📞

G20 thông qua Hiệp ước Rome: Lời cam kết quốc tế về công bằng vaccine Covid-19

An Chu 16:21 | 07/09/2021
Tối 6/9, Hội nghị Bộ trưởng Y tế Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua Hiệp ước Rome, cam kết đảm bảo người dân trên toàn thế giới được tiếp cận vaccine Covid-19 và đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số toàn cầu vào cuối năm 2021.
Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế G20 ngày 6/9 tại Rome. (Nguồn: AP)

Phát biểu với báo giới sau hội nghị kéo dài 2 ngày trên, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết, Hiệp ước Rome đã được tất cả các nước G20 nhất trí thông qua với cam kết trọng tâm củng cố hệ thống y tế, qua đó đảm bảo quyền bình đẳng của tất cả mọi người được điều trị, bất kể giai cấp hay chủng tộc.

Ông Speranza nêu rõ, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cam kết đưa vaccine ngừa Covid-19 đến các quốc gia dễ tổn thương nhất. Rõ ràng là các nước G20 muốn xây dựng các điều kiện để có thể chuyển việc sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đến các khu vực khác trên thế giới.

Bộ trưởng Y tế Italy thừa nhận, thực tế sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine hiện quá cao, không bền vững và điều này có thể đe dọa nỗ lực chống dịch toàn cầu trong bối cảnh xuất hiện các biến thể mới.

Trong tuyên bố được đưa ra cuối hội nghị, các bộ trưởng y tế G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp đa phương mạnh mẽ trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phục hồi toàn cầu, trong đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đóng vai trò trung tâm và dẫn đầu.

Các bộ trưởng y tế G20 cũng thống nhất quan điểm tiêm chủng là chìa khóa để ngăn chặn Covid-19.

Tuyên bố công nhận tác động trên phạm vi rộng của Covid-19, bao gồm cả sức khỏe tâm thần và tiến bộ trong việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu bao gồm nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, hòa bình và công lý.

Các bộ trưởng G20 cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực chung để ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó tốt hơn với các rủi ro và tình huống khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu trong tương lai.

(theo Reuters)