩn, còn phải chờ Quốc hội của 28 quốc gia thành viên EU phê chuẩn.
Đại sứ quán, Phái đoàn Việt Nam tại Bỉ - EU hy vọng, Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ mới sẽ sớm ổn định các vấn đề tổ chức, nhân sự sau bầu cử để bắt đầu xem xét 2 Hiệp định tháng 9 hoặc 10/2019 và bỏ phiếu phê chuẩn cuối năm 2019 hoặc đầu 2020.
Đây sẽ là một tiến trình không ít khó khăn, thách thức đối với cả hai bên. Tôi tin tưởng rằng, trong khuôn khổ quan hệ Đối tác - Hợp tác toàn diện Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ có hiệu lực trong năm 2020, Hiệp định Bảo hộ đầu tư cũng sẽ sớm có hiệu lực, vì lợi ích to lớn, lâu dài của cả Việt Nam và EU, vì một hệ thống thương mại - đầu tư toàn cầu tự do, rộng mở dựa trên luật lệ và phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm.