📞

Festival Huế 2008: Lễ tế Nam Giao hoành tráng và thiêng liêng

09:31 | 05/06/2008
Ngày 4/6, Lễ tế Nam Giao, một đại lễ cung đình xưa đã được tái dựng gần với nguyên bản. Các nhà tổ chức khẳng định đây là lễ tế giao thật sự chứ không đơn thuần là một lễ hội.

Theo sử sách ghi lại: Tế Nam Giao là lễ tế trời, đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Bởi vậy, trong chế độ quân chủ phong kiến ở nước ta, đây là lễ tế quan trọng nhất và được tiến hành hoành tráng, trang trọng nhất.

Hoàng đế xuất cung

Dưới triều Nguyễn, đàn Nam Giao được xây dựng ở phía nam Kinh Thành từ năm 1806. Đàn gồm 3 tầng, tầng trên hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Đất và Con Người. Đàn Nam Giao nằm trong một khuôn viên rộng 390m x 265m, có tổng diện tích khoảng 10ha, bên trong là rừng thông xanh biếc.

Đàn Nam Giao đêm 4/6

Do nhưng ý nghĩa lịch sử văn hóa của lễ tế Nam Giao nên các nhà tổ chức Festival Huế đã cố gắng phục dựng lễ tế trong ba kỳ Festival 2002, 2004, 2006. Ban đầu chỉ là lễ hồi cung, rồi xuất cung và hồi cung, đến năm 2006 cả ba phần được tái hiện.

Tuy nhiên, do khối lượng công việc khá lớn, đội ngũ tham gia không chuyên nghiệp và kể cả việc nghiên cứu phục dựng chưa thấu đáo nên những lần tổ chức trước đây chưa thật sự thành công như ý.

Rút kinh nghiệm, việc phục dựng lễ tế Nam giao chỉ tái hiện hai phần: Lễ xuất cung và lễ tế tại đàn Nam Giao.

Lễ Xuất cung diễn ra trong không gian từ điện Thái Hòa qua Ngọ Môn ra cửa Quảng Đức đến bến Phu Văn Lâu (Nghênh Lương Đình), theo hành trình của lễ xuất cung của các vua triều Nguyễn.

Hoàng đế rời ngai vàng lên đàn Nam Giao tế trời đất

Từ 5 giờ 30 sáng 4/5, lễ đại triều đã được tổ chức tại điện Thái Hòa. Vị quan đầu triều mời nhà vua rời ngai vàng, lên kiệu qua Ngọ Môn, nhập vào đoàn ngự đạo xuất cung. Đoàn ngự đạo được chia là 3: Tiền đạo, Trung đạo và Hậu đạo. Đến bến Phu Văn Lâu – Nghênh Lương Đình các nghi vệ được tái thiết để tiễn nhà vua qua sông bằng thuyền Tế Thông lên đàn Nam Giao.

Phần Lễ tế Nam Giao diễn ra từ 19 giờ đến 21 giờ, không gian tổ chức từ Trai Cung đến đàn tế, để cầu cho phong điền vũ thuận, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Đoàn ngự đạo rước nhà vua từ Trai Cung (phía tây bắc đàn tế) đi đến đàn chính.

Đàn Nam Giao được trang hoàng với hương án, long liễn, ngự liễn, đèn lồng được tái thiết lại theo quy chuẩn nghiêm ngặt của sách xưa để lại.

Đặc biệt có sự tham gia của 8 làng xã có truyền thống văn hóa tiêu biểu tại Thừa Thiên Huế, trực tiếp thực hiện các nghi lễ tế cúng tại 8 án thờ các vị Thần linh đặt tại 4 góc của tầng Phương Đàn (tầng 2).

Hoàng đế hồi loan

Phần chính của Lễ tế Nam Giao diễn ra tại Đàn thượng (Viên đàn), nhà vua được các Cung đạo dẫn lên Thăng đàn bái vị. Tiếp đó là lễ Điện ngọc bạch (dâng ngọc và lụa), lễ Tấn trở (dâng các con sinh và thức ăn), Lễ sơ hiến tửu (dâng rượu lần đầu), Đọc chúc (nguyện cầu), Chung hiến tửu (dâng rượu lần cuối), Tống thần (tiễn các vị thần đi) với hàng trăm nghi tiết.

Lễ tế kết thúc vào lúc 21 giờ với nghi lễ Hoàng đế hồi loan. Theo VNN