📞

Festival Huế 2010: Nơi hẹn hò của các cố đô

01:06 | 06/06/2010
Điểm mới và độc đáo của Festival Huế 2010 là sự góp mặt của các đoàn nghệ thuật của các quốc gia ở cả 5 châu lục, là nơi gặp gỡ của các thành phố vốn là cố đô, các thành phố có di sản thế giới.

Thật khó tìm sự bình yên ở thành phố Huế khi chỉ còn vài ngày nữa sẽ diễn ra lễ khai mạc Festival Huế 2010 (5-13/6) với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Theo ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cố đô đang sẵn sàng đón chào hàng trăm ngàn du khách quốc tế và trong nước đến với vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang…

Điểm hẹn các di sản văn hóa

Cũng giống như Pháp với Festival Avignon, Australia với Festival Adelaide, Anh với Edingburgh, Festival Huế đã trở thành một thương hiệu quốc tế, xứng đáng là nền móng để cố đô Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam.

Qua 5 mùa festival, không thể phủ nhận rằng Festival Huế đã làm thức dậy truyền thống văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam. Cái “lãi” lớn nhất là trầm tích văn hóa cung đình, văn hóa dân gian đã được khai thác để đối tác thành công với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong nước và khắp các châu lục đổ về kinh đô một thời của Việt Nam.

Vì lẽ đó, văn hóa Huế được thế giới biết đến nhiều hơn và qua mỗi kỳ festival, số nước đăng ký tham gia lần sau cao hơn lần trước. Festival Huế 2008 có 23 quốc gia tham gia và năm 2010 sẽ chào đón các đoàn nghệ thuật của 27 quốc gia, trong đó có sự hiện diện lần đầu tiên của Cuba, Haiti, Senegal, Đan Mạch, Na Uy, Ba Lan, Mexico, Mông Cổ.

Dễ hiểu vì sao điểm mới của Festival Huế 2010 là sự chắt lọc tinh hoa nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa của các đoàn nghệ thuật đến từ 5 châu lục. Chưa bao giờ các thành phố vốn là cố đô, các thành phố có di sản thế giới lại tụ hội đông đảo như tại Festival Huế lần thứ 6 này. Thừa Thiên - Huế lựa chọn các đối tác đã tham gia và có nhu cầu đăng ký tiếp trên tinh thần ưu tiên quốc gia có di sản thế giới, các thành phố vốn là cố đô, ưu tiên cho di sản của các nước láng giềng như Angkor (Thái Lan), Luang Prabang (Lào), Gyonju, Kyoto, Nara, Sukhothai (Nhật Bản), Nam Kinh, Tây An (Trung Quốc).

Hơn 550 nghệ sĩ nước ngoài sẽ đóng góp nhiều thể loại nghệ thuật như ca múa nhạc, xiếc, sân khấu, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, rối, điện ảnh, triển lãm... Và lần đầu tiên, Festival Huế được đưa về các huyện, kể cả miền núi để “người dân ở các vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng các gia trị văn hóa và tham gia vào lễ hội bình đẳng như người dân sống ở thành phố”, theo khẳng định của ông Nguyễn Duy Hiền.

Mới lạ, ấn tượng và quy mô lớn

Đối với các lễ hội cung đình đã được phục dựng trong các festival trước, Festival Huế 2010 sẽ tiếp tục tái hiện các lễ hội cung đình độc đáo của cố đô Huế với quy mô, chất lượng và hình thức thể hiện hấp dẫn, quy tụ sự tham gia của đông đảo lực lượng nghệ sĩ, diễn viên và công chúng. Lễ Tế Giao sẽ tiếp tục duy trì trên cơ sở nâng cao tính nghệ thuật và sự trang nghiêm. Đêm Hoàng cung sẽ bổ sung một số hoạt động thiết chế của triều đình, gắn không gian bên ngoài với không gian bên trong Đại Nội nhằm thu hút quần chúng tham gia. Huyền thoại Sông Hương sẽ duy trì theo hướng cô đọng và nâng cao chất lượng khai thác chất trữ tình và vẻ đẹp của dòng sông.

Điểm nhấn của các hoạt động hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội là chương trình sân khấu hóa Hành trình mở cõi và tái hiện Cuộc thao diễn thủy binh dưới thời Chúa Nguyễn. Hành trình mở cõi tập trung khai thác tiến trình mở cõi của các chúa Nguyễn trong mối liên hệ với truyền thống của dân tộc và tình cảm của cả nước đối với đất Thăng Long. Diễn ra tại bờ bắc sông Hương với sự tham gia của gần 1.000 diễn viên, Cuộc thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn thể hiện ước vọng ngàn đời về một cuộc sống bình yên, ấm no, hạnh phúc… Sau khi trình diễn chào mừng lễ hội Festival Huế 2010, 1.000 con diều của câu lạc bộ Diều Huế sẽ được đưa về Thủ đô tham gia Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Festival 2010 cũng mang lại cơ hội tuyệt vời cho khách du lịch gần xa được khám phá nghệ thuật sống đa dạng của cố đô Huế, các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch đầm phá đầy kỳ thú, hành hương về những ngôi chùa Huế nổi tiếng, được đắm mình trong các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian, thăm các lăng mộ của các đời vua, thưởng thức những món ăn đậm đà xứ Huế hay đơn giản là say đắm trong làn điệu ca Huế man mác trên dòng sông Hương thơ mộng...

Khánh Linh