📞

G20 với Thượng đỉnh Osaka: Trước sóng cả gắng giữ tay chèo

Dịch Dung 15:03 | 24/06/2019
TGVN. Thời thế và bối cảnh tình hình hiện tại trên thế giới hiện đang khó khăn và phức tạp. G20 phải xác định lại bản sắc riêng của nó để tránh vết xe đổ của G7/G8, ý thức đầy đủ về thực lực của nó để không còn bị lực bất tòng tâm. Phân tích của Báo Thế giới và Việt Nam.  
Biếm họa của tác giả Morten Morland, Nguồn: Political cartoon.2018)

Cuối tuần này, tại thành phố Osaka của Nhật Bản sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh thường niên Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Khuôn khổ diễn đàn này được hình thành năm 1999, cách đây đúng 20 năm, nhưng ban đầu chỉ là hội nghị cấp bộ trưởng và mãi từ năm 2008 mới có cơ chế hội nghị cấp cao thường niên.

Những chủ đề cố hữu của G20

Từ một diễn đàn thuần tuý cho trao đổi về các vấn đề kinh tế, thương mại và tài chính của thế giới và các khu vực, G20 đã nhanh chóng trở thành nơi thảo luận cả về các vấn đề chính trị thời sự của thế giới và khu vực. Nó đi đúng theo lối mòn của nhóm G7/G8 với đủ hết mọi tác dụng và phản tác dụng.

Trong tư cách là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của G20, Nhật Bản xác định những nội dung trọng tâm ưu tiên trên chương trình nghị sự của hội nghị này là (1) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm những mất cân đối, (2) phát triển cơ sở hạ tầng giá trị cao và các hệ thống chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao cho người dân, (3) những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu trái đất hay rác thải nhựa ở các đại dương, (4) nền kinh tế số và (5) những thách thức đến từ xã hội với tỷ trọng người già ngày càng cao.

Nhìn vào đó có thể dễ dàng nhận ra là, phần lớn trong các điểm nêu trên đã trở thành những chủ đề nội dung gần như cố hữu đối với G20, lần hội nghị cấp cao nào cũng không thiếu vắng trên chương trình nghị sự và G20 bàn thảo mãi mà chưa tìm ra được những kiến giải thoả đáng. Trong đấy cũng còn có cả chủ đề nội dung mà Nhật Bản đặc biệt quan tâm riêng. Cũng chính vì thế mà có thể tiên liệu được hai nhận thức từ sự kiện lớn này. Thứ nhất là hội nghị ít khả năng có thể đạt được kết quả lớn và thứ hai là nhiều chuyện bên lề sự kiện lại rất có thể lấn át chính sự kiện.

Phụ lấn át chính

Nguyên do ở chỗ bối cảnh tình hình hiện tại trên thế giới và ở nhiều khu vực cũng như trong nhiều cặp quan hệ song phương giữa các thành viên của nhóm không được thuận lợi cho bầu không khí hài hoà ở hội nghị và tạo ra tình trạng không có được sự trùng hợp về ưu tiên chung của cả nhóm với ưu tiên riêng của các thành viên.

Những chủ đề nội dung được Nhật Bản xác định nói trên sẽ được đề cập và thảo luận ở hội nghị, sẽ được nhất trí và còn bị bất đồng quan điểm ở những mức độ khác nhau. Nhưng tất cả đều bị nhạt nhoà bởi Mỹ vẫn chủ ý đi lối đường riêng chứ không đồng hành cùng G20, bởi trục trặc trong mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và Nga, bởi xung khắc thương mại của Mỹ với nhiều đối tác khác, bởi tình trạng vùng Vịnh hiện tại ngấp nghé bờ vực của đụng độ quân sự, thậm chí cả chiến tranh, giữa Mỹ và Iran cũng như bởi nhiều vấn đề chính trị an ninh thời sự khác nữa trên thế giới.

Những chuyện này được quan tâm để ý đến nhiều hơn bởi tác động của chúng thiết thực và thời sự hơn nhiều so với tác động của mọi đề cập và thảo luận ở khuôn khổ diễn đàn chính. Năm ngoái ở Argentina đã như thế và năm nay ở Osaka rồi sẽ vẫn như thế.

Để thành “túi khôn” thực thụ

Cũng bởi vậy mà điều còn quan trọng đối với hiện tại và tương lai của G20 hơn cả kết quả của hội nghị ở Osaka là G20 phải làm gì để chấm dứt được tình trạng danh nhiều hơn thực lâu nay, để trở thành cái "túi khôn" thực thụ đưa lại những kiến giải giúp thế giới yên ổn qua được những sóng gió của thời cuộc chứ không phải vẫn bị diễn biến hiện tại của thời cuộc dẫn dắt như lâu nay. Nói theo cách khác, G20 phải xác định lại bản sắc riêng của nó để tránh vết xe đổ của G7/G8, ý thức đầy đủ về thực lực của nó để không còn bị lực bất tòng tâm và phải coi trọng hơn tính thiết thực và cụ thể để không bị sa lầy trong tình trạng hữu danh vô thực.

Muốn được như thế, G20 phải gây dựng và tăng cường đồng thuận giữa các thành viên, phải tìm kiếm được động lực phát triển và bước chuyển đột phá mới, phải vừa dựa trên chủ nghĩa đa phương để hoạt động vừa phải dùng thành tựu đạt được để củng cố và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.

Trong G20 hiện tại, các thành viên tuy có lợi ích riêng nhưng về cơ bản không đi ngược với những định hướng và nguyên tắc trong tôn chỉ mục đích của nhóm mà có chăng chỉ đóng góp nhiều hay ít, tích cực hay không tích cực.

Chỉ có Mỹ với những gì đã bộc lộ từ một vài năm nay là nghĩ không cùng tần số và nói không cùng ngôn từ với G20. Mỹ là thành viên quan trọng nhưng không phải là tất cả đối với G20. Vì thế, G20 chỉ có thể có tương lai khi còn phải vừa thuyết phục, tranh thủ và lôi kéo Mỹ cùng đồng hành vừa sẵn sàng về tâm thế, bản lĩnh và định hướng hoạt động khi không có sự tham gia của Mỹ, thậm chí cả khi bị Mỹ cản phá.

Thời thế và bối cảnh tình hình hiện tại trên thế giới khó khăn và phức tạp chứ không thuận lợi cho G20. Nhưng G20 đã chứng tỏ và hiện tại vẫn đúng là khuôn khổ diễn đàn đa phương rất thích hợp và có khả năng giúp thế giới giải quyết được các vấn đề đặt ra lâu nay. Cơ hội cho G20 cũng chính ở đấy. Bởi thế, trước sóng cả, G20 phải gắng giữ và vững chứ không được để ngã tay chèo.