TIN LIÊN QUAN | |
FED đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% | |
Giá vàng thế giới đi xuống khi Fed họp bàn về chính sách |
Giới đầu tư không chỉ quan tâm tới việc các xu hướng tăng trưởng kinh tế có cho FED lý do để nâng lãi suất hay không, mà còn mong chờ dự báo kinh tế của FED, sau chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
FED không còn lý do “im lặng”
Năm nay, đã 7 lần FED từ chối nâng lãi suất, với lý do nền kinh tế Mỹ vẫn còn mong manh, tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc, “cú sốc” Brexit và trên tất cả là quan ngại đà phục hồi của nền kinh tế có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào. Song, ở thời điểm hiện tại, khả năng FED quyết tăng lãi suất rất lớn, khi hầu hết mọi điều kiện cần thiết nhất để nâng lãi suất đã hội đủ.
Giới đầu tư đang mong chờ các dự báo từ FED về nền kinh tế Mỹ trong “Kỷ nguyên Trump”. (Nguồn: Economic.bg) |
Nền kinh tế Mỹ đang hồi phục mạnh hơn dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Thị trường chứng khoán đạt đỉnh. Giới chuyên gia phần lớn đều cho rằng, gần như mọi yếu tố quan trọng nhất để FED quyết định có nâng lãi suất USD hay không đều đã hội tụ đủ. Thậm chí, nếu lạm phát tăng nhanh hơn so với dự đoán, FED có thể tiến hành nâng lãi suất sớm, với biên độ cao hơn.
Nền kinh tế Mỹ đạt mức tăng trưởng lên tới 2,9% trong quý III/2016, vượt khá xa con số dự báo 2,6% trước đó. Tốc độ tăng trưởng quý IV dự kiến sẽ còn cao hơn nữa do hiệu ứng tích cực từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Các chỉ số vĩ mô quan trọng khác của kinh tế Mỹ hiện rất thuận lợi. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh từ 4,9% (mức thấp nhất kể từ năm 2007) trong tháng 9 xuống còn 4,6% trong tháng 11, vượt ra khỏi dự đoán của giới phân tích. Tỷ lệ này dự báo sẽ còn khả quan hơn nữa khi Tổng thống mới đắc cử Donald Trump cam kết sẽ đem thêm nhiều việc làm về nước Mỹ.
Đặc biệt, thị trường chứng khoán Mỹ “bật dậy” sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Lần đầu tiên trong vòng hơn 20 năm, ba chỉ số chứng khoán cơ bản đồng loạt đạt mức cao kỷ lục trong cùng một ngày. Bởi món quà thực sự mà giới đầu tư đang mong chờ và dựa vào đó để đưa ra quyết định đầu tư chính là lời hứa sẽ giảm thuế cho cả cá nhân, lẫn doanh nghiệp và một gói kích thích tài khóa mạnh mẽ từ nội các Trump. Các chương trình này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng và đẩy lạm phát lên.
Đồng USD tăng giá kỷ lục, đạt mức cao nhất trong một thập kỷ so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới như Euro, Yên Nhật hay Nhân dân tệ. Với những diễn biến tích cực này, mức lạm phát 2% mà FED kỳ vọng gần như chắc chắn sẽ đạt được.
“Kỷ nguyên Trump”
Giới truyền thông ví von, FED có thể mở đầu “kỷ nguyên Trump” với việc tăng lãi suất. Đây không phải là một tin tốt đối với nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Trung Quốc. Nếu FED “chốt” ở một biên độ lãi suất lớn thì lại càng là một tin xấu.
Hiện không chỉ Trung Quốc, mà một số nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang phải chống chọi với sức ép tỷ giá. USD tăng lãi suất có nghĩa là dòng vốn đầu tư sẽ bị hút ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển để trở về Mỹ, rất có thể sẽ khiến tăng trưởng sụt giảm tại nhiều nền kinh tế.
Về lý thuyết, mặt tích cực đối với các nền kinh tế khác khi lãi suất USD được nâng lên là hàng hóa xuất khẩu từ các nước trên thế giới vào thị trường Mỹ tăng tính cạnh tranh, nhưng “tia sáng” đó nhanh chóng bị dập tắt khi ông Trump lăm le thực hiện chính sách hạn chế thương mại, bảo hộ hàng hóa của nước Mỹ và tăng tỷ lệ thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu.
Dự báo, Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn nhất. Lãi suất USD tăng không chỉ khiến dòng vốn đầu tư chảy ra khỏi nước này nhanh hơn và lớn hơn bao giờ hết, mà còn khiến nợ của Trung Quốc tăng vọt. Sức ép tỷ giá đối với Trung Quốc càng trầm trọng hơn khi tỷ giá Nhân dân tệ/USD đang ở mức thấp nhất trong hơn 8 năm qua, dự trữ ngoại hối giảm chóng mặt.
Có vẻ như quyết định cuối cùng của FED không chỉ khiến các nền kinh tế khác lo lắng, hãng tin CNBC vừa đưa ra dự đoán rằng trong buổi họp báo của Chủ tịch FED Janet Yellen vào 2h sáng ngày 15/12 (giờ Việt Nam), giới đầu tư Mỹ sẽ chăm chú tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: Các chương trình kinh tế của nội các Tổng thống mới sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế Mỹ? Liệu chúng có thể “điều khiển” các quyết định của FED hay không?
Vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ hiện được kế thừa một nền kinh tế khá vững chắc. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng, những chính sách của ông Trump như tăng chi tiêu công, đẩy mạnh chi cho cơ sở hạ tầng không chỉ thúc đẩy nền kinh tế, mà có thể đẩy lạm phát cao hơn, qua đó buộc FED phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Các nhà phân tích của hãng TD Securities cho rằng, chính sách tài chính tại thời điểm nền kinh tế Mỹ đang phục hồi khá mạnh có thể thúc đẩy "một cú sốc lạm phát".
Nhiều khả năng FED sẽ nâng mức lãi suất USD lên 0,25% Có tới 97% khả năng FED sẽ nâng mức lãi suất lên 0,25% vào cuối phiên họp chính sách 2 ngày vào ngày 14/12 tới. |
Giá dầu mỏ thế giới tăng cao nhất kể từ giữa năm 2015 Giá dầu mỏ thế giới ngày 12/12 đã đồng loạt tăng lên mức cao nhất sau khi các nước xuất khẩu dầu mỏ lần đầu ... |
Mỹ, EU đẩy mạnh viện trợ Colombia tái thiết Ngày 12/12, Liên minh châu Âu (EU) thông báo một chương trình hỗ trợ tổng thể có giá trị tới 600 triệu Euro dành cho ... |