Một đoàn người di tản lên máy bay vận tải C-17 Globemaster của quân đội Mỹ. (Nguồn: AP) |
Đồng lòng chỉ trích
Ngày 24/8, Hội nghị Thượng đỉnh G7 về Afghanistan diễn ra theo hình thức trực tuyến. Đây là sự kiện được đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden kiên định với mục tiêu đưa tất cả lực lượng Mỹ rời sân bay Kabul ngày 31/8, bất chấp tình hình bất ổn sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát tại quốc gia Nam Á.
Tại Thượng đỉnh, lãnh đạo G7 nhấn mạnh Taliban sẽ “phải chịu trách nhiệm về ngăn chặn khủng bố và nhân quyền, đặc biệt là đối với phụ nữ, các bé gái, người thiểu số”. Đồng thời, họ đòi hỏi lực lượng này tìm kiếm một giải pháp có tính đại diện rộng rãi hơn tại Afghanistan.
Trong tuyên bố chung, lãnh đạo G7 cũng khẳng định cam kết với quốc gia Nam Á, nhấn mạnh ủng hộ Liên hợp quốc trong điều phối công tác ứng phó nhân đạo quốc tế khẩn cấp trong khu vực, bao gồm tiếp cận nhân đạo ở Afghanistan. G7 sẽ đóng góp tích cực vào nỗ lực chung này.
Cuối cùng, thượng đỉnh cũng kêu gọi đối tác của Afghanistan hỗ trợ các hành động trên, duy trì hòa bình, ổn định của khu vực thông qua đối thoại đa phương.
Bất đồng về giải pháp
Tuy nhiên, trong nội dung trọng tâm của Thượng đỉnh là tìm kiếm một thời hạn mới về kết thúc sứ mệnh sơ tán ở Afghanistan và các hoạt động dân sự ở sân bay Kabul sau ngày 31/8, các nhà lãnh đạo G7 đã không tìm được tiếng nói chung.
Tại cuộc họp, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn nhấn mạnh quyết tâm rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan ngày 31/8. Theo ông, tình hình bất ổn sau khi Taliban nắm quyền quyền kiểm soát tại quốc Nam Á cùng sự nổi lên của một số tổ chức khủng bố, trong đó có ISIS-K, một nhánh của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của binh lính Mỹ.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng cho rằng việc rút quân đúng thời hạn hay không sẽ phụ thuộc vào phối hợp giữa quân đội nước này và Taliban, đặc biệt là trong duy trì khả năng tiếp cận sân bay cho người sơ tán.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, ông Joe Biden đã ra lệnh có các “kế hoạch ứng phó khẩn cấp” để thay đổi thời hạn chót cho hoạt động sơ tán tại Afghanistan khi cần thiết.
Dù vậy, lãnh đạo còn lại của G7 tỏ ra không thực sự hào hứng với tuyên bố của Tổng thống Mỹ.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, mọi chuyện giờ phụ thuộc vào phía Mỹ và Taliban, song ông cũng khẳng định rằng, London cùng các nước G7 sẽ “cố gắng hết sức tới giây phút cuối cùng”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định ưu tiên của Berlin là đưa công dân ra khỏi Afghanistan và nỗ lực này sẽ được tiếp tục kể cả sau thời hạn chót vào cuối tháng Tám. Tuy nhiên, bà bày tỏ quan ngại rằng, chiến dịch sơ tán tại quốc gia Nam Á sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu vắng sự hỗ trợ của quân đội Mỹ, hiện đang có khoảng 5.800 binh sỹ triển khai ở khu vực sân bay Kabul.
Một quan chức cấp cao Pháp giấu tên cho biết, Tổng thống Emmanuel Macron đã nỗ lực kêu gọi kéo dài thời hạn sơ tán sau ngày 31/8, song sẵn sàng thay đổi để thích ứng với quyết định của Mỹ.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau thông báo Ottawa sẽ duy trì hiện diện tại Afghanistan, bất chấp cam kết của Mỹ về rút quân khỏi quốc gia Nam Á sau ngày 31/8.
Ông khẳng định: “Cam kết của chúng tôi với Afghanistan không kết thúc khi giai đoạn hiện tại, thời hạn chót sắp đến. Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực để Taliban cho phép mọi người rời khỏi nước này”.
Trong khi đó, điều được Thủ tướng Italy Mario Draghi đặc biệt quan tâm lại là một chính sách chung về nhập cư ở Afghanistan nói riêng và châu Âu, thế giới nói chung.
Trong vấn đề Afghanistan, đã đến lúc G7 cần mở rộng thảo luận với các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) và với tư cách Chủ tịch luân phiên G20, Italy sẵn sàng xúc tiến quá trình này.
Ông Draghi khẳng định: “Nhóm G20 có thể giúp G7 thông qua sự hiện diện của một số quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng trong kiểm soát tình hình hiện nay tại Afghanistan, trong đó gồm Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ”.
Nhà lãnh đạo này cho rằng, các tổ chức quốc tế cần hiện diện ở Afghanistan sau thời hạn cuối tháng Tám, đồng thời cam kết hỗ trợ nguồn lực trực tiếp cho các hoạt động nhân đạo.
Trong khi đó, Nhật Bản đã triển khai máy bay kèm theo binh sỹ của Lực lượng Phòng vệ (SDF) tới quốc gia Nam Á nhằm hỗ trợ hồi hương công dân, nhân viên Đại sứ quán và một bộ phận khác. Tokyo cho biết sẽ chỉ tiếp tục di dời những người sơ tán cho đến đúng ngày 31/8, thời hạn được Mỹ ấn định rút quân khỏi Afghanistan.
Sự khác biệt về cách tiếp cận giữa Mỹ và phần còn lại của G7 có thể khiến tình hình tại sân bay ở Kabul, cũng như số phận của người di tản trong những ngày tới trở nên mông lung bao giờ hết.
| Thượng đỉnh G7 khẩn về Afghanistan: Không thể thống nhất việc gia hạn sơ tán, Canada tuyên bố cứng rắn và lý do của Mỹ Ngày 24/8, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về Afghanistan diễn ra theo hình thức ... |
| Thượng đỉnh khẩn của G7 về Afghanistan: Taliban sẽ phải chịu trách nhiệm Ngày 24/8, Hội nghị trực tuyến khẩn cấp của lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất ... |