Có không ít chiến tích bắn rơi B52 vào năm 1972 tại Hà Nội, nhưng chiếc B52 rơi tại hồ Hữu Tiệp là chiếc duy nhất nằm lại lòng Thủ đô khi chưa kịp gây tội ác, vẫn còn nguyên bom đạn. Nghĩ về những năm tháng cũ, ông Trương Đăng Khoa – người chiến sĩ binh chủng tên lửa khi ấy luôn thấy mình may mắn vì có cơ hội lên đường nhập ngũ, được tham gia chiến đấu và chứng kiến những thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc.
Ông Khoa (ở giữa) chụp ảnh cùng đồng đội cũ. |
Lính “sinh viên”
Tháng 8/1970, khi đang là sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chàng sinh viên Trương Đăng Khoa quê Tiền Hải (Thái Bình) quyết định viết đơn xin ra chiến trường. Được nhà trường và Bộ Tư lệnh Thủ đô chấp nhận, các số sinh viên hăng hái lên đường nhập ngũ. Ông kể, “lúc bấy giờ, tinh thần tất cả vì miền Nam dâng cao, được đi bộ đội ai cũng mừng, được xếp vào đội ngũ chiến đấu thì càng vinh dự nhiều hơn”.
Thế nhưng, luyện tập suốt ba tháng ròng ở Thanh Hóa, ông Khoa và một số chiến sĩ khác lại không được vào chiến trường miền Nam. Chưa được đi đánh giặc, trên đường trở ra Bắc, trong lòng ông cùng anh em rất buồn khi được lệnh về Hải Phòng bổ sung cho Trung đoàn tên lửa 285. Sau thời gian được huấn luyện ở kíp trắc thủ, ông được phân công về Tiểu đoàn 72 để sẵn sàng chiến đấu, giúp bảo vệ vùng trời miền Bắc.
Thời gian đầu, kíp trắc thủ của những sinh viên như ông Khoa chỉ là kíp dự phòng (kíp 2). Từ tháng 4/1972, khi đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc, đơn vị của ông mới được cơ động lên trận địa Đại Chu ở Yên Phong, Bắc Ninh (xưa là Hà Bắc) để bảo vệ Hà Nội. Rồi cơ hội được sống và chiến đấu trong những thời khắc sinh tử cũng đến.
Xác B52 ở hồ Hữu Tiệp. |
Vui như... đi đánh giặc
Đó là trận đánh đêm 27/12/1972 khi kíp trắc thủ của ông Khoa được lệnh ra tiếp sức và thay cho kíp trực chiến (Kíp 1). Ba anh em đều là sinh viên đại học (đứa ở Hà Nội, đứa quê Thái Bình và quê Nghệ An) trong lòng vô cùng phấn khởi vì chờ mãi mới đến ngày này. Ông Khoa kể, mỗi lần kíp 1 ra trực chiến, ông đều thấy đồng chí Kíp trưởng ăn mặc rất chỉnh tề với quần áo mới, đầu đội mũ sắt, chân đi giầy. Ông hỏi “Sao ra trận địa trực chiến mà anh diện thế?”, thì đồng chí trả lời rằng: “Để khi chiến đấu không may hy sinh thì mình đã ăn mặc nghiêm chỉnh rồi”.
Khi ngồi trong xe chiến đấu chờ địch, cả kíp được nghe Tiểu đoàn Trưởng Phạm Văn Chắt thông báo tình hình địch đã dùng B52 đánh vào phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai làm hàng trăm người chết. Tiểu đoàn Trưởng nhắc nhở kíp chiến đấu phải bình tĩnh, xác định đúng mục tiêu và phải quyết tâm lập công đánh rơi máy bay để trả thù cho người dân Hà Nội đã bị sát hại (trong đó có vợ đồng chí Nguyễn Long Hiếu, Phó Chính trị viên của Tiểu đoàn bị sát hại ở Bệnh viện Bạch Mai khi đang cấp cứu cho các nạn nhân bị thương). Khi ấy, ông Khoa và đồng đội càng thêm quyết tâm phải trả thù và bắt địch đền tội.
Đêm đó, chiếc B52 duy nhất chưa kịp thả bom đã bị bắn rơi bởi kíp trắc thủ tại Đại Chu, trong đó có công sức không nhỏ từ kỹ thuật thao tác chính xác và điêu luyện của trắc thủ phương vị Trương Đăng Khoa. Khi nghe Tiểu đoàn Trưởng thông báo mục tiêu bị tiêu diệt và đang cháy như bó đuốc lớn, cả kíp trắc thủ của ông ôm nhau sung sướng rồi cùng hướng mắt về phía bầu trời rực cháy của Hà Nội.
“Với chiến công bắn rơi B52 tại chỗ, tiểu đoàn chúng tôi được thưởng một con bò do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng. Mấy hôm sau, cả tiểu đoàn mổ bò khao quân ăn mừng chiến thắng. Tổng kết đợt chiến đấu 12 ngày đêm, 3 trắc thủ chúng tôi mỗi đứa được Trung đoàn tặng một giấy khen không kèm theo hiện vật như ngày nay”, ông Khoa cười nhớ lại.
Ông Trương Đăng Khoa trong lần gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Mãi là lính Cụ Hồ, Tướng Giáp
Giải phóng miền Nam và đất nước thống nhất, đồng đội của ông Khoa đều trở về với vị trí khác nhau: người trở lại trường đại học để tiếp tục học tập, người trở thành kỹ sư, giảng viên... Riêng ông Khoa được cử đi đào tạo trở thành cán bộ sĩ quan trong quân đội và đã trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu kiên cường, quyết giữ từng tấc đất trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979.
Với ông, mặt trận Hà Quảng (Cao Bằng) tiếp tục là cơ hội chiến đấu để bảo vệ cho vùng biên cương của Tổ quốc. Ông kể rằng, những ngày tháng ấy gian khổ không kém lúc đánh Mỹ bởi suốt ba ngày ba đêm giữ chốt tại Hà Quảng, đơn vị của ông nhịn đói nhịn khát chỉ có lá rừng cầm hơi. Trong hành trình nguy hiểm phá vòng vây của địch để rút về tuyến an toàn, ông Khoa cũng không ít lần phải chứng kiến sự hi sinh đột ngột của những đồng đội thân thiết.
Chiến tranh dần lùi xa, ông Khoa luân chuyển công tác ở nhiều đơn vị và tổ chức khác nhau. Tuy nhiên, dù ở cương vị nào ông cũng luôn ý thức mình là lính Cụ Hồ, kiên định với mục tiêu lý tưởng của Đảng và đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước.
Đặc biệt, hơn 10 năm sau chiến tranh, ông đã may mắn được gặp và nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng mà ông hết mực ngưỡng mộ tại cuộc sum họp của kíp trắc thủ bắn rơi B52 ở Hà Nội. Tại buổi gặp ấy, ông Khoa nhớ như in những câu hỏi ân cần của Đại tướng như: ‘Đồng chí làm doanh nghiệp có to không?” “Có đủ trả lương cho nhân viên không?”… và lời nhắn nhủ: “đồng chí cố gắng phát huy ý chí chiến đấu vào sản xuất để đảm bảo tăng thu nhập cho người lao động”.
Nhắc lại chiến tích của kíp trắc thủ, Đại tướng một lần nữa nhấn mạnh đây là “chiến công đặc biệt xuất sắc” và bày tỏ cảm kích trước công lao đóng góp của từng người trong kíp. Cũng bởi chiến tích này, Tiểu đoàn 72 của ông đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Thời gian trôi qua, đồng đội trong kíp chiến đấu của những sinh viên ngày ấy giờ đều mang mái đầu bạc, người còn người mất. Hồ Hữu Tiệp – nơi xác chiếc B52 nằm lại đã được ghi nhận và trở thành di tích lịch sử quốc gia. Mỗi lần có dịp trở lại đây, ông Khoa cùng kíp trắc thủ đã trực tiếp chiến đấu thường ngồi thật lâu để ngắm nhìn hiện vật và hồi tưởng về những kỷ niệm và chiến công hiển hách của kíp mình.
Năm 2010, ông Khoa cũng đã trở lại Bắc Ninh thăm trận địa xưa. Mảnh đất Đại Chu hoang vu, trống trải năm nào giờ đã nghe âm vang nhịp sống và hơi thở của những nhà máy khu công nghiệp… Được biết, nhân dịp kỷ niệm 45 năm trận địa bắn rơi B52 sắp tới, một tượng đài lịch sử sẽ được xây dựng tại đây và ông cảm thấy rất tự hào khi trở thành một trong những nhân chứng sống của sự kiện này.
“Năm tháng sống trong chiến tranh đã mang lại cho chúng tôi gia tài quý giá là sự kiên trì, ý chí dám nghĩ dám làm và tinh thần chiến đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Sống giữa thời bình và dù đã nghỉ hưu nhưng chúng tôi vẫn luôn mang trong mình tinh thần của lính Cụ Hồ, Tướng Giáp”, ông tâm sự.
Ông Trương Đăng Khoa sinh năm 1951, đã nghỉ hưu và đang sống tại TP. Thái Bình. Ông đã nhận được Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương chiến công Hạng Ba, Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì và nhiều kỷ niệm chương, bằng khen khác. |