Thành viên của GAV, một nhóm tình nguyện do sinh viên tự tổ chức, tuyên truyền bảo vệ môi trường tại Công viên Thống Nhất |
Những nghĩa vụ mơ hồ
Người thủ lĩnh Đoàn của chúng tôi hồi ấy sẽ được nhận thêm cỡ 0,1-0,2 cộng thêm vào điểm phẩy cuối học kỳ. Thêm nữa, bạn đó yêu thích công việc này, cho dù nhiều lúc phải khản cổ hô hào cả lớp đủ mọi chuyện, từ đóng quỹ Đoàn đến tham gia văn nghệ cuối năm.
Một trong những lý do cho sự khản cổ của bạn, là những gì bạn được giao để hô hào, hình như là từ nơi nào xa lắm. Qua bạn, rồi đến chúng tôi, lại càng xa. Thì hình như có bão, có lũ, nhưng chẳng biết cụ thể thế nào (nhất là với những sinh viên ở ký túc xá luôn trong tình trạng đói thông tin hồi ấy). Nhưng chi đoàn sẽ được giao một chỉ tiêu liên quan đến tiền ủng hộ, và những gì chúng tôi nghĩ khi “nộp” tiền, là “Đấy nhé, hoàn thành nhiệm vụ!” chứ không phải chúng tôi sẽ giúp được ai. Những đồng tiền ấy sau này làm được những gì, chúng tôi cũng không được biết cụ thể.
Và rồi, cái chuyện “trách nhiệm” ấy cứ đeo đẳng, trong rất nhiều những hoạt động tương tự. Đoàn với chúng tôi, cứ xa xôi như thế!
Làm gì để gần hơn?
Đã có nhiều ý kiến phê bình sự xa cách với thanh niên của Đoàn hiện nay. Bên lề Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Võ Văn Thưởng cũng thẳng thắn thừa nhận bệnh hình thức, thành tích và yếu tố hành chính hóa đã làm tăng khoảng cách của Đoàn với thanh niên. Không hẳn là cán bộ Đoàn đã thờ ơ với công việc của mình. Một điển hình là phong trào mang tên Mùa hè tình nguyện ở phía Bắc, hay Mùa hè xanh tại miền Nam đã gây tiếng vang lớn, trở thành hoạt động thường niên và được mở rộng với sự hưởng ứng rộng rãi trong thanh niên, sinh viên. Phong trào này đã góp phần khởi đầu cho sự rộn rã của hoạt động xã hội trong thanh niên, trí thức trẻ thời gian gần đây.
Điều đó chứng tỏ, với một mạng lưới rộng khắp, Đoàn hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò dẫn dắt thanh niên, nếu có được những chương trình hay, và những thủ lĩnh giỏi.
Những thủ lĩnh bên ngoài Đoàn
Chưa khi nào phong trào thanh niên chung tay vì cộng đồng, tham gia vào các vấn đề xã hội lại sôi nổi như bây giờ. Và rất nhiều hoạt động trong số đó được dẫn dắt bởi những thủ lĩnh chưa hề đi qua công tác Đoàn.
Nguyễn Văn Tuấn, tốt nghiệp một ngành khá xa xôi với chuyện hoạt động xã hội - ngành công nghệ thông tin, là một trong những người khởi xướng chương trình Áo ấm mùa Đông hàng năm quyên góp quần áo cũ cho trẻ em miền núi phía Bắc. Dù rằng có khá nhiều người “bàn ra tán vào” về hoạt động của Tuấn (bản thân tôi cũng tình cờ được kiểm nghiệm để thấy rằng những lời bàn ra tán vào này hoàn toàn có cơ sở), nhưng cũng đã có vài trăm bài báo ủng hộ, kêu gọi cho chương trình này, suốt mấy năm nay.
Thực tế là Áo ấm mùa Đông thành công tới mức rất nhiều nhóm hoạt động xã hội khác đã xây dựng những chương trình tương tự, với cái tên gần giống. Ngay hôm nay, về nhà bật ti-vi, bạn cũng sẽ nghe Truyền hình Việt Nam đang kêu gọi quyên góp cho một chương trình cũng mang tên Áo ấm mùa DDông. Gặp các thành viên trong nhóm của Tuấn, càng thấy bạn trai này được các em sùng bái và tin tưởng, gần như tuyệt đối.
Không chỉ có một người như trên, mà rất nhiều bạn trẻ đã “xắn tay áo” làm thủ lĩnh của các hoạt động xã hội, trong đó có nhiều hoạt động chỉ khởi đầu từ mạng Internet. Nhằm ủng hộ vụ kiện của nạn nhân chất độc da cam, người “chủ xị” của trang web nhacso.net đã cùng đồng sự thực hiện chương trình Đồng ca vì công lý, chủ yếu phát động trên blog nhưng đã thu hút được hàng trăm nghìn người ký tên vì các nạn nhân. Vào các trang như aoxanh.net, sẽ thấy những lời đầy nhiệt huyết và xúc động của các bạn trẻ kêu gọi những người đồng lứa với mình cùng chung tay vì cộng đồng. Sau những lần đóng góp, dù chỉ hơn 7 triệu đồng mà Ngôi Sao blog quyên góp cho vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, các blogger của trang này cũng nhận được thông báo chi tiết việc sử dụng, kèm với thư cảm ơn của nơi nhận.
Một tấm áo liệu có chật?
Những hoạt động rộng khắp như trên đã chứng tỏ nguồn lực cho phong trào Đoàn là không hề thiếu.
Và các phong trào riêng lẻ từ thanh niên, với rất nhiều thiện ý và ảnh hưởng tích cực, hoàn toàn không nên chỉ coi là “tự phát”. Đoàn thanh niên đang tìm mọi cách thực hiện nhiệm vụ của mình, nhưng nhiều tổ chức dường như chưa hào hứng với nguồn lực từ phong trào bên ngoài. Đoàn muốn dẫn đầu các hoạt động, nhưng trong nhiều đơn vị cụ thể, việc hòa mình vào nhiều hoạt động đang sôi nổi của thanh niên thì vẫn còn chưa. Một tấm áo đạo mạo cứ được ôm chặt. Chỉ là người thủ lĩnh vốn có, chứ chưa phải một người bạn.
Tuần này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, các đại biểu Đoàn đang họp mặt và thảo luận phương hướng phát triển cho xứng với tầm vóc tổ chức tập hợp lớn nhất của thanh niên Việt Nam. Hy vọng nhiều hơn vào những sự đổi mới để nâng tầm cùng thời đại, giúp Đoàn thật sự làm được vai trò người bạn tốt của thanh niên Việt Nam thế hệ mới.
Việt Đông